Sáng 7-12, tại trụ sở Báo Người Lao Động đã diễn ra buổi trao đổi thông tin, nghiệp vụ dành cho nhóm học viên Cao học Báo chí thuộc khóa 2023 Khoa Báo chí - Truyền thông (Trường Đại học KH-XH&NV, ĐHQG TP HCM), với chủ đề "Bảo vệ bản quyền báo chí và xu hướng báo chí số".
Dự buổi trao đổi có TS Triệu Thanh Lê, Trưởng Khoa Báo chí – Truyền thông (Trường Đại học KH-XH&NV, ĐHQG TP HCM).
Trao đổi với các học viên, nhà báo Dương Quang, Phó Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, trình bày khái quát về xu hướng báo chí số mới nhất trên thế giới và tại Việt Nam hiện nay, tình hình ứng dụng AI vào sáng tạo nội dung, phân phối nội dung và vấn đề thu phí đọc báo điện tử trong nước cũng như quốc tế.
Theo Phó Tổng Biên tập Dương Quang, xu hướng nổi bật là báo chí số tiếp tục thống trị; công nghệ, thiết bị, các nền tảng tiếp tục đổi mới để phục vụ nhu cầu của công chúng báo chí.
Các tòa soạn báo đã nhận thức rõ xu hướng suy giảm của báo in và vì thế, chuyển đổi số, AI "hóa" tòa soạn là tiến trình bắt buộc, mang tính sống còn.
Trong đa dạng phương tiện số hiện nay và thời gian tới, thì video, podcast và subscription (thu phí đọc báo qua tài khoản đăng ký) sẽ là 3 trụ cột phát triển của các tòa soạn báo chí hiện đại.
Theo nhà báo Dương Quang, Việt Nam đi chậm hơn nhiều quốc gia phương Tây trong việc thu phí đọc báo (điện tử), nhưng đây là con đường tất yếu, vì vậy chậm cũng phải làm và phải thật kiên trì với việc này.
Báo Người Lao Động nằm trong nhóm số ít các báo tiên phong trong việc thu phí đọc báo và đến nay, kể từ ngày ra mắt (28-7-2022), chuyên mục báo chí chất lượng cao "Dành cho bạn đọc VIP" của báo đã xuất bản 384 tác phẩm, phân chia thành 5 tiểu mục hấp dẫn. Lượng bạn đọc VIP trung thành với báo ngày càng nhiều, báo duy trì chất lượng cao và mở các đợt khuyến mãi, chăm sóc khách hàng thường niên.
"Mới đây, Báo Người Lao Động kết hợp với Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông đã tổ chức 2 lớp đào tạo cơ bản và chuyên sâu về ứng dụng AI cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên, nhân viên của Báo. Hiện nay, các bộ phận của báo, nhất là Tòa soạn, đều có thể ứng dụng AI vào công việc của mình khá nhuần nhuyễn và hiệu quả. Trang AI 365 đã ra đời trên báo điện tử, báo sử dụng MC ảo (AI) và dùng AI vào khá nhiều công đoạn của công tác tòa soạn" - Phó Tổng Biên tập Dương Quang cho biết.
Nhà báo Nguyễn Tố Bình - Ủy viên Ban Biên tập, Tổng Thư ký Tòa soạn Báo Người Lao Động - thông tin đến các học viên về mô hình tòa soạn số tại Báo Người Lao Động. Mô hình được xây dựng với hệ sinh thái mạng xã hội gồm 17 kênh, đồng thời triển khai thu thập dữ liệu người dùng và công tác quản trị.
Về vấn đề bảo vệ bản quyền báo chí, nhà báo Nguyễn Tố Bình cho biết hiện nay việc xử lý vi phạm bản quyền báo chí còn một số khó khăn. "Hiện nay, chúng tôi vẫn đang gặp thách thức trong việc xác định chủ sở hữu của các trang web, mạng xã hội ẩn danh, một số mạng xã hội lại có quy trình xử lý khiếu nại mất thời gian. Ngoài ra, đối tượng vi phạm sử dụng nhiều cách để tránh bị phát hiện, gây khó khăn trong việc bảo vệ bản quyền báo chí", nhà báo Nguyễn Tố Bình nêu thực trạng.
Theo Tổng Thư ký Tòa soạn Nguyễn Tố Bình, để việc bảo vệ bản quyền được hiệu quả, ngoài việc các cơ quan báo chí - truyền thông tự bảo vệ mình thì cần tăng mức xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả nhằm có sức răn đe mạnh hơn đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý nhà nước cũng cần đứng ra làm đầu mối thành lập một Trung tâm bảo vệ bản quyền tác phẩm báo chí...
Biên tập viên Nguyễn Thị Bích Thảo (Đài Tiếng nói Nhân dân TP HCM – VOH) đánh giá buổi trao đổi cung cấp nhiều thông tin thời sự, bổ ích. "Những thông tin mà Báo Người Lao Động chia sẻ từ câu chuyện sử dụng trí tuệ nhân tạo như thế nào, những trăn trở về bản quyền, những sự chuyển mình của người làm báo trong bối cảnh chuyển đổi số… không chỉ giúp ích cho việc học của tôi mà còn phục vụ cho thực tiễn công tác tại cơ quan", biên tập viên Bích Thảo nhận định.
Bình luận (0)