xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

TP HCM hướng đến đô thị đa trung tâm

QUỐC ANH - THÁI PHƯƠNG - MINH CHIẾN

TP HCM sẽ có thêm cơ hội thu hút đầu tư, phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ và thương mại, qua đó thúc đẩy sự phát triển toàn diện

Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Quyết định 1711/2024 phê duyệt Quy hoạch TP HCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Thêm 5 thành phố thuộc TP HCM

Theo quy hoạch, TP HCM tiếp tục là đô thị đặc biệt, gồm khu vực đô thị trung tâm và 6 đô thị trực thuộc; sau năm 2030 sẽ bắt đầu xây dựng các đô thị theo mô hình thành phố đa trung tâm.

Về kinh tế, TP HCM phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân 8,5%-9%/năm trong giai đoạn 2021-2030. Đến năm 2030, GRDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt 385-405 triệu đồng, tương đương 14.800-15.400 USD. Tỉ trọng bình quân trong GRDP của khu vực dịch vụ là trên 60%, khu vực công nghiệp - xây dựng khoảng 27%. Về xã hội, dự báo quy mô dân số thực tế thường trú của TP HCM đến năm 2030 là khoảng 11 triệu người; đến năm 2050 là khoảng 14,5 triệu người. Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội là 7%; đạt tỉ lệ 42 giường bệnh/10.000 dân, 23 bác sĩ/10.000 dân.

Hôm nay, 4-1, UBND TP HCM tổ chức hội nghị công bố Quy hoạch TP HCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Quy hoạch cũng đặt mục tiêu TP HCM phát triển 10 trung tâm logistics tại khu vực Cát Lái, Long Bình, Linh Trung, Khu Công nghệ cao, Tân Kiên, Hiệp Phước, Củ Chi, Hóc Môn, Bình Khánh và trung tâm logistics vận tải hàng không Tân Sơn Nhất. Phát triển TP HCM thành cảng biển loại đặc biệt, gồm 7 khu bến chính: Cát Lái - Phú Hữu, Hiệp Phước (trên sông Soài Rạp), khu bến trên sông Sài Gòn, khu bến Nhà Bè, khu bến Long Bình, khu bến cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ và các bến cảng tiềm năng tại huyện Cần Giờ.

Huyện Củ Chi, TP HCM là 1 trong 5 huyện được định hướng nâng cấp lên thành phố trực thuộc TP HCM, để hình thành mô hình thành phố đa trung tâm. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Huyện Củ Chi, TP HCM là 1 trong 5 huyện được định hướng nâng cấp lên thành phố trực thuộc TP HCM, để hình thành mô hình thành phố đa trung tâm. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Các hành lang quốc gia đi qua TP HCM gồm: hành lang Đông - Tây (TP HCM - Mộc Bài); hành lang Bắc - Nam (gồm 3 nhánh Vành đai 3, Vành đai 4 và cao tốc Bến Lức - Long Thành). Nghiên cứu phát triển trục đường ven biển phía Nam từ Tiền Giang qua Cần Giờ, TP HCM đến Bà Rịa - Vũng Tàu và Đồng Nai.

Đáng chú ý, đến năm 2030, phát triển đô thị và nông thôn theo định hướng "làng trong phố, phố trong làng". Tiếp tục phát triển TP HCM là đô thị đặc biệt bao gồm khu vực đô thị trung tâm và 6 đô thị trực thuộc gồm TP Thủ Đức (đô thị loại I) và 5 đô thị vệ tinh cơ bản đạt tiêu chuẩn để nâng cấp lên thành phố (gồm Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ).

Sau năm 2030, bắt đầu xây dựng các đô thị theo mô hình thành phố đa trung tâm, gồm: khu vực đô thị trung tâm, đô thị Thủ Đức, đô thị Củ Chi - Hóc Môn, đô thị Bình Chánh, đô thị quận 7 - Nhà Bè và đô thị Cần Giờ (đô thị sinh thái biển). Đến năm 2050, hoàn thành việc xây dựng TP HCM theo mô hình thành phố đa trung tâm.

Xứng tầm đô thị đặc biệt

TSKH-KTS Ngô Viết Nam Sơn nhấn mạnh quy hoạch lần này hướng đến cơ cấu lại TP HCM theo hướng đô thị đa trung tâm với một số điểm nhấn quan trọng. Về toàn cảnh, quy hoạch cho thấy định hướng phát triển của thành phố trong tương lai.

Cụ thể, giai đoạn trước mắt sẽ tập trung cho 2 khu vực đa trung tâm chính, đi đầu là TP Thủ Đức và cụm quận 7 - Nhà Bè (khu vực Phú Mỹ Hưng). Với những khu vực khác như Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh..., trong dài hạn, khi nào những huyện này đạt tiêu chí đặt ra thì sẽ được đưa lên thành phố. Trong hệ thống đa trung tâm, TP HCM sẽ tập trung làm hệ thống hạ tầng kết nối, bao gồm đường vành đai, các tuyến đường hướng tâm, hệ thống giao thông công cộng như đường sắt đô thị kết nối với hệ thống xe buýt để kết nối các khu đa trung tâm với nhau, qua đó mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

Cũng theo KTS Ngô Viết Nam Sơn, định hướng lần này chú trọng không gian 2 bên sông Sài Gòn, đặc biệt là bổ sung không gian xanh mặt nước cho thành phố trong bối cảnh bê-tông hóa gia tăng, thiếu không gian xanh. "Không gian xanh 2 bên sông Sài Gòn, 2 bên các kênh rạch được kết nối liên hoàn với nhau sẽ tạo không gian xanh cho toàn thành phố, trả lại bản sắc sông nước xưa. Theo đó, các công trình 2 bên sông Sài Gòn sẽ được quan tâm phát triển nhiều hơn, trước mắt là bến Bạch Đằng, khu Thanh Đa và tương lai là khu cảng Sài Gòn, khu Tân Thuận chạy dài ra phía biển..." - ông Ngô Viết Nam Sơn chỉ ra.

