Nghi án tự làm giả tài khoản để đánh bóng tên tuổi
Vụ việc này được bắt đầu khi trang Twitter chính thức của Anonymous trong chiến dịch chống IS là #OpParis, cho biết các trang webchat của họ đang bị tấn công và không thể truy cập. Nguyên nhân của việc tấn công chưa được xác định rõ thì một tài khoản twitter #Phisher đã lên tiếng cho rằng vụ tấn công là do hacker người Việt gây ra.
Tài khoản #Phisher cũng khẳng định vụ tấn công là do ''5 hacker trẻ tuổi tại Việt Nam thực hiện'', và nhóm này có tên gọi là New Kings.
Thông báo của tài khoản #OpParis về việc các trang webchat của Anonymous bị tấn công - Ảnh chụp màn hình
Trao đổi với Thanh Niên, ông Ngô Tuấn Anh, Phó chủ tịch phụ trách An ninh mạng của Bkav, cho biết chưa có thông tin xác thực #Phisher là thành viên của Anonymous, tài khoản này có nhiều nghi vấn như thời gian hoạt động mới bắt đầu từ ngày 4-11, có rất ít người theo dõi. Như vậy, không loại trừ khả năng đây cũng là một chiêu trò của chính nhóm hacker Việt Nam nhằm đánh bóng tên tuổi mình.
"Dù đây là nhóm hacker Việt Nam thực hiện tấn công thật hay chỉ là chiêu trò ăn theo sự việc thì hành động của những người này cũng đáng lên án, nhất là ở thời điểm hiện nay", ông Ngô Tuấn Anh nói.
Đồng quan điểm, ông Ngô Trần Vũ, Giám đốc điều hành Công ty bảo mật NTS Security, cho rằng rất khó có khả năng vụ tấn công vào Anonymous là do chính hacker Việt gây ra.
Rõ ràng việc thực hiện tấn công hoặc tung tin nhận mình thực hiện tấn công Anonymous có thể gây ra những hậu quả lớn, khó lường trước. Chẳng hạn như tấn công "trả đũa" vào các hệ thống mạng tại Việt Nam, cho dù có những chuẩn bị, đối phó nhưng cũng khó tránh khỏi ảnh hưởng, thiệt hại nếu việc này xảy ra.
"Việc thực hiện tấn công mạng hay tung tin đồn thất thiệt gây ảnh hưởng đều là những hành vi vi phạm pháp luật và sẽ bị xử lý", ông Tuấn Anh cho biết.
Tài khoản #Phisher cho rằng vụ tấn công là do hacker Việt thực hiện - Ảnh chụp màn hình
Cẩn trọng với việc chọn lọc thông tin trên mạng
Ông Tuấn Anh cũng chia sẻ về việc vài ngày trước đó cư dân mạng đã một phen hoang mang vì một số bạn trẻ đã lập ra các trang Facebook giả mạo là của IS để gây sự chú ý, câu like ảo.
Theo ông Tuấn Anh những trò đùa trên mạng này sẽ tạo ra sự hoang mang trong cộng đồng, đồng thời có thể dẫn tới những hệ quả xấu khác khi có những lời lẽ kích động IS. Những hành vi này cần phải bị xử lý nghiêm.
Ông Ngô Trần Vũ cho rằng xu hướng phát triển nhanh của mạng xã hội tại Việt Nam trong thời gian qua thật sự là tin mừng về sự phát triển ứng dụng công nghệ thông tin vào cuộc sống nhưng cũng kèm theo những ảnh hưởng nghiêm trọng cho giới trẻ. Những người trẻ tuổi thiếu chín chắn trong nhận thức, không nghề nghiệp và chán nản với viễn cảnh tương lai có thể nhanh chóng bị nghiện ngập vào môi trường sống ảo của mạng xã hội. Rồi họ cũng dễ bị lôi kéo vào các nhóm cực đoan trên xã hội ảo này.
Trước đó cũng có tài khoản Facebook mạo danh IS gây hoang mang tại Việt Nam - Ảnh chụp màn hình
Về phía quản lý gia đình, các bậc cha mẹ lớn tuổi tại Việt Nam nhìn chung rất lạc hậu về công nghệ thông tin so với con cái của họ. Điều này càng làm cho vai trò quản lý gia đình đối với các bạn trẻ tham gia mạng xã hội và các nhóm hoạt động trên mạng xã hội trở nên yếu kém.
Theo ông Tuấn Anh khi tiếp nhận những thông tin trên mạng, nhất là thông tin quan trọng, cần lưu ý kiểm tra tính xác thực của thông tin cũng như nguồn tin. Chẳng hạn kiểm tra thời gian tạo trang Facebook, kiểm tra số thành viên của trang...
"Xem thời gian các trang này đã được tạo lâu chưa, những trang mới tạo là những trang có độ tin cậy thấp. Ngoài ra, khi đọc thông tin từ những trang nghi ngờ, chúng ta nên kiểm tra thông tin từ những nguồn khác như các trang thông tin chính thống, tin cậy", ông Tuấn Anh nói.
Bình luận (0)