Thảo luận ở tổ tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV về dự thảo Nghị quyết thí điểm chính quyền đô thị tại TP Hải Phòng, hôm 31-10, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: Bộ máy Nhà nước quá cồng kềnh và yêu cầu phải tiếp tục tinh gọn, tinh giản biên chế, giảm chi thường xuyên để dành nguồn lực đầu tư phát triển.
Nhiều tầng nấc, chồng chéo
Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết tại Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả (Nghị quyết 18) đã chỉ ra thực trạng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị vẫn còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, nhiều đầu mối; hiệu lực, hiệu quả hoạt động chưa đáp ứng yêu cầu. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, mối quan hệ của một số cơ quan chưa thật rõ, còn chồng chéo, trùng lắp. Đặc biệt, việc phân công, phân cấp, phân quyền giữa các ngành, các cấp và trong từng cơ quan, tổ chức chưa hợp lý, thiếu đồng bộ.
Tổng Bí thư dẫn chứng cụ thể về sự chồng chéo trong quản lý cát, đá, sỏi lòng sông khi Bộ Giao thông Vận tải nói khơi thông luồng lạch là vấn đề giao thông, Bộ Tài nguyên và Môi trường xem là tài nguyên, còn Bộ Xây dựng lại cho rằng đây là vật liệu xây dựng. "Một vấn đề mà bao nhiêu cuộc họp nhưng hỏi ai chịu trách nhiệm chính thì không biết. Bộ máy cứ như thế thì làm sao chịu được!" - Tổng Bí thư bức xúc.
Thời gian qua, việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu quả tiếp tục được đẩy mạnh. Đến nay, tại các bộ, ngành đã giảm 17 tổng cục và tổ chức tương đương. Giảm 10 cục và 144 vụ/ban thuộc tổng cục và bộ. Giảm 108 phòng trong vụ/ban thuộc bộ, ngành. Giảm 22 đơn vị sự nghiệp công lập thuộc bộ, ngành. Tại các địa phương đã giảm 13 sở và tổ chức hành chính khác thuộc UBND cấp tỉnh; 2.572 tổ chức phòng và tương đương thuộc cơ quan chuyên môn UBND cấp tỉnh, cấp huyện. Đối với đơn vị sự nghiệp công lập, tính đến hết năm 2023 đã giảm 7.867 đơn vị, còn 46.385 đơn vị.
Thu gọn đầu mối, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền
Nghị quyết 18 cũng nêu rõ số người hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách Nhà nước rất lớn, nhất là ở các đơn vị sự nghiệp công lập, người hoạt động không chuyên trách cấp xã và ở thôn, tổ dân phố; chính sách tiền lương còn bất cập. Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, trong khi ở nhiều nước chi thường xuyên khoảng 40% thì nước ta đang chi đến gần 70%. "Như vậy, sẽ không còn tiền chi cho đầu tư phát triển, quốc phòng - an ninh, an sinh xã hội..." - Tổng Bí thư lo ngại.
Theo báo cáo về dự toán ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2024, ước chi NSNN cả năm là 2.281,7 ngàn tỉ đồng, trong đó chi thường xuyên khoảng 1.274,6 ngàn tỉ đồng, chi đầu tư phát triển khoảng 684,4 ngàn tỉ đồng. Sang năm 2025, Chính phủ dự toán tổng chi NSNN là 2.548,9 ngàn tỉ đồng. Trong số này, dành cho chi đầu tư phát triển khoảng 790,7 ngàn tỉ đồng (31%), chi thường xuyên 1.554,7 ngàn tỉ đồng (60,9%).Đứng trước yêu cầu phải sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế, Bộ Nội vụ cho biết từ năm 2016 đến 2023, đã tinh giản 82.295 biên chế; hoàn thành vượt chỉ tiêu Bộ Chính trị giao khi số công chức giảm 10,01%, viên chức hưởng lương từ ngân sách giảm 11,67%, số người hoạt động không chuyên trách giảm 46,64%. Trong 6 tháng đầu năm 2024, tinh giản được 3.853 người.
