Công việc được mô tả là làm kẹp tóc, tiền công 120.000 đồng cho 25 phút làm việc, đặt cọc trước 890.000 đồng. Thấy việc nhẹ nhàng, có thể tranh thủ làm sau giờ tan ca nên chị Hằng đã tin theo.
"Vừa nhắn tin, người này trả lời ngay, còn nhiệt tình hướng dẫn cách làm và gửi thêm nhiều hình ảnh liên quan công việc để tôi tin tưởng. Thấy tôi răm rắp nghe theo, đối tượng yêu cầu chuyển tiền cọc và hứa hẹn chiều mai hàng sẽ giao đến tận nhà. Đợi đến tối muộn chẳng thấy tăm hơi, lên Facebook tìm tài khoản để hỏi rõ sự tình thì mới hay người này đã chặn tôi" - chị Hằng kể.
Còn Ngô Thương (quê Quảng Trị), sinh viên năm cuối của một trường cao đẳng tại TP HCM, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên đã tìm việc làm thêm trong thời gian nghỉ Tết để có chi phí trang trải cuộc sống. "Tôi đăng tin tìm việc vào nhóm việc làm dành cho sinh viên trên Facebook thì nhận được rất nhiều lời mời làm việc. Trong đó, có một tin tuyển dụng rất hấp dẫn kèm link đăng ký. Họ dẫn dụ rất hay nên tôi khai báo mọi thông tin mà không nghi ngờ gì" - Thương nói.
Công việc được giao làm là chỉnh sửa những nội dung được chuyển qua Zalo, cùng lời hứa tiền công nhận được sẽ tăng dần. Tuy vậy, đối tượng không chuyển tiền công ngay mà liên tục ép Thương chuyển "phí giải ngân" nếu muốn nhận hàng chục triệu đồng tiền công đã làm việc thời gian qua. Đến khi tỉnh ra, Thương đã mất 5,5 triệu đồng dành dụm.
Nhằm giúp sinh viên, người lao động (NLĐ) tìm được các địa chỉ việc làm thời vụ đáng tin cậy, Trường ĐH Mở TP HCM vừa tổ chức "Ngày hội việc làm bán thời gian" năm 2024. Ngày hội thu hút sự tham gia của 25 doanh nghiệp (DN), tuyển dụng hơn 1.200 vị trí việc làm bán thời gian, toàn thời gian như: bán hàng, sản xuất, vận hành sản phẩm, công nghệ thông tin, dịch vụ khách hàng, tiếp thị, kế toán, xây dựng, biên phiên dịch…
TS Lê Nguyễn Quốc Khang, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Mở TP HCM, cho biết thời gian qua nhà trường đã kết nối hơn 170 đơn vị, DN thông qua những ngày hội việc làm bán thời gian. Qua đó, tạo nhiều cơ hội cho sinh viên, NLĐ có việc làm thêm.
"Thời điểm cuối năm, nhiều mục "việc tìm người", "người tìm việc" được đăng tải trên mạng xã hội giả mạo khiến nhiều người sập bẫy lừa nếu thiếu cảnh giác. Nhất là dễ bị dụ dỗ vào các hoạt động đa cấp trá hình, việc nhẹ - lương cao dẫn đến nhiều rủi ro. Đó là nguyên nhân nhiều năm qua, nhà trường đã phối hợp các đơn vị, DN uy tín hỗ trợ sinh viên, NLĐ tìm việc một cách an toàn, hiệu quả" - TS Khang thông tin.
Đánh giá về thị trường việc làm thời vụ những tháng cuối năm, ông Hoàng Văn Thắng, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm TP HCM, thông tin nhu cầu tuyển dụng việc làm thời vụ đang tăng nhanh. Hiện trung tâm tiếp nhận thông tin tuyển dụng của 96 DN với hơn 18.900 vị trí việc làm chờ sinh viên, NLĐ ứng tuyển, trong đó bao gồm việc làm thời vụ lẫn cố định.
"Trước nhu cầu tuyển dụng ồ ạt, hiện trên mạng xã hội xuất hiện tràn lan các thông báo rao tuyển với tiêu chí việc nhẹ - lương cao… Đặc biệt, thời gian qua, các thủ đoạn lừa đảo trên không gian mạng ngày càng tinh vi. Vì vậy, sinh viên, NLĐ cần cảnh giác, tìm hiểu kỹ thông tin tuyển dụng trước khi ứng tuyển để tránh sập bẫy lừa" - ông Thắng lưu ý.
Bình luận (0)