Sáng 2-8, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP HCM tổ chức Hội nghị Sơ kết 1 năm thực hiện Quyết định số 812/QĐ-UBND của UBND TP HCM về quy định cơ chế phối hợp thực hiện công tác tập trung trẻ em, người lang thang xin ăn và đối tượng cần bảo vệ khẩn cấp khác trên địa bàn TP HCM.
Ông Lê Văn Tám, Phó trưởng phòng Bảo trợ xã hội Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP HCM báo cáo sơ kết 1 năm thực hiện Quyết định số 812. Theo đó, thời gian qua, số người lang thang, xin ăn ở nơi công cộng được kéo giảm. Số vụ phạm pháp hình sự cũng được kéo giảm rõ rệt, đặc biệt là các vụ trộm cắp và tệ nạn ma túy.
Tình hình an ninh trật tự trên địa bàn TP HCM có chiều hướng ổn định so với thời điểm trước đây, góp phần tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế, xã hội của thành phố.
Cũng theo ông Tám, các đối tượng được tập trung đưa vào cơ sở trợ giúp xã hội đã được chăm sóc, hỗ trợ khẩn cấp kịp thời, được làm các giấy tờ tùy thân, mã định danh, căn cước công dân, bảo hiểm y tế. Họ đã thấu hiểu được các chủ trương, chính sách nhân văn của thành phố, rất xúc động và đồng thuận hợp tác thực hiện.
Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã bố trí 16 cơ sở trợ giúp xã hội tiếp nhận, sàng lọc và phân loại đối tượng, tham vấn, trị liệu rối nhiễu tâm trí, khủng hoảng tâm lý và phục hồi, quản lý, chăm sóc và nuôi dưỡng. Kết quả, sau 1 năm, tổng số lượt tiếp nhận các đối tượng được lập hồ sơ đưa vào cơ sở trợ giúp xã hội là 2.353 đối tượng (tăng 49% so với cùng kỳ).
Trong đó, 145 người (6%) thuộc diện trẻ em lang thang xin ăn; 336 người (14%) thuộc diện người cao tuổi lang thang xin ăn; 96 người (4%) thuộc diện người khuyết tật lang thang xin ăn. Đặc biệt, có 1.059 người (45%) trong độ tuổi từ đủ 16 đến 60 tuổi (độ tuổi lao động - PV) lang thang xin ăn.
Đại diện Công an TP HCM cho biết từ khi triển khai Quyết định 812, lực lượng Công an thành phố đã triển khai 55.566 lượt phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra, tuần tra trên địa bàn. Qua đó ghi nhận 4.356 trường hợp thuộc diện trẻ em, người lang thang xin ăn, người sinh sống nơi công cộng không nơi cư trú ổn định và đối tượng cần bảo vệ khẩn cấp khác.
Mới đây, Công an TP HCM đã mở cao điểm phối hợp giải quyết, xử lý các trường hợp tập trung trẻ em, người lang thang xin ăn, người sinh sống nơi công cộng không nơi cư trú ổn định và đối tượng cần bảo vệ khẩn cấp khác trên địa bàn thành phố.
Qua hơn 1 tháng triển khai, đến nay Công an thành phố đã phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố cùng các đơn vị có liên quan đưa 460 trường hợp vào các Trung tâm bảo trợ xã hội. Đợt cao điểm này đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực, nhận được sự đồng tình ủng hộ của nhân dân, góp phần giúp đảm bảo an ninh trật từ và mỹ quan đô thị TP HCM, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về cư trú trong tình hình mới
Theo ông Nguyễn Tăng Minh, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP HCM, trong thời gian tới, cần tiếp tục thực hiện hiệu quả quản lý nhà nước đối với công tác trợ giúp xã hội và quản lý người lang thang xin ăn trên địa bàn. Cạnh đó, tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, các trang mạng xã hội; thiết lập các đường dây nóng để tiếp nhận phản ánh về trường hợp người lang thang xin ăn.
Ngoài ra, rà soát các khu dân cư tập trung nhiều người tạm trú, đặc biệt là người cao tuổi, trẻ em, người khuyết tật; phối hợp chặt chẽ với Công an thành phố và Công an các địa phương nhằm phát hiện, ngăn chặn kịp thời các đối tượng chăn dắt.
Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP HCM, để đối phó với lực lượng chức năng, các đối tượng lang thang xin ăn chọn cách giả dạng bán vé số, tăm bông, bút bi, kẹo cao su... Điều này khiến lực lượng chức năng rất khó xử lý.
Các đối tượng lang thang xin ăn thường hoạt động ngoài giờ làm việc, ngày nghỉ cuối tuần, giờ nghỉ trưa và di chuyển lưu động giữa các địa bàn. Do đó, các tổ công tác gặp một số khó khăn trong công tác quản lý, tập trung đối tượng.
Bình luận (0)