Ngày 16-7, kỳ họp thứ 17 HĐND TP HCM khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026, bước vào ngày làm việc thứ hai với phiên chất vấn và trả lời chất vấn.
Tài khoản thiếu chính danh vào "tầm ngắm"
Chất vấn Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Lâm Đình Thắng, đại biểu (ĐB) Lê Minh Đức, Phó trưởng Ban Pháp chế HĐND thành phố, hỏi giải pháp gì để tạo điều kiện cho người dân, nhất là người già, người yếu thế thực hiện dịch vụ công trực tuyến dễ dàng. ĐB Nguyễn Thị Nga, Phó trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP HCM, chất vấn về xử lý tin giả, tin xấu, độc đang tràn lan trên các mạng xã hội; giải pháp quản lý các trang mạng cũng như để người dân nhận biết đâu là tin chính thống, đâu là tin giả.
Trả lời vấn đề ĐB đặt ra, ông Lâm Đình Thắng khẳng định thành phố áp dụng nhiều giải pháp để người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến thuận lợi. Thành phố đã thiết kế cổng dịch vụ công đơn giản, đồng bộ với Cổng dịch vụ công quốc gia.
Cùng với đó, tập trung phát triển dữ liệu dùng chung để người dân tái sử dụng, khi làm thủ tục hành chính không phải khai báo thông tin nhiều lần. Tổ công nghệ số cộng đồng tại các địa phương được triển khai để hỗ trợ người dân, đặc biệt là người yếu thế, người lớn tuổi.
Về xử lý tin giả, tin xấu, độc, ông Lâm Đình Thắng thông tin thời gian qua đã xử nghiêm các hành vi vi phạm, ngoài ra, phối hợp chặt chẽ với Công an thành phố trong việc giám định hàng chục trường hợp có dấu hiệu vi phạm hình sự.
Đơn vị còn đầu tư, ứng dụng công nghệ, trong đó có hệ thống lắng nghe mạng xã hội, tổng hợp thông tin dư luận, phát hiện vi phạm trên không gian mạng. Bên cạnh đó, kiến nghị Bộ Thông tin và Truyền thông nhiều nội dung, trong đó có việc điều chỉnh nghị định liên quan đến quản lý thông tin trên mạng theo hướng tất cả tài khoản trên mạng xã hội phải được định danh, chỉ tài khoản đã định danh mới được bình luận trên mạng xã hội.
Một trong nhiều đầu việc nữa mà sở đang làm, đó là nghiên cứu thành lập trung tâm xử lý tin giả TP HCM cũng như ban hành quy chế phối hợp giữa các sở, ban ngành, địa phương trong xử lý thông tin giả trên mạng.
Xua tan những hồ nghi
Sau phần chất vấn Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, các ĐB tiếp tục chất vấn Chủ tịch UBND quận Bình Tân Nguyễn Minh Nhựt về vấn đề giáo dục, môi trường.
Phản hồi các câu hỏi, Chủ tịch UBND quận Bình Tân cho biết địa phương có dân số đông, tốc độ đô thị hóa nhanh. Mục tiêu mà quận đề ra là mọi người dân, cả thường trú và tạm trú đều có chỗ học và mục tiêu đó đang được nỗ lực hoàn thành.
Nói tới Đề án 1627 về nâng cao chất lượng dịch vụ thu gom và vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn quận Bình Tân và việc triển khai thu tiền rác qua app, ông Nguyễn Minh Nhựt thông tin 2 nội dung chính. Thứ nhất, quận muốn tổ chức lại công tác thu gom, vận chuyển rác hiện nay, nghĩa là chỉ một đơn vị tổ chức từ thu gom đến vận chuyển chứ không thông qua trung gian. Điểm quan trọng thứ hai của đề án là thu tiền qua ứng dụng.
Tuy nhiên, sau khi triển khai đề án, một số ý kiến cho rằng có việc "loại bỏ" lực lượng thu gom rác dân lập. "Quận đã gặp gỡ, giải thích và khẳng định quan điểm là tổ chức lại, thực hiện hiệu quả công tác thu gom và vận chuyển rác trên địa bàn chứ không loại bỏ lực lượng nào" - ông Nguyễn Minh Nhựt nói.
Có 21 lượt ĐB đặt câu hỏi với 36 ý kiến tới Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, Chủ tịch UBND quận Bình Tân. Chủ tịch HĐND TP HCM Nguyễn Thị Lệ nhận xét phiên chất vấn và trả lời chất vấn diễn ra sôi nổi, thẳng thắn, trách nhiệm, sát với tình hình thực tiễn cũng như nội dung nhóm vấn đề chất vấn.
Trong ngày làm việc thứ 2, HĐND TP HCM thông qua Nghị quyết về kết quả giám sát việc thực hiện chương trình cải cách hành chính về cải cách tổ chức bộ máy hành chính và cải cách chế độ công vụ trên địa bàn thành phố giai đoạn 2022-2025.
Theo đó, HĐND TP HCM giao UBND thành phố sớm hoàn thành và triển khai Đề án xây dựng nền công vụ TP HCM hoạt động hiệu lực, hiệu quả giai đoạn 2024-2030. Đồng thời, tập trung cho Đề án chuyển một số huyện thành quận (hoặc thành phố thuộc TP HCM) giai đoạn 2021-2030; hoàn thành thẩm định, phê duyệt Đề án vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức, viên chức...
Nghị quyết quy định mức học phí đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập từ năm học 2024-2025 và các năm học tiếp theo trên địa bàn thành phố cũng được thông qua trong chiều cùng ngày.
Tín hiệu tốt từ Đồng Nai
Ngày 16-7, kỳ họp thứ 18 HĐND tỉnh Đồng Nai khóa X khai mạc. Ông Thái Bảo, Chủ tịch HĐND tỉnh Đồng Nai, cho hay kinh tế - xã hội tỉnh tiếp tục phát triển, nhiều chỉ tiêu đạt kết quả cao. Cụ thể, GRDP 6 tháng tăng trưởng 6,8%, thu ngân sách nhà nước đạt 54% so với dự toán, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt hơn 939 triệu USD (tăng 39% so với cùng kỳ năm 2023).
Về hạn chế, ông Thái Bảo nói nhiều công trình, dự án triển khai chậm, công tác giải ngân vốn đầu tư công không như mong muốn. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh xảy ra một số vụ việc liên quan đến an toàn lao động, ngộ độc thực phẩm; tội phạm liên quan hoạt động ngân hàng, tội phạm lợi dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự, ảnh hưởng việc thực hiện chủ trương chuyển đổi số, giao dịch trên môi trường điện tử... Chủ tịch HĐND tỉnh Đồng Nai nhấn mạnh để giải quyết những vấn đề trên cần giải pháp đồng bộ, hiệu quả của các ngành chức năng trong thời gian tới.
Được biết, cùng với nhiều nội dung quan trọng, kỳ họp sẽ xem xét thông qua một số nghị quyết thuộc về chính sách chi cho con người như chính sách hỗ trợ đối với giáo viên vùng xa khó khăn, người có công với cách mạng và thân nhân người có công.
Nguyễn Tuấn
Bình luận (0)