Nhà thơ Hữu Thỉnh bên cạnh tác phẩm hội họa của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều (tân Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam) - Ảnh: TIỀN PHONG
"Thử thách lớn nhất trong chiến tranh, giữa sống và chết, giữa mất và còn, tôi đã trải qua rồi. Chúng giúp tôi chiêm nghiệm và chuẩn bị cho mình lối ứng xử trong thời bình. Chiến tranh là vậy. Nhưng bài học của chiến tranh cũng không thể áp dụng trong thời bình vì cuộc sống không đứng yên, nó luôn vận động. Có những cái thuận ý mình nhưng rẩt nhiều cái ở ngoài tầm tay. Mình phải thích nghi với nó, như thế mới tồn tại được.
Tôi đã chuẩn bị cho ngày này từ lâu rồi, lâu lắm rồi. Khi những lần trúng cử trước, tôi đã nghĩ ngay đến lúc mình phải từ giã, tạm biệt. Cái gì cũng có bắt đầu, cũng có kết thúc. Việc này hợp quy luật bình thường. Tôi đã làm nhiều rồi cần tạo điều kiện cho thế hệ tiếp theo. Mỗi thế hệ có ưu thế riêng. Đã đến lúc tôi trở lại trạng thái một người sáng tác bình thường. Tôi rất thích.
... Được làm việc với các nhà văn, rèn cho mình cách nhìn toàn cảnh về văn học nghệ thuật… Và cũng cho tôi một bài học: Cùng một sự việc, một thời khắc, một sự kiện, mỗi người lại ghi nhận một cách khác nhau. Còn mất ư? Tôi hay nói đùa, khi đang làm Chủ tịch Hội: Tôi là nhà thơ nghiệp dư, theo nghĩa, thời gian chính không dành cho thi ca. Quản lý cũng là một công việc, khi làm thì có ưu, có khuyết. Với khuyết điểm thì rút kinh nghiệm để lần sau làm tốt hơn. Tôi quan niệm mọi việc nhẹ nhàng".
(Ông HỮU THỈNH - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - chia sẻ trên Báo Tiền Phong ngày 10-1).
Hãy là người đầu tiên bình luận bài viết!