Theo đó, UBND TP HCM công nhận nghề truyền thống sản xuất bánh tráng tại xã Phú Hòa Đông, huyện Củ Chi; công nhận làng nghề trồng mai vàng tại xã Bình Lợi, huyện Bình Chánh.
Các nghề, làng nghề truyền thống sẽ được UBND TP HCM cấp bằng; được hưởng các chính sách ưu đãi về phát triển ngành nghề nông thôn theo quy định tại Nghị định 52/2008 và các quy định hiện hành.
UBND các huyện có nghề, làng nghề truyền thống được công nhận có trách nhiệm tổ chức công bố Quyết định của UBND TP HCM. Đồng thời, quản lý hoạt động đầu tư phát triển làng nghề, nghề truyền thống và làng nghề truyền thống phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Hằng năm báo cáo UBND TP HCM việc quản lý bằng công nhận và tình hình thực hiện các quy định về tiêu chí công nhận làng nghề, nghề truyền thống và làng nghề truyền thống.
Nghề truyền thống sản xuất bánh tráng tại xã Phú Hòa Đông
Xã Phú Hòa Đông nổi tiếng với diện tích lúa nước hơn 700 ha và nguồn nước dồi dào từ sông Sài Gòn, rạch Láng The. Nhờ vào nguồn gạo phong phú, người dân địa phương đã chế biến gạo thành nhiều sản phẩm như bún, bánh xèo và đặc biệt là bánh tráng, giúp nâng cao giá trị hạt gạo và cải thiện thu nhập.
Hiện nay, làng nghề bánh tráng Phú Hòa Đông sản xuất khoảng 90 tấn bánh mỗi ngày, giải quyết việc làm cho hơn 3.000 lao động; doanh thu của làng nghề đạt khoảng 100 tỉ đồng mỗi tháng, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế địa phương.
Nhờ sự đa dạng và chất lượng cao, bánh tráng Phú Hòa Đông không chỉ tiêu thụ trong nước mà còn xuất khẩu tới hơn nhiều quốc gia, bao gồm các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc. Việc công nhận này sẽ giúp làng nghề tiếp tục phát triển bền vững và giữ vững truyền thống.
Làng nghề trồng mai vàng tại xã Bình Lợi
Đây là làng nghề trẻ tuổi. Hiện nay, huyện Bình Chánh và xã Bình Lợi đang tiến hành triển khai nhiều giải pháp nhằm gắn kết hoạt động sản xuất của làng nghề mai vàng gắn kết với hoạt động du lịch trên địa bàn, nhằm góp phần nâng cao giá trị cây mai của làng nghề này.
Làng mai Bình Lợi bắt đầu phát triển mạnh từ những năm 2003-2004, đến năm 2014 có khoảng 130 ha trồng mai. Năm 2024, tổng diện tích trồng mai khu này đã lên đến 560 ha với hàng trăm hộ chuyên canh.
Sản phẩm mai vàng từ đây không chỉ tiêu thụ trong nước mà còn có tiềm năng xuất khẩu. Ngoài ra, huyện Bình Chánh đang tập trung xây dựng thương hiệu mai vàng và kết hợp với các hoạt động du lịch.
Bình luận (0)