xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

TP Hồ Chí Minh vững vàng tiến bước

BAN BIÊN TẬP BÁO NGƯỜI LAO ĐỘNG

Báo Người Lao Động trích lược những nội dung trọng tâm từ Báo cáo của Thành ủy TP HCM phục vụ buổi thăm và làm việc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm với Thành ủy TP HCM chiều 17-8.

Báo cáo này nêu bật tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Đại hội Đảng bộ TP HCM lần thứ XI nhiệm kỳ 2020-2025 từ đầu nhiệm kỳ đến nay; việc quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 14-6-2024 của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Kinh tế vượt khó ngoạn mục và phát triển ấn tượng

TP HCM có độ mở kinh tế lớn, chịu tác động nhanh, mạnh của các bất ổn kinh tế, chính trị thế giới và những khó khăn chung từ nền kinh tế trong nước. Trong giai đoạn 2021-2022, kinh tế Thành phố chịu cú sốc lớn từ đại dịch COVID-19 làm ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân và ảnh hưởng nặng nề các mặt kinh tế - xã hội. Tăng trưởng GRDP trong năm 2021 giảm sâu (-4,01%) nhưng đã có sự phục hồi với mức tăng 9,26% trong năm 2022; bình quân giai đoạn 2021-2022 chỉ tăng trưởng 2,41%. 

Năm 2023, kinh tế Thành phố tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức trong bối cảnh khó khăn chung, quý I GRDP Thành phố chỉ tăng 0,7%. Trước tình hình đó, bám sát chỉ đạo của Trung ương, TP HCM đã triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp, tạo chuyển biến tích cực, góp phần tăng trưởng GRDP cả năm 2023 đạt 5,81%. Trong 6 tháng đầu năm 2024 tăng 6,46%, cả năm 2024 dự ước GRDP tăng trưởng đạt 7,5% (đạt so với kế hoạch đề ra năm 2024 là 7,5%-8%).

Năng suất lao động tiếp tục được cải thiện với tốc độ tăng 4%, giá trị năng suất lao động gấp 1,8 lần trung bình cả nước. Các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao tiếp tục phát triển đúng định hướng; trong đó, thương mại điện tử phát triển nhanh, các thị trường được mở rộng, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa tăng trưởng cao hơn thời điểm trước dịch. Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 157,5 tỉ USD, tăng 28,53% so với cùng kỳ giai đoạn trước. Hạ tầng logistics và ngành vận tải, kho bãi tăng trưởng khá. Ngành du lịch nhanh chóng phục hồi sau đại dịch, tiếp tục dẫn đầu cả nước về số lượng khách và doanh thu. Dịch vụ ngân hàng phát triển mạnh gắn với chuyển đổi số. Lĩnh vực công nghiệp phát triển với hàm lượng khoa học - công nghệ ngày càng cao. Ngành nông nghiệp phát triển theo đúng định hướng nông nghiệp đô thị hiện đại, tập trung chủ yếu vào công nghệ cao, công nghệ sinh học…

Thị trường tài chính, tiền tệ và thị trường vốn giữ vai trò là trung tâm tài chính, tiền tệ của cả nước. Huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng trưởng với tốc độ bình quân gấp 1,4 lần so với giai đoạn trước, tiếp tục đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế. Nguồn lực đất đai được phát huy, cơ cấu sử dụng đất chuyển dịch theo hướng mở rộng quỹ đất phát triển kết cấu hạ tầng, công nghiệp, dịch vụ, xây dựng đô thị, từng bước đưa đất đai trở thành nguồn lực quan trọng phát triển kinh tế - xã hội.

Mặc dù có nhiều khó khăn nhưng tổng vốn đầu tư toàn xã hội trung bình duy trì được tỉ lệ khoảng 22,6% so với tổng GRDP Thành phố; cơ cấu đầu tư chuyển dịch theo hướng tăng tỉ trọng đầu tư khu vực ngoài nhà nước. Nguồn kiều hối ước đạt 23,16 tỉ USD, tăng 55,43% so với cùng kỳ giai đoạn trước. Thu ngân sách nhà nước đạt kết quả nổi bật, năm sau cao hơn năm trước, tính đến tháng 6-2024 ước đạt hơn 1,59 triệu tỉ đồng, tăng 30,6% so với cùng kỳ giai đoạn trước, với tốc độ tăng thu bình quân 26,4%. Thu hút đầu tư nước ngoài ước đạt 17,56 tỉ USD. Mô hình kinh doanh kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn phát triển ngày càng rộng khắp...

Cầu Ba Son - một trong những công trình mới của TP HCM Ảnh: TẤN THẠNH

Cầu Ba Son - một trong những công trình mới của TP HCM Ảnh: TẤN THẠNH

Lao động, việc làm ấn tượng; làm tốt an sinh xã hội

Thị trường lao động TP HCM tiếp tục phát triển, công tác xã hội hóa hoạt động đào tạo nghề được đẩy mạnh. Đến nay, tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt 87,7%, vượt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra.

