Thời điểm này, tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước, đặc biệt là các vùng chuyên canh nông sản như đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), Khánh Hòa, Quảng Ngãi, Quảng Nam…, tình trạng rớt giá trái cây và nông sản đang diễn ra nghiêm trọng. Hàng loạt loại trái cây chủ lực như sầu riêng, mít Thái, xoài Úc… đang được bán tràn lan trên đường phố, chợ tạm với mức giá thấp chưa từng thấy trong những năm gần đây.
Sầu riêng chỉ còn 30.000 đồng/kg
Tại ĐBSCL, trái sầu riêng từng được ví như "vàng xanh" nhờ giá bán cao và nhu cầu xuất khẩu ổn định. Tuy nhiên, hiện sầu riêng Ri6 đang được bán với mức giá chỉ 30.000 - 35.000 đồng/kg, giảm 30% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ông Nguyễn Văn Thông - một nhà vườn ở huyện Phong Điền, TP Cần Thơ - chia sẻ: "Vườn nhà tôi có khoảng 25 tấn sầu riêng nhưng đến giờ không có thương lái nào hỏi mua. Sầu riêng đã chín, tôi buộc phải hái mang ra ven đường bán lẻ, mong vớt vát được phần nào chi phí".
Theo ông Trần Thiện Thanh, Phó Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Sầu riêng Trường Phát (TP Cần Thơ), nguyên nhân chính là do tình trạng thu hoạch sớm đồng loạt của nhà vườn để đón giá cao, dẫn đến cung vượt cầu.
"Giữa tháng 4 đến nay là đỉnh điểm của vụ mùa, trong khi xuất khẩu chậm lại, khiến sầu riêng ùn ứ. Một hecta sầu riêng cho sản lượng khoảng 25 tấn, với chi phí đầu tư 200 - 250 triệu đồng, bán giá 30.000 đồng/kg vẫn còn lời. Nhưng vấn đề là không có ai mua" - ông Thanh nói.
Không chỉ sầu riêng, giá mít Thái tại ĐBSCL cũng lao dốc mạnh. Hiện tại, mít loại 1 chỉ 4.000 - 10.000 đồng/kg, giảm hơn một nửa so với cách đây 1 tháng. Nguyên nhân chủ yếu là do thị trường Trung Quốc, nơi tiêu thụ mít lớn nhất của Việt Nam, đang chậm lại và bước vào vụ thu hoạch mít nội địa, khiến nhu cầu nhập khẩu giảm đáng kể.
Tình trạng này cũng xảy ra tương tự với xoài Úc tại huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa - thủ phủ xoài xuất khẩu của cả nước. Nếu như năm ngoái, xoài Úc loại đẹp có thể bán với giá 30.000 đồng/kg thì nay thương lái chỉ trả 3.000 - 8.000 đồng/kg, thậm chí không đến mua. Gia đình ông Võ Xuân Hiển, hộ trồng xoài ở xã Cam Thành Bắc, đang phải để gần 4 tấn xoài chín rụng trên cây do không đủ chi phí thuê nhân công thu hoạch.

Xoài Úc ở huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa rớt giá mạnh, cần một giải pháp bền vững. Ảnh: KỲ NAM
Theo bà Phạm Thị Nở, chủ một vựa xoài tại huyện Cam Lâm, giá xoài giảm sâu là vì năm nay Trung Quốc siết chặt yêu cầu chất lượng. Xoài Úc xuất khẩu phải đạt chuẩn loại 1 - không chỉ to, đẹp mà còn không tì vết, không đốm đen, vết trầy. Tuy nhiên, chỉ khoảng 10% sản lượng xoài Cam Lâm đáp ứng tiêu chuẩn này, phần còn lại buộc phải tiêu thụ nội địa.
Không chỉ miền Tây, nông dân các tỉnh miền Trung như Quảng Ngãi, Quảng Nam cũng đang lao đao vì giá hành tím và dưa hấu rớt thê thảm. Tại xã Bình Hải, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, vụ hành tím năm nay năng suất thấp và giá bán chỉ 16.000 - 20.000 đồng/kg. Nhiều hộ dân chỉ thu được vài chục triệu đồng, trong khi những năm trước có thể lãi tới 60 triệu đồng/vụ.
