"Vừa trở về từ miền Trung hôm kia, tôi thấu hiểu tình cảm của cả nước hướng về khúc ruột yêu thương, nhưng thảm hỏa sẽ xảy ra ở bất cứ nơi đâu trên mảnh đất hình chữ S này nếu chúng ta không thay đổi.
Chúng ta hô hào trồng rừng nhưng vẫn cho phép những đại dự án khởi công ngay lõi rừng hay thủy điện cóc vẫn tiếp tục được duy trì hoạt động, thậm chí còn được cấp giấy phép mới. Nếu vậy sẽ lại còn những trận lũ lụt lịch sử, những cột mốc tang thương nữa phải ghi nhận. Chúng ta phải thay đổi cách làm và phải nhận thấy những sai lầm trong quá khứ.
Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu phát biểu tại hội trường sáng 3-11 - Ảnh: Nguyễn Nam
Việc này thật khó vì thay đổi trên giấy tờ văn bản chúng ta đã làm nhưng thay đổi trong tư duy chẳng dễ. Đơn cử, khi mỗi người trong đầu vẫn quan niệm gỗ quý tự nhiên là đẹp hơn gỗ công nghiệp, vẫn khoe với khách đến thăm cái cầu thang, cái tủ, cái bàn làm từ giáng hương hay lim sến táu, rồi tự huyễn hoặc là gỗ của mình nhập khẩu từ Lào, Myanmar... không phải phá rừng đặc dụng Việt Nam.
... Bảo vệ môi trường theo tôi phải bắt đầu từ tư duy, mà tư duy là phải nhờ giáo dục mà có. Với cách giáo dục như hiện nay, việc hình thành một tư duy mạch lạc, năng động và hướng thiện là vô cùng khó khăn. Chúng ta thử hình dung một cháu bé vào lớp 1 với quyển sách giáo khoa chưa qua thử nghiệm rõ ràng, đang học lại thay đổi, bổ sung, sửa chữa hay đính chính. Một nền giáo dục loay hoay tìm triết lý sẽ tạo ra những sản phẩm định hướng không rõ ràng.
Bão lũ chắc chắn sẽ tiếp tục xảy ra hằng năm nên không thể dùng lòng tốt để khắc phục hậu quả từ năm này sang năm khác, mà cần có chiến lược lâu dài. Chiến lược này cần bàn bạc, từ vấn đề vĩ mô tới việc cấp thiết như hiện nay là cập nhật bản đồ sạt lở các cấp tỉnh, thành phố trên cả nước, xây nhà chống lũ, có khu tập trung cho người dân vùng lũ lụt…".
(Đại biểu Quốc hội NGUYỄN LÂN HIẾU, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, phát biểu tại buổi thảo luận về kinh tế - xã hội của Quốc hội sáng 3-11).
Bình luận (0)