Ngày 13-7, ông Nguyễn Kim Thạch, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty Cổ phần Cấp nước Tuyền Lâm (Công ty CPCN Tuyền Lâm), cho biết đã nhận được hồi đáp của Tỉnh ủy Lâm Đồng đối với đơn kiến nghị của doanh nghiệp về những khó khăn, vướng mắc trong việc cấp nước tại nhà máy nước Tuyền Lâm (NMN Tuyền Lâm).
Theo đó, Thường trực Tỉnh ủy Lâm Đồng chuyển đơn đến UBND tỉnh nghiên cứu giải quyết, báo cáo Thường trực Tỉnh ủy trước ngày 30-8 về kiến nghị giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp này trong việc ngưng thực hiện hợp đồng với Công ty cổ phần cấp thoát nước Lâm Đồng (Công ty CP CTN Lâm Đồng) và các doanh nghiệp trong Khu du lịch Quốc gia (KDLQG) hồ Tuyền Lâm, gây ảnh hưởng đến kinh tế của Công ty CPCN Tuyền Lâm; góp ý về việc xử lý nguồn nước thải để tái sử dụng.
Theo ông Nguyễn Kim Thạch, Công ty CPCN Tuyền Lâm đã đầu tư hoàn thành NMN Tuyền Lâm với công suất 15.000 m3/ngày đêm. Trong đó, cấp cho các doanh nghiệp hoạt động du lịch tại Khu du lịch Quốc gia hồ Tuyền Lâm là 11.000 m3/ngày đêm và TP Đà Lạt 4.000 m3/ngày đêm; đầu tư tuyến ống khu vực hồ Tuyền Lâm với chiều dài 24 km với vốn đầu tư là 38 tỉ đồng. Toàn bộ các hạng mục công trình đã hoàn thiện và đi vào hoạt động từ đầu năm 2022.
Từ năm 2022 đến 2023, doanh nghiệp đã cấp nước cho TP Đà Lạt 4.000 m3/ngày đêm với tổng sản lượng gần 2,2 triệu m3 nước thông qua hợp đồng với Công ty CP CTN Lâm Đồng. Thời điểm này do dịch bệnh Covid-19 nên mức giá nước giữ ổn định là 5.800 đồng/m3 nên Công ty CPCN Tuyền Lâm chịu lỗ hơn 6 tỉ đồng.
Đến tháng 7-2023, do 2 doanh nghiệp không hiệp thương được giá bán nên hợp đồng cung cấp nước của Công ty CPCN Tuyền Lâm cho Công ty CP CTN Lâm Đồng phải ngừng. Ông Thạch cho rằng mức giá 5.800 đồng/m3 là không hợp lý khiến doanh nghiệp chịu lỗ còn cơ quan chức năng của tỉnh Lâm Đồng chưa đứng ra hiệp thương được giá cho 2 doanh nghiệp dù UBND tỉnh nhiều lần chỉ đạo.
NMN Tuyền Lâm có mục tiêu cung cấp nước cho các doanh nghiệp hoạt động trong KDLQG hồ Tuyền Lâm với công suất 11.000 m3/ngày đêm cho 34 dự án đã đăng ký và đang triển khai tại đây.
Đến nay, 10 doanh nghiệp KDLQG hồ Tuyền Lâm đã đi vào hoạt động, còn lại trong quá trình vừa kinh doanh vừa đầu tư thực hiện dự án. Công ty CPCN Tuyền Lâm chỉ ký được hợp đồng với 6 doanh nghiệp với tổng sản lượng đã ký là 950 m3/ngày đêm. Tuy nhiên, mức tiêu thụ của những doanh nghiệp này chỉ đạt 120 m3/ngày đêm phục vụ cho lượng lớn du khách, nhân viên làm việc tại KDLQG hồ Tuyền Lâm.
Ông Thạch cho rằng nếu không có giải pháp tháo gỡ vấn đề này, ngoài việc Công ty CPCN Tuyền Lâm bị thiệt hại nghiêm trọng thì nhà nước cũng thất thoát nguồn tài nguyên nước, thất thu thuế tài nguyên.
Về vấn đề xử lý nguồn nước thải để tái sử dụng, ông Thạch nêu lượng nước thải KDLQG hồ Tuyền Lâm dự kiến giai đoạn đầu khoảng 700 m3/ngày đêm, sau đó sẽ tăng lên theo lượng khách du lịch càng đông, có thể lên đến 12.000 m3/ngày đêm.
Nếu Công ty CPCN Tuyền Lâm được giao nhiệm vụ xử lý nước thải có thể hoàn nguyên tái tạo lại nguồn nước thô không dưới 9.000m3/ngày đêm. Nguồn nước thô này sẽ là nguồn nước đầu vào của nhà máy để sản xuất nước sạch và cấp trở lại cho KDLQG hồ Tuyền Lâm.
Ngoài khó khăn của Công ty CPCN Tuyền Lâm, thực hiện kết luận của quyền Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thái Học, UBND tỉnh Lâm Đồng mới đây đã yêu cầu các sở ban ngành, UBND các TP, huyện thuộc tỉnh triển khai nhiều biện pháp để giải quyết kiến nghị của 12 doanh nghiệp đã nêu tại hội nghị gặp gỡ, đối thoại với các doanh nghiệp trên địa bàn vào ngày 22-6 theo đúng quy định pháp luật.
Bình luận (0)