Tương tự, giá dưa hấu tại Quảng Ngãi, Quảng Nam cũng chỉ 1.000 - 2.000 đồng/kg. Ông Nguyễn Văn Trung (xã Bình Chương, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) rầu rĩ nói: "Trung bình mỗi sào dưa tôi lỗ khoảng 30 triệu đồng. Dưa nhỏ, không đều trái, chất lượng kém do thời tiết mưa gió thất thường. Trung Quốc không nhập hàng nên chỉ có thể đưa ra tiêu thụ trong nước với giá rất thấp".
Một số thương lái cho biết trái dưa năm nay không đạt yêu cầu về kích cỡ nên khó tìm được đầu ra. Trong khi đó, thị trường phía Bắc cũng bị bão hòa bởi lượng hàng nội địa dồi dào.
Địa phương chủ động vào cuộc
Theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, thị trường xuất khẩu hiện nay gặp nhiều khó khăn do Trung Quốc thắt chặt các tiêu chuẩn kiểm nghiệm, đặc biệt là chỉ số cadimi, vàng O trên sầu riêng.
Ngoài sầu riêng thì mít cũng bị ảnh hưởng lớn, hiện giá mít ở miền Tây rớt rất thảm. Đối với chuối, những tháng trước rất thuận lợi nhưng nay đụng hàng nội địa Trung Quốc nên nhập khẩu giảm trong khi chuối Việt Nam còn phải cạnh tranh với chuối của Lào và Campuchia.
Để giải quyết vấn đề này, ông Nguyên cho rằng nếu không kiểm soát chặt từ khâu sản xuất, những lô hàng vi phạm sẽ bị ách lại ở cửa khẩu, làm giảm chất lượng và thiệt hại nặng cho doanh nghiệp.
Cụ thể, cần tổ chức các trạm kiểm tra chất lượng tại nguồn, lọc các lô không đạt ngay từ đầu để không dồn trách nhiệm kiểm nghiệm cho phía Trung Quốc. Phải xây dựng lại niềm tin với đối tác thì mới có thể xuất khẩu bền vững.
Trước thực trạng giá nông sản rớt mạnh, nhiều địa phương đã chủ động vào cuộc. Huyện ủy Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa đã có công văn chỉ đạo các tổ chức, đoàn thể vào cuộc, kịp thời hỗ trợ người dân. Đồng thời, đề nghị UBND tỉnh hỗ trợ đưa xoài Úc vào hệ thống siêu thị như Bách hóa Xanh, chợ đầu mối toàn quốc. Hội Nông dân huyện cũng kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm.
Theo ông Huỳnh Tấn Hải, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Khánh Hòa, vấn đề cốt lõi là sản xuất xoài hiện nay còn manh mún, tự phát, chưa hình thành chuỗi giá trị liên kết bền vững. Thời gian tới, sở sẽ phối hợp với ngành nông nghiệp khuyến khích hình thành HTX kiểu mới, vùng trồng đạt chuẩn VietGAP, GlobalGAP, đồng thời đẩy mạnh xúc tiến thương mại để xoài Úc có thể xuất khẩu chính ngạch.
Một số doanh nghiệp đề xuất hướng đi lâu dài là đầu tư chế biến sâu, tăng giá trị gia tăng cho sản phẩm như xoài sấy dẻo, nước ép, mứt… và đưa sản phẩm vào các khu du lịch, nhà hàng, siêu thị để tạo đầu ra ổn định.
Xe đẩy "giải cứu" tràn ngập
Tại TP HCM, nhiều tuyến đường gần đây trở thành nơi tiêu thụ tạm thời cho các loại trái cây đang ùn ứ. Trên các con đường như Phạm Văn Đồng, Lê Văn Việt, Trường Chinh, Bùi Hữu Nghĩa… dễ thấy những xe đẩy bán sầu riêng, mít, xoài thấp hơn 10.000 - 15.000 đồng/kg so với bình thường.
Tại chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, ông Nguyễn Bình Phương, Phó Giám đốc Công ty CP Quản lý và Kinh doanh chợ nông sản Thủ Đức, cho biết: "Hiện đang là cao điểm mùa trái cây, hàng về nhiều. Riêng vải Tây Nguyên nhập chợ mỗi ngày khoảng 70 tấn, giá sỉ 40.000 đồng/kg. Vài ngày tới, vải miền Bắc cũng sẽ đổ về, tiếp tục gây áp lực lên mặt bằng giá chung của các loại trái cây".
Bên cạnh đó, lượng trái cây Thái Lan như chôm chôm, bòn bon, măng cụt… nhập khẩu cũng đang tăng mạnh, tạo thêm áp lực cạnh tranh.
Bình luận (0)