"Chớ kiêu ngạo, phải khiêm tốn" là một bài báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc nhở cán bộ, đảng viên cách đây tròn 70 năm, ngày nay vẫn còn vẹn nguyên giá trị.
Từ bệnh cá nhân chủ nghĩa
Là linh hồn của nhà nước dân chủ cộng hòa đầu tiên ở nước ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng giáo dục, rèn luyện đội ngũ cán bộ nâng cao đạo đức cách mạng, xây dựng nhà nước công bộc của dân, thường xuyên cảnh báo sự tha hóa quyền lực trong bộ máy nhà nước.
Người có nhiều bài nói chuyện, viết nhiều bài báo nghiêm khắc phê bình thói tự kiêu, bệnh làm "quan cách mạng", chỉ rõ những khuyết điểm cần phải kiên quyết tẩy sạch. Bác căn dặn đội ngũ cán bộ sau khi làm xong một công tác gì, hay sau mỗi ngày làm việc, cần phải tự mình kiểm điểm, tự phê bình, tự chỉ trích xem có chỗ nào nhầm lẫn, chỗ nào chưa đầy đủ, có được ưu điểm gì nên nhớ, được kinh nghiệm gì đáng ghi nhận...
Một trong số đó là bài báo nhan đề "Chớ kiêu ngạo, phải khiêm tốn" với bút danh C.B, đăng trên Báo Nhân Dân số 194, từ ngày 13 đến 15-6-1954.
Người viết: "Bệnh cá nhân chủ nghĩa đẻ ra bệnh kiêu ngạo. Kiêu ngạo là: Khi công tác có ít nhiều thành tích, ít nhiều thắng lợi, thì lên mặt anh chị, lên mặt công thần. Rồi đối với việc học tập thì lười biếng, không ra sức nâng cao trình độ của mình. Trong công tác thì xem thường nhân dân, xa rời quần chúng.
Ở trong Đảng thì không thực hiện chế độ dân chủ tập trung, không tuân theo nguyên tắc tập thể lãnh đạo. Phớt kỷ luật và chính sách của Đảng và của Chính phủ. Khinh rẻ ý kiến của cấp dưới. Xem thường chỉ thị của cấp trên. Không muốn chịu kiểm tra, không muốn nghe phê bình. Thân với những kẻ xu nịnh tâng bốc mình. Xa tránh những người tính trực nói thẳng... Kết quả của bệnh kiêu ngạo là: thoái bộ, xuống dốc, rồi đi đến bất mãn, hủ hóa".
Đẩy mạnh học tập, làm theo gương Bác
Thực tiễn thời gian qua, một số cán bộ, đảng viên khi mới được giao quyền lực thì rất chí công, vì dân nhưng về sau thì quan liêu, xa dân, cá nhân chủ nghĩa, kiêu ngạo. Vì thế, họ càng ngày càng có xu hướng lạm quyền, lộng quyền, lợi dụng quyền lực mà Đảng và nhân dân đã trao cho vì mục đích vị kỷ.
Biểu hiện rõ nhất là gần đây, một số cán bộ, trong đó có cả cán bộ cấp cao, người đứng đầu cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương như ở Lâm Đồng, Vĩnh Phúc, Quảng Ngãi, An Giang, Bình Dương..., vướng vào tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm, vi phạm nguyên tắc, Điều lệ Đảng, vi phạm pháp luật nhà nước đã bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy tố trước pháp luật.
Trước tình trạng này, nhiệm vụ của mỗi đảng viên và mỗi cấp ủy cơ sở Đảng là phải tích cực hơn nữa trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và tệ quan liêu, tham nhũng, tiêu cực trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức. Đồng thời, đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; phát huy những thành tựu to lớn mà lớp lớp cán bộ kiên trung, chân chính đi trước đã gầy dựng nên trong mấy chục năm qua.
Phải dựa hẳn vào quần chúng
Nhân dân kỳ vọng mỗi cán bộ, đảng viên "phải tuyệt đối chống bệnh kiêu ngạo, phải luôn luôn khiêm tốn; mọi công tác phải dựa hẳn vào quần chúng, hoan nghênh quần chúng đôn đốc và kiểm tra; trong đoàn thể thì phải giữ vững dân chủ tập trung, tập thể lãnh đạo, phải mở rộng tự phê bình và phê bình, nhất là phê bình từ dưới lên trên"; luôn luôn trau dồi đạo đức khiêm tốn của người cách mạng như lời Bác Hồ đã dạy.
Bình luận (0)