Công bố các phát hiện trên tạp chí khoa học Frontiers in Neuroscience, các nhà nghiên cứu từ Đại học Rush (Mỹ) cho thấy việc chọn rèm cửa đủ dày và tắt đi chiếc đèn ngủ có thể giúp tránh khỏi căn bệnh nguy hiểm Alzheimer, nhất là đối với người trẻ.
Theo Science Alert, nhóm tác giả dẫn đầu bởi TS Robin Voigt-Zuwala từ Trung tâm Y tế Đại học Rush đã so sánh bản đồ ô nhiễm ánh sáng trên 48 tiểu bang của Mỹ với hồ sơ y tế của cùng khu vực.
Họ đã tìm thấy mối liên hệ có ý nghĩa thống kê giữa ô nhiễm ánh sáng vào ban đêm và bệnh Alzheimer.
Ở người trên 65 tuổi, ô nhiễm ánh sáng đứng trên cả các yếu tố nguy cơ nhiều người lo sợ như lạm dụng rượu, bệnh thận mãn tính và trầm cảm.
Mặc dù vậy, nó vẫn xếp sau một số yếu tố nguy cơ khác như bệnh cao huyết áp và tiểu đường.
Tình hình còn tồi tệ hơn với những người 65 tuổi trở xuống, nhất là những người trẻ tuổi: Ô nhiễm ánh sáng khi đó trở thành yếu tố nguy cơ số 1.
Mối liên hệ nhân quả trực tiếp vẫn chưa được xác định, tuy vậy các nhà khoa học tin rằng nó có liên quan đến chất lượng giấc ngủ và nhịp sinh học.
Từ lâu, người ta đã phát hiện ra tình trạng ô nhiễm ánh sáng ban đêm làm ảnh hưởng đến sức khỏe thông qua tác động đến nhịp sinh học, cũng như liên quan đến tình trạng khó ngủ, mất ngủ.
Bên cạnh đó, TS Voigt-Zuwala cho biết một số kiểu gene nhất định ảnh hưởng đến bệnh Alzheimer khởi phát sớm, tác động đến phản ứng với các tác nhân gây căng thẳng sinh học, có thể bao gồm tình trạng ô nhiễm ánh sáng.
TS Voigt-Zuwala khuyến cáo nếu như bạn đang sống ở một thành phố lớn, hãy tìm cách để giữ căn phòng của bạn đủ tối trước khi bước vào giấc ngủ.
Ngoài việc tắt đèn, hãy sử dụng loại rèm đủ dày để chắn ánh sáng, hoặc dùng miếng bịt mắt khi ngủ.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), nhóm bệnh mất trí nhớ/sa sút trí tuệ, trong đó phần lớn là Alzheimer, là nhóm bệnh đang gây tử vong sớm hàng thứ 7 thế giới.
Bình luận (0)