Bên cạnh đó, TP HCM sẽ phát triển thêm hạ tầng chiến lược như cảng biển Cần Giờ, hệ thống đường sắt cao tốc, đường bộ kết nối với tỉnh, thành xung quanh, hệ thống buýt đường sông kết nối không gian ven sông. "TP HCM kỳ vọng được Trung ương trao cho cơ chế đặc thù, trao quyền nhiều hơn, xứng tầm với đô thị đặc biệt. Trao quyền hạn nhiều hơn cũng đồng nghĩa với thành phố sẽ có trách nhiệm nhiều hơn trong đóng góp ngân sách cho Trung ương" - KTS Ngô Viết Nam Sơn nhấn mạnh.

Không gian phát triển đa dạng

Theo chuyên gia kinh tế - TS Lê Đăng Doanh, quy hoạch TP HCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ tạo ra không gian phát triển đa dạng cho thành phố vốn được đánh giá là năng động, sáng tạo nhất cả nước.

Đối với các đô thị vệ tinh đạt tiêu chuẩn để nâng cấp lên thành phố với mô hình "thành phố trong thành phố", TS Lê Đăng Doanh cho rằng mỗi đô thị cần được ưu tiên phát triển theo thế mạnh, lợi thế riêng. Chẳng hạn, huyện Cần Giờ với ưu thế để phát triển logistics, trong đó có cảng biển, sẽ cần được đầu tư mạnh mẽ để trở thành điểm trung chuyển, kết nối với các địa phương khác và quốc tế. Trong khi đó, các đô thị khác sẽ tập trung vào lĩnh vực công nghệ cao, nông nghiệp công nghệ cao.

TS Lê Đăng Doanh nhấn mạnh việc phát triển TP HCM theo hướng đa trung tâm, hình thành các đô thị vệ tinh sẽ là giải pháp phát triển thành phố bền vững, hài hòa. Tuy nhiên, để hình thành các đô thị vệ tinh và phát triển xứng tầm, TP HCM cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, tham khảo kinh nghiệm các nước trên thế giới về mô hình "thành phố trong thành phố", cũng như tổng kết kinh nghiệm sau quá trình TP Thủ Đức thuộc TP HCM để đúc kết bài học kinh nghiệm. Mục tiêu là triển khai quy hoạch một cách bài bản, có cách nhìn tổng thể để không bị rơi vào các "điểm nghẽn" về giao thông, nhà ở, ô nhiễm môi trường...

TS Trần Quang Thắng, Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý TP HCM, cho rằng với quy hoạch này, thành phố sẽ hình thành các khu đô thị tri thức sáng tạo, các khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ. Việc phát triển các vùng đệm và vùng sinh thái giữa các đô thị cũng như các đô thị với khu vực đô thị trung tâm sẽ giúp tạo ra một môi trường sống và làm việc hiện đại, tiện ích và bền vững.

Về kinh tế, quy hoạch sẽ thúc đẩy sự phát triển bền vững của TP HCM, tạo điều kiện thu hút đầu tư, phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ và thương mại, qua đó tạo thêm nhiều việc làm, cải thiện đời sống và thúc đẩy sự phát triển toàn diện. "Việc bảo đảm thực hiện đúng quy hoạch là rất quan trọng để tránh tình trạng "biến dạng quy hoạch" và điều chỉnh quy hoạch không đúng mục đích. Để làm được, cần có cơ chế, chế tài mạnh mẽ đồng bộ với các giải pháp khả thi khác như tăng cường giám sát, kiểm tra" - TS Thắng góp ý.

TS Trần Quang Thắng cũng lưu ý các dự án phải được đánh giá tác động môi trường một cách nghiêm túc và toàn diện trước khi triển khai. Song song đó là đơn giản hóa và minh bạch quy trình phê duyệt quy hoạch, giảm bớt thủ tục hành chính, bảo đảm tính công bằng trong phân phối đất đai và tài nguyên. 

Giảm áp lực khan hiếm nguồn cung nhà ở

Ông Trần Khánh Quang, Tổng Giám đốc Công ty Bất động sản Việt An Hòa, cho rằng tốc độ phát triển chậm của các quận, huyện ven TP HCM gây lãng phí tài nguyên, nhất là tài nguyên đất. Dẫn chứng việc hình thành TP Thủ Đức đã giúp phát huy tiềm năng của các quận 2, 9, Thủ Đức (cũ), đồng thời thúc đẩy đầu tư cơ sở hạ tầng, ông Quang cho rằng quy hoạch phát triển thêm 5 thành phố thuộc TP HCM cũng sẽ đem lại hiệu quả tốt. "TP HCM nên chú trọng phát huy lợi thế, tiềm năng, đặc thù của từng khu vực để dễ nhận diện và phát triển hiệu quả" - ông Quang gợi ý.

Đáng chú ý, ông Quang dự báo thị trường bất động sản tại các khu vực được quy hoạch phát triển thành thành phố thuộc TP HCM sẽ xóa dần khoảng cách với trung tâm, đạt tốc độ tăng giá tính bằng lần trong 5-10 năm tới. "Tuy vậy, nhà đầu tư cần cân nhắc, không nên đổ xô đầu tư vào các khu vực này khi chưa rõ quy hoạch, pháp lý, nhất là không dùng tiền vay để đầu tư" - ông Quang khuyến cáo.

Về mặt tích cực, khi dự án bất động sản tại các khu vực vùng ven phát triển sẽ giúp giảm áp lực khan hiếm nguồn cung.

S.Nhung


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo