Chúng ta đều đồng ý rằng đã tham gia giao thông phải nói không với bia rượu. Nhưng, xét về văn hóa ẩm thực, thói quen, truyền thống... thì việc cấm tuyệt đối liệu có khả thi?
Không thể phủ nhận trong thời gian qua, việc ngành công an ra quân chấn chỉnh tình trạng tham gia giao thông khi trong hơi thở có nồng độ cồn đã phần nào phát huy tác dụng. Các trường hợp vi phạm bị xử phạt nghiêm minh, không có vùng cấm. Tuy nhiên, sau giai đoạn ra quân rầm rộ, ngành công an liệu có duy trì được hoạt động kiểm soát này hay lại "đánh trống bỏ dùi", "đầu voi đuôi chuột" như không ít lần ra quân trước đây?
CSGT Công an TP HCM kiểm tra nồng độ cồn tài xế tài xế xe khách. Ảnh: Ý Linh
Thực tế, ở các thành phố, thị xã, thị trấn, lực lượng công an có thể ra quân xử phạt tài xế vi phạm nồng độ cồn rất nghiêm minh; còn ở những vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa thì liệu có thể thực hiện được?
Như vậy, có hay không tình trạng xử phạt không công bằng?
Cách đây không lâu, đã có khá nhiều trường hợp không uống rượu bia nhưng khi được yêu cầu thử nồng độ cồn, máy lại báo có. Người tham gia giao thông phải mất thời gian cố gắng giải thích rằng mình không hề uống rượu bia trong suốt mấy ngày gần đó. Không loại trừ tình huống trong cơ thể hoặc trong các loại đồ uống, nước thuốc... có tồn tại hàm lượng chất cồn như methanol, alcohol. Nếu cấm tuyệt đối hơi thở có nồng độ cồn khi tham gia giao thông, chúng ta sẽ đánh đồng tất cả?
Ý thức tự bảo vệ an toàn cho mình và cho người khác khi tham gia giao thông là của mỗi cá nhân. Câu chuyện này cũng giống quy định bắt buộc đội nón bảo hiểm khi điều khiển hoặc ngồi sau các loại mô tô, xe gắn máy. Thời gian đầu, cơ quan quản lý đưa ra quy định khá nghiêm ngặt về mẫu mã, chất lượng... của nón bảo hiểm, nhưng hiện nay thì chỉ cần đội nón bảo hiểm là được. Việc lựa chọn nón bảo hiểm có đạt tiêu chuẩn bảo vệ vùng đầu khi xảy ra va chạm hay không lại tùy thuộc ý thức của mỗi cá nhân.
Các nước trên thế giới đều có quy định về nồng độ cồn trong máu khi tham gia giao thông nhằm bảo đảm an toàn cho chính người điều khiển phương tiện cũng những người khác cùng lưu thông trên đường. Tuy nhiên, đa phần các quốc gia cho phép một tỉ lệ giới hạn nồng độ cồn. Cơ địa của mỗi người không giống nhau nên cần có mức quy định cụ thể tùy theo thể trạng, độ tuổi. Đó là mức bảo đảm cho cá nhân kiểm soát được hành vi, ý thức của mình.
Hiện nay chỉ có một số rất ít quốc gia quy định tài xế tuyệt đối không có nồng độ cồn khi tham gia giao thông, chủ yếu nguyên nhân từ phong tục, tôn giáo. Theo thống kê, thế giới chỉ có khoảng 10 quốc gia, vùng lãnh thổ quy định nồng độ cồn bằng 0, trong đó đa phần là nước theo đạo Hồi - nơi rượu bia bị coi là chất cấm tuyệt đối.
Nếu Việt Nam vẫn quy định cứng nhắc việc nồng độ cồn của tài xế bắt buộc bằng 0 khi tham gia giao thông theo Nghị định 100/2019 có hiệu lực từ ngày 1-1-2023 và dự kiến được luật hóa tại dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ vừa trình Quốc hội, liệu có phản tác dụng? Và quan trọng hơn, điều này có phù hợp thực tế; có phải cân nhắc sửa đổi, bổ sung luật ở những kỳ họp Quốc hội sau? Hơn nữa, quy định này liệu có tác dụng răn đe như mong muốn của các nhà làm luật?
Việt Nam tiêu thụ lượng bia rượu nằm trong tốp đầu thế giới, phần nào bắt nguồn từ truyền thống xa xưa. Chúng ta không cổ xúy, động viên hay tự hào về điều này song ở chừng mực nào đó, nó là một nét riêng của dân tộc.
Nên chăng quay lại quy định trước đây, cho phép nồng độ cồn trong máu cũng như trong khí thở ở một ngưỡng nào đó. Nếu vượt quá ngưỡng quy định, người tham gia giao thông sẽ bị xử phạt và xử phạt thật nặng. Điều này không chỉ góp phần kiểm soát, bảo đảm an toàn giao thông mà còn không gây tâm lý bất an cho người cầm lái khi không ai biết trước mình có bị phạt hay không, nhất là tránh mất thời gian, tiền bạc để chứng minh mình không vi phạm.
Thăm dò ý kiến
Có nên cấm tuyệt đối tài xế có nồng độ cồn?
Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.
Bình luận (0)