Tuy nhiên, Bộ Nội vụ cũng nhìn nhận kết quả tinh giản biên chế tuy đạt về chỉ tiêu số lượng nhưng chưa thực sự gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Từ đó ảnh hưởng nhất định đến tính hiệu quả của hoạt động công vụ, gây lãng phí ngân sách.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) cho rằng bộ máy công vụ cồng kềnh, nhiều tầng nấc, chi trả tiền lương lớn nhưng hoạt động kém hiệu quả cũng là sự lãng phí rất lớn. Do đó, việc sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là yêu cầu cấp thiết. Việc này phải thực hiện đồng bộ ở tất cả các cấp với quyết tâm chính trị rất cao vì một mục tiêu cao nhất là xây dựng nền hành chính vì nhân dân phục vụ.
Còn theo TS Phạm Quang Long, Phó Chủ tịch Hiệp hội Khoa học Hành chính Việt Nam, các bộ, ngành, cơ quan cần chủ động rà soát, sắp xếp, tinh gọn đầu mối bên trong, giảm cơ bản số lượng tổng cục, cục, vụ, phòng. "Việc rà soát, sắp xếp, thu gọn đầu mối cần tập trung vào chất lượng thay vì số lượng. Thời gian qua có việc sáp nhập, sắp xếp cơ học, mang tính cộng gộp, không có nhiều ý nghĩa" - TS Long chỉ rõ.
Theo TS Long, Hội nghị Trung ương 10 khóa XIII đã nhấn mạnh tinh thần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền với phương châm "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm".
"Phân cấp, phân quyền thì sẽ giảm được sự chồng chéo, nhiều tầng nấc, hạn chế xin - cho, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy công vụ, tránh tình trạng một việc liên quan đến nhiều cơ quan nhưng lại không tìm ra cơ quan đầu mối chịu trách nhiệm chính" - TS Phạm Quang Long nhấn mạnh.
Ông LÊ PHÚ NGUYỆN, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP Đà Nẵng:
Không làm kiểu phong trào
Thời gian qua, các địa phương không chỉ sắp xếp cấp huyện, cấp xã mà cả cấp tỉnh, cả hành chính lẫn sự nghiệp, cả khối Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, để nói đã tinh gọn, hiệu quả chưa thì khó. Chứng minh được số giảm nhưng không chứng minh được hiệu quả - vốn là mục tiêu hàng đầu. Có những địa bàn, lĩnh vực không những giảm mà phải tăng như ở các địa phương, đô thị phát triển nhanh hay các lĩnh vực phát sinh nhiều nhiệm vụ mới như quản lý phát triển công nghệ số. Có những chỗ không chỉ giảm 5-10 mà có thể nhiều hơn, thậm chí giải thể nếu giao thoa, trùng lắp chức năng, nhiệm vụ.
Để thực hiện có hiệu quả thì phải làm có tính hệ thống. Theo đó, cần tính toán tổng thể bộ máy và định mức, hệ số biên chế từ trung ương xuống địa phương. Không làm kiểu phong trào, thành tích, chỗ làm, chỗ không; thiếu dẫn dắt và nhất quán rồi tách nhập, nhập tách làm ảnh hưởng tính ổn định và chất lượng vận hành bộ máy địa phương cũng như tâm lý cán bộ, nhìn nhận của người dân.
PGS-TS NGUYỄN TRỌNG PHÚC, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh):
Cần quyết tâm cao của người đứng đầu
Đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là yêu cầu cấp thiết nhưng cũng là vấn đề khó vì liên quan đến quyền lợi, tâm tư của cán bộ, công chức, viên chức. Để thực hiện hiệu quả, cần có quyết tâm cao của người đứng đầu, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Các cơ quan cần mạnh dạn thực hiện việc tinh giản biên chế đối với những cán bộ, công chức, viên chức không đủ tiêu chuẩn, điều kiện về chuyên môn, nghiệp vụ, phẩm chất đạo đức.
Đặc biệt, cần tiếp tục tinh giản biên chế, cải cách hành chính gắn với chuyển đổi số để phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn.
B.Vân - M.Phong ghi
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định vừa ký ban hành Kết luận số 1036 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiếp tục thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030.
Trên cơ sở đề xuất của Chính phủ, đến nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, thông qua 37 Nghị quyết về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của 37 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương giai đoạn 2023 - 2025. Qua đó đã sắp xếp đối với 25 đơn vị hành chính cấp huyện, 756 đơn vị hành chính cấp xã trong giai đoạn 2023 - 2025; giảm được 7 đơn vị hành chính cấp huyện, 373 đơn vị hành chính cấp xã.
M.Phong
Bình luận (0)