Tính đến tháng 6-2024, Thành phố đã giải quyết việc làm cho 1.079.236 lượt lao động; trong đó, tạo việc làm mới cho 497.774 lao động (đạt 71,11% chỉ tiêu Nghị quyết đề ra). Triển khai thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ người lao động trong và sau đại dịch. Từng bước nâng cao chất lượng và đa dạng hóa các phiên giao dịch việc làm, ngày hội việc làm; kịp thời giải quyết trợ cấp thất nghiệp, hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động. Chỉ đạo quyết liệt công tác xây dựng nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân và công trình phúc lợi tại các khu chế xuất, khu công nghiệp, góp phần cải thiện đời sống công nhân. Đặc biệt, đã tập trung triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, triển khai đồng bộ các chính sách hỗ trợ, chăm lo cho hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Từ chính sách hỗ trợ của Thành phố và sự giúp đỡ của cộng đồng xã hội, cùng với sự quyết tâm vượt khó, vươn lên thoát nghèo đã giúp hàng ngàn hộ thoát nghèo bền vững. Đến cuối năm 2023, theo chuẩn nghèo TP HCM, tỉ lệ hộ nghèo còn 0,33%; không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo cả nước - Thành phố hoàn thành chỉ tiêu Nghị quyết trước thời hạn. Hệ thống an sinh xã hội trong và sau đại dịch được xây dựng, phát triển rộng khắp với sự tham gia tích cực, hiệu quả của chính quyền, doanh nghiệp và cộng đồng xã hội. HĐND Thành phố đã ban hành Nghị quyết số 20/2021/NQ-HĐND về nâng mức trợ cấp hằng tháng cho đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn Thành phố cao hơn mức quy định của Chính phủ. Công tác quản lý nhà nước về trẻ em được tăng cường, bảo đảm thực hiện các quyền cơ bản của trẻ em và nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần, vui chơi, giải trí, phúc lợi xã hội dành cho trẻ em. Công tác chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, Mẹ Việt Nam anh hùng, người có công tiếp tục được đẩy mạnh; phong trào "Đền ơn đáp nghĩa" phát triển ngày càng sâu rộng, hiệu quả…

Hàng loạt nhiệm vụ, giải pháp đưa TP HCM vươn xa

Trong Báo cáo, Thành ủy TP HCM đề ra 8 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm từ nay đến cuối nhiệm kỳ. Trong đó, nhóm giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế nhanh, bền vững; huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực đầu tư xây dựng Thành phố bao gồm:

- Tập trung xây dựng TP HCM trở thành trung tâm dịch vụ lớn của cả nước và khu vực. Phát triển các hình thức thương mại dựa trên nền tảng công nghệ mới, số hóa. Ưu tiên phát triển hệ thống các sàn giao dịch thương mại điện tử có kết nối quốc tế; phát triển logistics.

- Đến năm 2030, du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có vai trò dẫn dắt phát triển kinh tế xanh. Thành phố trở thành trung tâm du lịch hàng đầu khu vực Đông Nam Á.

- Phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại, thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Tỉ trọng giá trị công nghiệp công nghệ cao trong các ngành chế biến, chế tạo đạt tối thiểu 15%-20%.

- Phát triển nông nghiệp đô thị hiện đại, bền vững gắn với chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Thành phố trở thành trung tâm nông nghiệp công nghệ cao, trung tâm công nghiệp và dịch vụ phục vụ nông nghiệp hiện đại.

- Phát triển kinh tế biển trở thành trụ cột quan trọng của kinh tế Thành phố gắn với vùng Đông Nam Bộ, vùng đồng bằng sông Cửu Long và cả nước. Phát triển hệ sinh thái kinh tế biển gắn với cụm cảng Cái Mép - Thị Vải, cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, Tân Cảng Cát Lái, khu công nghiệp - đô thị cảng Hiệp Phước.

- Phát triển các thành phần kinh tế và mô hình kinh doanh mới. Triển khai Đề án cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước thuộc UBND TP HCM giai đoạn 2025-2030. Xây dựng mô hình hợp tác xã nông nghiệp tiên tiến, hiện đại tại 5 huyện nông thôn mới. Quỹ Tín dụng nhân dân bảo đảm hoạt động an toàn, hiệu quả, ổn định, bền vững.

- Cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của Thành phố. Phối hợp các hiệp hội doanh nghiệp, hội ngành nghề trong hỗ trợ nâng cao năng lực chuyển đổi số cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tăng cường chuỗi liên kết giữa các loại hình doanh nghiệp.

- Phát triển kinh tế số, kinh tế xanh trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo. Nghiên cứu phát triển các mô hình kinh doanh xanh về năng lượng; sản xuất; nông nghiệp; giao thông; tiêu dùng; dịch vụ. 

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP HCM Nguyễn Hồ Hải trình bày tóm tắt Báo cáo tại buổi làm việc chiều 17-8Ảnh: VIỆT DŨNG

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP HCM Nguyễn Hồ Hải trình bày tóm tắt Báo cáo tại buổi làm việc chiều 17-8Ảnh: VIỆT DŨNG

Nghiêm túc triển khai thực hiện Chỉ thị 35-CT/TW

Đảng bộ TP HCM đã nghiêm túc nghiên cứu, học tập, quán triệt và triển khai thực hiện các chủ trương của Đảng về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng; tổ chức Hội nghị Cán bộ thành phố tại 751 điểm cầu, với 62.852 người tham dự; ban hành 3 quyết định thành lập các Tiểu ban và Tổ giúp việc; kịp thời ban hành Quy chế làm việc và kế hoạch hoạt động của từng Tiểu ban; ban hành và triển khai kế hoạch chuẩn bị, tổ chức đại hội Đảng bộ cơ sở và đại hội Đảng bộ cấp trên cơ sở nhiệm kỳ 2025-2030.

Ngoài ra, Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành kế hoạch khảo sát công tác chuẩn bị Đại hội Đảng của các cấp ủy trực thuộc Thành ủy nhiệm kỳ 2025-2030 nhằm đánh giá tình hình, công tác chuẩn bị đại hội theo yêu cầu Chỉ thị 35-CT/TW.


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo