Nguyễn Thanh Phương Vũ từng làm nhiều người bất ngờ vì sau khi tốt nghiệp đại học và có công việc ổn định thì lại theo học ngành vải thủ công của Trường Waseda International Business College ở Tokyo - Nhật Bản. Chọn lĩnh vực khó song Vũ không nao núng bởi anh hiểu rõ khao khát của mình: yêu cái đẹp, trân trọng các giá trị văn hóa - nghệ thuật. Vũ lựa chọn Nhật Bản vì thiện cảm sẵn có dành cho quốc gia này cũng như đã nhận ra giá trị thiết thực từ các chương trình giao lưu trao đổi văn hóa trước đây. Mặt khác, anh thật sự muốn học hỏi cách phát triển ngành nghề thủ công ở Nhật Bản - nơi giao thoa giữa hiện đại và cổ kính, có chiến lược bảo tồn bản sắc truyền thống một cách hiệu quả.
Qua tìm hiểu, Vũ biết cần chuẩn bị khoảng 1 năm để hoàn tất hồ sơ với yêu cầu về tiếng Nhật ít nhất là trình độ N5. Anh vừa đi làm vừa ra sức học tiếng Nhật. Cuối năm 2021, anh có mặt ở xứ sở hoa anh đào, bắt đầu chặng đường thú vị, tuy gian nan.
Nơi Vũ ở là Tanashi - phía Nam Tokyo, khá xa trung tâm. Sau giờ lên lớp, anh làm việc cho cửa hàng tiện lợi. Vũ thích nhất là được thảo luận với giáo viên - hoạt động phổ biến ở trường dạy tiếng lẫn trường cao đẳng anh đang học. Ngoài chuyện trường lớp, thầy cô cũng thường hỏi han về đời sống, đặc biệt là nguyện vọng của học viên. Khi ở trường, Vũ bày tỏ mong muốn tìm hiểu nghề dệt, nhuộm kimono. Cô chủ nhiệm tình cờ thấy quảng cáo trải nghiệm dệt vải kimono tại một cửa hàng liền đăng ký. Hai cô trò cùng đi xem và được dệt thử một đoạn vải, đó là kỷ niệm khó quên với Vũ. Anh Tanaka - quản lý cửa hàng nơi Vũ làm thêm - cũng giúp Vũ nhiều bài học và kỹ năng có ích.
Từ những trải nghiệm ở xứ sở Mặt trời mọc, Vũ cho rằng hiểu thế mạnh của mình và biết cách tạo môi trường để phát huy sở trường sẽ giúp mỗi người hòa nhập nhanh hơn ở những vùng đất mới. Ngoài ra, cho bản thân thời gian là rất quan trọng. "Quá trình hòa nhập và thành công của mỗi người mỗi khác, nếu gượng ép sẽ không mang lại kết quả. Hãy cho phép mình chậm lại một chút để quan sát, cảm nhận và bước tiếp" - Vũ bộc bạch.
Bình luận (0)