Thời gian này, hàng ngàn tân sinh viên (SV) các trường cao đẳng, đại học đã chính thức nhập học. Nhiều tân SV cũng bắt đầu tìm việc làm thêm để san sẻ gánh nặng chi phí với gia đình. Đây cũng chính là thời điểm các chiêu trò lừa đảo môi giới "việc nhẹ, lương cao" của nhiều đối tượng xuất hiện để thu hút SV tìm việc.
Sập bẫy
Chân ướt chân ráo xuống TP HCM nhập học, Vũ Thị Trúc Ly (19 tuổi, quê tỉnh Kon Tum, SV Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP HCM) tranh thủ tìm việc làm thêm để trang trải chi phí bởi gia đình rất khó khăn.
Ngày hội việc làm là nơi để sinh viên tìm kiếm cơ hội làm thêm bảo đảm độ tin cậy
Lên Facebook tìm kiếm, Ly thấy có tuyển dụng bán hàng siêu thị với ca giờ khá phù hợp lịch học của mình. Tìm đến địa chỉ để nộp hồ sơ xin việc, Ly được hướng dẫn mua bộ sản phẩm gồm nước tẩy rửa, xà phòng giặt với tổng trị giá 399.000 đồng. Ly được nhân viên tuyển dụng viết giấy hẹn nhận việc, số điện thoại nhưng không ghi cụ thể ngày giờ và làm ở đâu. Về nhà trọ chờ cả tuần cũng không thấy tin nhắn đi làm, Ly đến văn phòng môi giới thì họ đã chuyển đi đâu mất.
Tương tự, Hồ Văn Nhân, SV Trường ĐH Công nghiệp TP HCM, cũng bị lừa mất hơn 1 triệu đồng. Nhân đăng tin cần tìm việc làm thêm trên một nhóm có hàng chục ngàn thành viên về việc làm thêm cho SV. Rất nhiều tài khoản lạ đã nhắn tin cho Nhân chào mời nhiều công việc hấp dẫn. Sẵn có kinh nghiệm bán hàng công nghệ online nên Nhân nhận lời đăng bán hàng cho một công ty công nghệ.
Để trở thành cộng tác viên bán hàng, Nhân phải đặt cọc 1,1 triệu đồng (bằng giá của 1 sản phẩm). "Họ nói tiền cọc đó sẽ được hoàn trả khi không tiếp tục bán hàng nữa nên tôi đã chuyển khoản. Ngay sau đó, người liên hệ đã chặn Facebook của tôi. Khi đến địa chỉ thì đó là nhà dân" - Nhân kể.
Ông Nguyễn Đỗ Tùng, Giám đốc tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Văn Hiến, cho biết hiện có rất nhiều chiêu thức lừa đảo việc làm hướng đến SV, nhất là các tân SV. Hình thức phổ biến là lừa SV vào các mạng lưới bán hàng hưởng hoa hồng cao, làm thêm các công việc bán hàng, phục vụ tại các quán ăn, cà phê… nhưng phải đóng phí. "Thực chất chẳng có công việc nào cả, các đối tượng lừa đảo dựng lên để thu tiền SV trái phép. Nguy hiểm nhất là hình thức bán hàng online, thanh toán đơn hàng nhận hoa hồng khiến nhiều SV bị chiếm đoạt tiền, thậm chí bị đe dọa, gây hoang mang" - ông Tùng nói.
Nên tìm địa chỉ uy tín
Theo các chuyên gia việc làm, SV ít kinh nghiệm giao dịch, mất cảnh giác nên dễ trở thành "con mồi" cho các đối tượng lừa đảo. Để tìm được công việc làm thêm phù hợp, nguồn việc làm được giới thiệu phải đủ tin cậy, tránh lấy thông tin từ mạng xã hội không được xác thực rõ ràng… Ngoài ra, SV cần trang bị các kỹ năng cần thiết để nhận diện được những hình thức việc làm có dấu hiệu lừa đảo. Khi đi làm cũng nên chọn những công việc có liên quan đến ngành học để tích lũy kinh nghiệm.
Ông Nguyễn Quang Cường, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm thanh niên TP HCM, cho rằng làm thêm là một trải nghiệm rất quý mà SV nào cũng nên có. Làm thêm vừa có tiền trang trải cuộc sống vừa học hỏi được kinh nghiệm giao tiếp cần thiết cho sau này. Tuy nhiên, khi đi làm thêm, SV cần cẩn trọng để tránh bị mất tiền, bị lừa đảo gây ảnh hưởng tâm lý, kết quả học tập.
"Các em cần xác định việc học là chính, làm thêm chỉ là phụ nên tìm kiếm công việc nào phù hợp nhất với năng lực, thời gian học ở trường, đừng chạy theo công việc mà bỏ bê việc học tập. Chọn công việc thì phải tìm hiểu thật kỹ, đến những địa chỉ uy tín như Trung tâm Hỗ trợ SV TP HCM, Đoàn trường nơi đang học... để tìm kiếm cơ hội việc làm phù hợp, tránh bị lừa đảo" - ông Cường nói.
Trung tâm Dịch vụ việc làm thanh niên TP HCM hiện có nhiều văn phòng tại nhiều quận, huyện ở TP HCM để hỗ trợ SV, người lao động tìm kiếm việc làm và việc làm thêm. Chỉ riêng sieuthivieclam.vn của trung tâm cũng đang có khoảng 50.000 việc làm dành cho người lao động. Tất cả những công việc này đã được kiểm chứng với mô tả công việc cụ thể cũng như mức lương khá rõ ràng.
Phải giao kết hợp đồng
Giảng viên Nguyễn Thị Kim Quyên, Khoa Luật - Trường ĐH Văn Lang, cho rằng SV làm việc bán thời gian vẫn được xem là có quan hệ lao động với người sử dụng lao động. Quyền lợi của người đi làm thêm cũng được quy định rõ trong Nghị định 38 của Chính phủ về mức lương tối thiểu theo giờ. Do đó, người sử dụng lao động phải giao kết hợp đồng với người lao động, bất kể làm việc toàn thời gian hay bán thời gian. Khi đi làm thêm, SV phải xác lập quan hệ lao động với người sử dụng lao động để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình.
Bình luận (0)