Trước những lời chỉ trích ngày càng gay gắt từ giới truyền thông sau các sự cố trọng tài, FIFA dường như đã thấy “nhột”. Chủ tịch của tổ chức bóng đá lớn nhất hành tinh Sepp Blatter hôm qua, 29-6, lên tiếng thừa nhận việc cần thiết phải áp dụng công nghệ ở vạch vôi khung thành để chấm dứt những tranh cãi. Blatter cho biết: “Sau những bài học vừa qua ở World Cup, việc xem xét lại công nghệ dùng hình ảnh xác định bóng có qua vạch vôi khung thành hay không là cần thiết. Chúng tôi sẽ xem xét lại công nghệ này vào cuộc họp của Tiểu ban Kỹ thuật FIFA (IFAB) vào tháng 7 tới”.
Nếu công nghệ xem lại được áp dụng, đội Anh đã có bàn thắng gỡ hòa 2-2 trước đội Đức từ pha bóng này. Ảnh: REUTERS
Đúng là FIFA đã bắt đầu quan tâm, nhưng dường như đối với họ chỉ sau bàn thắng bị từ chối của Lampard (trận Anh thua Đức 1-4) và pha đánh đầu ghi bàn từ vị trí việt vị của Tevez (trận Argentina thắng Mexico 3-1) thì vấn đề cũ rích này mới phải cần xem xét. Thật ra, lời kêu gọi áp dụng công nghệ để xác định vị trí việt vị hoặc bàn thắng hợp lệ đã được đưa ra từ năm 2005, trong trận đấu ở Giải Ngoại hạng Anh giữa Tottenham và M.U, dù quả bóng đã vào sau vạch vôi khung thành M.U nhưng bàn thắng vẫn bị từ chối.
Vấn đề này ngay lập tức được đưa ra xem xét, theo đó sẽ có một chip điện tử ở vạch vôi khung thành, khi bóng qua vạch vôi sẽ truyền một tín hiệu đến cho trọng tài chính. Công nghệ này đã được đưa vào thử nghiệm ở World Cup U17 diễn ra cùng năm ở Peru, tuy nhiên, nó đã bị hủy bỏ vì không bảo đảm tính chính xác tuyệt đối. Cuộc cách mạng đã đi vào ngõ cụt khi tháng ba vừa rồi, IFAB tuyên bố sẽ không áp dụng sự thay đổi này với nhiều lý do như thiếu tính chính xác hay quyết định gây tranh cãi là một phần của bóng đá. Khi đó, ông Blatter tuyên bố: “Các môn thể thao khác thường xuyên thay đổi luật lệ vì các ứng dụng kỹ thuật. Chúng tôi sẽ không làm như vậy vì sự đam mê và phổ biến của bóng đá”.
Dường như FIFA đang tỏ ra mâu thuẫn với chính mình. Ông Blatter giải thích ra sao khi các trọng tài được hỗ trợ bởi tai nghe, cũng là một áp dụng của công nghệ? Sự tranh cãi là một trong những yếu tố hấp dẫn của bóng đá, nhưng liệu có còn hấp dẫn khi quyết định đó gián tiếp đẩy một đội bóng đến thất bại, hàng triệu CĐV suy sụp? Việc áp dụng khoa học kỹ thuật một cách hợp lý không những bảo đảm tính lôi cuốn của bóng đá mà còn tạo ra sự minh bạch cho cuộc chơi. Lấy ví dụ môn quần vợt, việc sử dụng “mắt diều hâu” ghi lại các pha bóng trong hay ngoài sân chỉ được dùng khi bóng chết và mỗi VĐV chỉ được khiếu nại ba lần trong một hiệp (nếu đúng vẫn giữ được quyền khiếu nại).
Không biết lần này, cuộc cách mạng kỹ thuật sẽ đi đến quyết định như thế nào, nhưng chúng ta có quyền nghi ngờ về tính bảo thủ của FIFA. Ông Blatter không quên “buông” một câu kết luận đầy ẩn ý: “Cho dù công nghệ được áp dụng nhưng quyết định cuối cùng thuộc về con người. Thế thì tại sao phải loại bỏ trách nhiệm của trọng tài và đẩy cho một ai khác?”.
Bình luận (0)