Theo quan sát của tôi, hiện nay karaoke bắt đầu nhường bước cho loa kẹo kéo. Không cần màn hình tivi, không cần phải ngồi trong nhà, chỉ cần một cái thùng loa kẹo kéo, một chiếc smartphone, một chiếc micro…, là thành một… đại nhạc hội đại náo phố phường.
Không nói đâu xa, ở ngay xóm nhà tôi, mấy ngày Tết, mới mở mắt ra là nghe phía nhà bên phải … "đắp mộ cuộc tình", bên trái dập ầm ầm… "thà là bỏ đi hết ta làm lại từ đầu". Bên phải là một dàn karaoke tối tân nhất, kéo tận ra ngoài sân, mở hết công suất. Bên trái là thùng loa kẹo kéo, vừa hát kiểu thử giọng vừa điều chỉnh âm thanh, theo chiều hướng to hết cỡ. Cứ như thế, họ thi nhau hát, rồi khách khứa lần lượt kéo đến, rồi rượu bia tràn trề, rồi lại tiếp tục hát…
Theo tôi được biết thì các ca sĩ chuyên nghiệp, sống bằng nghề ca hát, họ rất giữ giọng, có kỷ luật khắc khe để luyện thanh, rất ít khi rượu bia. Trong khi ca sĩ chuyên nghiệp lên sân khấu thì không có tý men nào, còn ca sĩ… loa kẹo kéo, thì phải nốc cho thật say rồi mới hát. Có những người bình thường mở miệng nói không ra câu, không dám hát vì không thuộc lời, không biết nhạc nhưng khi say bốc lên rồi thì cứ… giựt micro mà hát. Nhiều đám hát karaoke hay "đại nhạc hội" loa kẹo kéo thường đi kèm với những trận… đấu võ đài là vậy. Giành nhau hát mà đánh nhau đến đi bệnh viện cấp cứu.
Một thầy giáo ở Bình Dương bị đâm chết khi qua hàng xóm nhắc nhở việc nhậu, hát karaoke gây ồn trong nhiều giờ
Cũng trong xóm tôi, Tết qua xảy ra một chuyện buồn. Có anh chàng kia, không biết sầu đời hay sao mà Tết không đi chơi đâu, ngày nào cũng lôi cái loa kẹo kéo ra ngồi trước nhà mà hát. Tôi không biết anh ta lấy năng lượng đâu ra mà hát từ tầm trưa đến khoảng giữa đêm, đến khi say bí tỉ mới ngừng. Khi say, anh ta không đi vào nhà, mà lại qua bên nhà hàng xóm đứng… tè tỉnh bơ. Thấy anh chàng kia thật quá đáng, đã gây ồn, lại tè ngay trước cổng nhà mình, ông hàng xóm nổi giận quát mắng. Thế là anh chàng kia chạy vô nhà rút mã tấu ra đòi chém. Ông hàng xóm sợ quá rụt vào trong nhà. Anh chàng kia vẫn không buông tha, cứ đứng trước nhà đòi chém, dọa giết. Thế rồi cả mấy ngày sau, ngày nào anh ta cũng chửi bới văng tục. Ông hàng xóm sợ quá, khóa cửa nhà về bên ngoại tạm lánh.
Mấy năm gần đây, những vụ đánh nhau, thậm chí là giết người, từ vấn nạn "khủng bố" bằng âm thanh đã trở thành nhức nhối. Tôi không rõ, cơ quan chức năng nào có nhiệm vụ giải quyết vấn nạn này? Tôi cũng không rõ quy định xử phạt về việc gây tiếng ồn nơi công cộng, trong khu dân cư, sẽ được áp dụng như thế nào? Tôi chỉ thấy sự bất lực của bà con hay bản thân mình khi chẳng may sống trong khu vực có những… ca sĩ bất đắc dĩ. Không nói thì không được. Nhưng nói động đến thì gây sự, mất tình làng nghĩa xóm, thậm chí còn bị đánh bị chém.
Trong lúc xóm tôi chưa dẹp được vấn nạn trên, một ông bạn nhà văn đến nhà góp ý vui thế này: Giờ nhà đài, nhà gì đó cũng được nên tổ chức một cuộc thi hát mang tên "Giọng ca vàng loa kẹo kéo", quy tụ hết các "ngôi sao" chuyên gây khổ sở cho bà con, mang họ về hết một chỗ, cứ để cho họ hát thâu đêm suốt sáng. Cuộc thi có thể kéo dài suốt nửa năm. Cuối cùng, phần thắng sẽ được trao cho người … hạ gục tất cả các thí sinh còn lại. Tuy nhiên ông bạn xin đề nghị: "Cuộc thi, nếu được tổ chức, xin cấm tất cả các loại bia rượu"!
Bình luận (0)