Phân tích về tình trạng tiếng ồn do karaoke trong khu dân cư, Trưởng Ban Văn hóa xã hội HĐND TP HCM Thi Thị Tuyết Nhung nhìn nhận karaoke di động đã không còn là việc giải trí đơn thuần mà đã trở thành vấn nạn, gây bức xúc và nhiều hệ lụy trong cộng đồng dân cư.
Trách nhiệm chính vẫn thuộc chính quyền cơ sở
Giải pháp để xử lý tình trạng này, bà Nhung cho rằng cần đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu được vui chơi không ai cấm nhưng phải phù hợp, không ảnh hưởng đến người khác, không vi phạm pháp luật. Cần phát huy vai trò của tổ dân phố, khu phố. Hộ nào, cá nhân nào gây ồn ào quá mức thì tổ dân phố nên nhắc nhở trực tiếp và trong các buổi họp định kỳ. Một khi đã nhắc nhở rồi nhưng vẫn cố tình vi phạm thì phải xử phạt thật mạnh.
"Hiện luật đã có quy định đầy đủ và cụ thể. Trách nhiệm chính vẫn là chính quyền cơ sở phải mạnh tay xử lý. Khi đo tiếng ồn vượt chuẩn cho phép thì phải xử phạt ngay, độ ồn bao nhiêu thì mức xử phạt sẽ tương ứng như thế. HĐND cấp phường, xã, thị trấn, quận, huyện cần đẩy mạnh giám sát bởi đây là vấn đề cụ thể của địa phương. HĐND cấp cơ sở sẽ nắm chắc và sâu sát hơn" - bà Nhung nêu ý kiến.
Ông Trần Minh Tú, Chủ tịch UBND phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức (TP HCM), cho rằng việc gây ô nhiễm tiếng ồn chủ yếu do những người thiếu ý thức nên việc xử phạt cần nhưng không thật sự tạo sự thay đổi lớn trong cộng đồng. "Giải pháp vẫn là tăng cường nhắc nhở. Khi nhận được phản ánh của người dân, cán bộ khu phố, công an khu vực phải trực tiếp xuống ngay để nhắc nhở; nếu không khắc phục thì yêu cầu viết cam kết, phê bình trước tổ dân phố. Khi cộng đồng xung quanh lên án thì người gây ồn ào tự xấu hổ mà điều chỉnh hành vi" - ông Tú nói.
Loa hát di động bị lập biên bản tạm giữ tại UBND phường Phạm Ngũ Lão, quận 1, TP HCMẢnh: Lê Phong
Quá giờ, gây ồn ào thì xử lý ngay
Trong khi đó, lãnh đạo UBND quận Bình Tân (TP HCM) thừa nhận hiện nay, các quy định xử phạt hành chính về lĩnh vực ô nhiễm tiếng ồn, gây mất an ninh trật tự đã được ban hành nhưng chỉ có thể xử lý các cơ sở sản xuất kinh doanh; còn nhà dân hát karaoke sử dụng loa thùng rất khó xử lý. Theo Nghị định 155/2016/NĐ-CP, muốn xử phạt phải có chứng cứ từ những thiết bị đo và do một đơn vị được Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) cấp phép để đo. Cán bộ cơ sở tự đo hoặc dùng các phần mềm trên điện thoại ghi nhận lại thì chỉ là nội dung tham khảo, không thể căn cứ vào đó lập biên bản. Vì vậy, cần có quy định lại thẩm quyền, quy trình xử lý.
Cùng quan điểm, ông Lê Tấn Đạt - Chủ tịch UBND phường Phạm Ngũ Lão, quận 1 - cho rằng địa phương được trang bị máy đo độ ồn nhưng kết quả không có giá trị thì cũng như không. Đặc biệt, đối với các trường hợp hát rong khó mà xử lý khi họ bỏ tang vật hoặc dừng hát. Vì thế, cần thoáng hơn về cơ chế xử lý. Chẳng hạn kết quả ghi nhận cán bộ tại thời điểm đó chứng minh hát quá giờ, hát ồn ào là có thể xử lý ngay.
Theo luật sư Nguyễn Anh Minh (Đoàn Luật sư TP HCM) quy định pháp luật hiện rườm rà, nhiều thủ tục nên khó khăn cho công tác xử lý. "Vì vậy, khi nhận được phản ánh của người dân về tiếng ồn do karaoke không cần phải đo bằng thiết bị chuyên dụng như đối với việc kiểm tra các cơ sở sản xuất. Chỉ cần lấy ý kiến hàng xóm, nhân chứng, trưởng khu phố, các hộ bị ảnh hưởng. Đây là cơ sở đánh giá rõ ràng, đầy đủ nhất. Đi kèm với đó, cán bộ kiểm tra có thể sử dụng các ứng dụng phần mềm trên điện thoại để làm bằng chứng. Ngoài ra, các quy định pháp luật cũng nên trao thêm quyền cho cán bộ cấp phường. Có một thực tế đáng buồn là dù biết bất cập nhưng những người thực thi lại không mạnh dạn đề xuất giải pháp để việc áp dụng các quy định pháp luật hiệu quả hơn" - luật sư Minh nhận xét.
Bạn đọc hiến kế
Không thể "bó tay", phải có chế tài xử phạt thật nghiêm, thậm chí bỏ luôn quy định dùng thiết bị chuyên dụng đo cường độ tiếng ồn karaoke. Hễ người dân than phiền thì chính quyền địa phương thẳng tay xử lý. "Đề nghị nên ra quy định nếu có tổ chức tiệc tùng mà muốn ca hát thì phải làm đơn xin phép kèm theo cam kết một số điều kiện như độ ồn, thời gian ca hát. Nếu vi phạm hoặc không có phép, đề nghị phạt hành chính thật nặng, từ 10 đến 20 triệu đồng"- bạn đọc Trần Ngọc Hiếu đề xuất.
Còn theo bạn đọc Trung Đài, hãy xây dựng luật trên cơ sở tôn trọng sinh hoạt cộng đồng, đời sống cá nhân. Bất cứ ai gây ồn cũng bị xử lý. Bên cạnh đó, cần quy định cụ thể trách nhiệm của công an, UBND phường. Nếu không thực thi nghiêm quy định thì người đứng đầu bị cách chức.
Quyết liệt không kém, bạn đọc Phan Dũng đề nghị cần có văn bản quy định rõ việc cấm sử dụng loa để hát karaoke tại nhà bất kể thời gian nào trong ngày nếu không cho giải pháp cách âm.
V.Thư
Bình luận (0)