Những ai yêu mến đảo ngọc Phú Quốc, những ngày vừa qua không khỏi bàng hoàng, xót xa khi thấy hình ảnh người dân huyện đảo vật vã trong dòng nước chảy xiết; bơ phờ trong “ biển nước”. Và tôi - người đã ở Phú Quốc từ hàng chục năm trước, cũng không khỏi bàng hoàng khi chứng kiến cảnh ngập lụt ở đảo ngọc này.
Có thể do thời tiết cực đoan khiến mưa to kéo dài, làm cho huyện đảo bị nhấn chìm trong nước, song điều này cũng chỉ là một phần nguyên nhân. Hàng chục năm trước hiện tượng mưa núi đã hoành hành ở đây. Mưa tối ngày sáng đêm, kéo từ ngày này qua ngày khác, lượng mưa cũng cực lớn nhưng Phú Quốc gần như không bị ngập.
Phú Quốc có địa hình đặc trưng là cao ở phía Bắc, thấp dần về phía Nam. Ở phía Đông của đảo đa phần là các dãy núi cao sừng sững bao chắn, và thấp dần về phía Tây đây cũng là hướng chính phát triển của huyện đảo để hướng ra biển.
Do vậy, lượng mưa dù có lớn đến đâu, nước từ trên núi đổ xuống mạnh thế nào cũng có cây rừng che chắn, giảm cường độ. Nước mưa có ào ạt rồi cũng theo các con sông chính như Dương Đông, Dương Tơ, Cửa Cạn và các con suối có khắp đảo chảy xuôi dần về Tây rồi đổ ra biển. Vậy nên dọc nhiều bãi biển ở phía Tây thuộc thị trấn Dương Đông thỉnh thoảng vẫn bắt gặp những con suối chảy ra biển suốt ngày đêm.
Nhiều năm trước Phú Quốc thường xuyên có lượng mưa cực lớn nhưng không bị ngập.
Thế nhưng những năm gần đây khi trở lại Phú Quốc, điều đầu tiên đập vào mắt tôi là tốc độ đô thị hóa quá nhanh, rất nhiều bãi biển là những khu nghỉ dưỡng, khu du lịch với các công trình xây dựng đồ sộ mọc lên như nấm. Toàn bộ các con suối thoát ra biển gần như bị tắc nghẽn bởi hệ thống tường bao kiên cố. Các con sông chính cũng bị lấn chiếm, nhà cửa mọc lên san sát. Ở các xã như Dương Tơ, Bãi Thơm, Cửa Dương, An Thới...các con suối bị bao chiếm, lấn dòng. Diện tích cây rừng cũng ngày suy giảm; trong khi hệ thống cống thoát nước thì cũ kỹ, lạc hậu, có nơi còn tắc nghẽn bởi rác thải, cát thải.
Thực trạng Phú Quốc ngập sâu trong mấy ngày qua chính là cái giá phải trả cho sự phát triển quá nóng, trong khi công tác quản lý quy hoạch và xây dựng của huyện đảo không được chú trọng. Giải pháp cho Phú Quốc không tái ngập, tôi nghĩ ai cũng dễ dàng nhận thấy và tôi cũng chỉ muốn nhắc lại và nhắc thêm để các cơ quan hữu trách lưu tâm. Đó là, phải có quy hoạch chiến lược, lâu dài, không thể phát triển bất chấp ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang tác động khôn lường như hiện nay.
Phú Quốc ngập sâu trong mấy ngày qua, chính là cái giá phải trả cho sự phát triển quá nóng
Điều cốt tử hiện nay là Phú Quốc phải giữ được càng nhiều diện tích rừng càng tốt, vì bốn bên là biển thì nguy cơ thiếu nước ngọt có thể xảy ra. Rừng sẽ góp phần giữ nước ngầm, điều tiết nước khi có mưa lớn, để không có lũ như vừa qua. Tình trạng các công trình như khách sạn, nhà hàng… lấn chiếm bờ sông, con suối tự nhiên đã có từ nhiều năm trước, phải sớm được giải tỏa.
Việc hình thành các khu đô thị mới đáp ứng cho nhu cầu gia tăng dân số, bắt buộc phải có kết cấu hạ tầng đồng bộ từ cấp, thoát nước đến giao thông. Việc quản lý xây dựng phải được thực hiện chặt chẽ, rốt ráo; xử lý bất cứ cá nhân tổ chức nào vi phạm.
Phú Quốc đang rất cần các nguồn lực đầu tư để phát triển, nhưng thu hút nguồn vốn bằng bất cứ giá nào mà không tính đến sự bền vững của huyện đảo đều phải trả giá. Do vậy chính quyền cần phải cương quyết từ chối những nhà đầu tư không phù hợp.
Có thể nói Phú Quốc dù xây dựng phát triển hiện đại đến đâu, cũng không được phá vỡ hệ sinh thái vốn có đã được hình thành hàng trăm năm nay.
Bình luận (0)