"Để phù hợp với mục tiêu hoà bình, tự vệ, quân đội Việt Nam chú trọng trang bị những vũ khí phòng thủ là chính, không mua sắm vũ khí tiến công chiến lược, không nhất thiết phải xây dựng các quân chủng chiến lược có tầm hoạt động vươn ra toàn cầu. Chúng ta không chạy đua vũ trang.
Vũ khí tiến công chiến lược hiểu nôm na là vũ khí hạt nhân hay "bộ ba hạt nhân". Quân đội một số cường quốc như Mỹ, Nga có biên chế "bộ ba hạt nhân", tức là có sự hiện diện của ba cấu phần, gồm tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM), tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm hạt nhân, và không quân chiến lược. Chỉ khi hội tụ đủ các thành tố đó mới bảo đảm gây tổn thất không thể khắc phục cho kẻ thù tiềm năng - giáng đòn tấn công hạt nhân ngay cả trong bối cảnh xung đột quy mô lớn. Trung Quốc có binh chủng tên lửa chiến lược và theo một số nhà quan sát, Trung Quốc có thể nằm trong số các cường quốc có "bộ ba hạt nhân".
Các loại vũ khí chiến thuật, chiến dịch như chúng ta đang sở hữu đều không phải là vũ khí tiến công chiến lược, mà chỉ là vũ khí để tự vệ".
(Thiếu tướng, Giáo sư NGUYỄN HỒNG QUÂN, nguyên Phó viện trưởng Viện chiến lược quốc phòng, trả lời VnExpress ngày 22-12 về mục tiêu, chiến lược quốc phòng của Việt Nam hiện nay nhân 75 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam).
Bình luận (0)