"Vấn đề không chỉ là công tác nhân sự mà chính là ở mô hình hệ thống công vụ của chúng ta sử dụng mô hình công vụ chức nghiệp, ảnh hưởng từ mô hình tập trung quan liêu bao cấp. Chúng ta xây dựng bộ máy, phân ban bệ, đưa người vào, thậm chí lấy thêm vài người vào cũng không sao. Trong mô hình đó, mọi người san sẻ công việc, cùng làm với nhau, cùng hưởng lương, rồi bình bầu, cuối cùng là cùng về hưu với nhau. Mô hình đó không giúp đánh giá thực tài của cán bộ, chủ yếu chỉ đánh giá về năng lực hoàn thành nhiệm vụ, về tư cách, độ mẫn cán. Đối với mô hình đó, chúng ta có thể thừa người, có người không làm việc, nhưng khi có việc lại không có người để làm.
Thực tế, chúng ta cũng đã chuyển sang mô hình công vụ này (mô hình công vụ gắn với vị trí việc làm, sắp xếp con người theo tư duy hệ thống - PV) nhưng theo tôi cách làm chưa bài bản, chưa triệt để, vừa tồn tại mô hình theo chức nghiệp vẫn còn rất nặng nề, lại vừa tồn tại hệ thống việc làm nhưng cũng chưa rõ, chưa tới. Cũng có mô tả công việc nhưng bố trí người có khác đi một chút cũng không sao. Tới lúc nào đó cần phải làm được như mô hình bên doanh nghiệp, công việc đó dứt khoát phải dành cho người có đủ năng lực đảm nhiệm thì mới mang lợi nhuận về cho doanh nghiệp, phải sốt ruột khi phải trả tiền lãi, tiền nhà… khi đó mới thấy hiệu quả...
Một vấn đề nữa cũng ảnh hưởng tới sức mạnh của đội ngũ cán bộ của ta đó là tính bình quân chủ nghĩa, cơ cấu trong các bộ, ngành, địa phương rất nặng. Nếu quy định cứ một bộ ngành, một địa phương phải có một Ủy viên Trung ương, tính bình quân này thể hiện được sự đồng đều, sự “cắm chốt” của cấp Trung ương ở các địa phương, bộ ngành, từ đó phản ánh thực tế ở các nơi lên Trung ương. Nhưng mặt khác vì bình quân chủ nghĩa như vậy nên những người tài có thể sẽ bị bỏ sót. Anh có thể rất xuất sắc nhưng không nằm trong cơ cấu bình quân đó nên bị bỏ ra".
(GS-TSKH PHAN XUÂN SƠN (Viện Chính trị, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) nêu quan điểm trên VOV ngày 29-4).
Bình luận (0)