“Bốn năm trước, chúng tôi bắt đầu sản xuất chipset, hiện nay là bộ vi xử lý CPU Haswell - Intel Core thế hệ thứ 4. Dự kiến 80% sản lượng CPU phục vụ khách hàng của Intel trên toàn cầu sẽ được sản xuất tại Việt Nam vào năm sau” - bà Sherry Boger, Tổng Giám đốc Intel Products Việt Nam, cho biết.
Bà Sherry Boger, Tổng Giám đốc Intel Products Việt Nam trong lễ công bố bộ xử lý Intel Core i thế hệ thứ 4 “Made in Vietnam” đầu tiên, diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh
Cũng 4 năm trước, Intel Việt Nam phỏng vấn hơn 2.000 ứng viên nhưng chỉ chọn được… 20 người. Nhiều ý kiến bi quan cho rằng chất lượng nguồn nhân lực cao và chất lượng đào tạo của Việt Nam đang ở mức báo động, không đáp ứng được yêu cầu của Intel, Samsung… khi họ đầu tư vào Việt Nam.
Tuy nhiên, theo dõi tình hình nguồn nhân lực công nghệ thông tin (CNTT) trong nhiều năm gần đây từ các công ty gia công xuất khẩu phần mềm, chúng ta thấy có sự dịch chuyển dần trong nhu cầu tuyển dụng ứng viên từ những công việc cấp thấp (nhập dữ liệu, kiểm thử phần mềm, lập trình đơn giản…) đến các công đoạn R&D (nghiên cứu phát triển) của Công ty TMA hay hệ thống phần mềm nhúng thông minh cho ô tô thế hệ mới, tổng đài thông minh của Công ty Luxoft.
Không chỉ trong thị trường gia công xuất khẩu, các công ty CNTT trong nước đã hình thành nguồn nhân lực đủ khả năng để phát triển, triển khai các ứng dụng trên nền tảng thứ ba của cách mạng CNTT như điện toán đám mây, thiết bị di động, mạng xã hội, dữ liệu lớn. Các sản phẩm phần mềm cho thuê (SaaS) mang hàm lượng chất xám cao của Misa, Lạc Việt… ngày càng phổ biến. Sự kiện Intel Việt Nam tăng quy mô đầu tư, đẩy nhanh tiến độ sản xuất cũng như quyết định dịch chuyển quy mô cung ứng của nhà máy tại Việt Nam như một sự động viên, tin tưởng về khả năng tiếp cận và đáp ứng yêu cầu về tiêu chuẩn công nghệ cao cấp thế giới đối với nguồn nhân lực CNTT chúng ta.
Đây là tín hiệu đáng mừng cho nền CNTT Việt Nam.
Bình luận (0)