Theo một lãnh đạo phòng CSHS Công an tỉnh Bình Dương, thời gian qua tình hình an ninh trật tự tại Bình Dương khá phức tạp. Từ đó, tạo áp lực lớn cho lực lượng công an, trong đó có các trinh sát hình sự.
Giải cứu nạn nhân bị bán sang Campuchia dưới thủ đoạn "giải cứu"
Với sự nhanh nhạy, mưu trí, dũng cảm, các trinh sát hình sự đã triệt phá nhiều vụ án gây rúng động dư luận.
Mới đây nhất, ngày 22-12, Công an tỉnh Bình Dương nhận được trình báo của người thân 2 bị hại là C.L, (quê tỉnh Kiên Giang) và T.A.M, (quê tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) về việc bị một đối tượng đe dọa phải đưa tiền để chuộc người từ Campuchia về.
Đối tượng này là Sơn Phà La, chủ tài khoản Tiktok tên "TQ" và cầm đầu nhóm chuyên đưa người từ Campuchia về Việt Nam.
Bị hại tự nguyện đi sang Campuchia để làm việc trong các công ty chuyên thực hiện công việc lừa đảo qua mạng internet. Các quản lý công ty lừa đảo đưa cho bị hại thông tin bao gồm số điện thoại, tài khoản zalo, facebook, số dư tài khoản trong ngân hàng của nhiều cá nhân người Việt Nam và người nước ngoài.
Sau đó chúng yêu cầu lừa đảo bằng cách kết bạn, làm quen, nhắn tin yêu đương hoặc lừa sử dụng các ứng dụng (App) đầu tư chứng khoán, tiền ảo, đầu tư vàng siêu lợi nhuận… để dụ nạn nhân chuyển tiền.
Ban đầu bị hại làm việc được trả lương đầy đủ nhưng nếu không đạt chỉ tiêu trong ngày sẽ bị đánh đập tàn nhẫn. Do đó, bị hại đã liên hệ tài khoản Tiktok tên "TQ" để yêu cầu được giải cứu.
Lợi dụng sự nhẹ dạ, yếu thế của các bị hại, Sơn Phà La câu kết với số đối tượng người Campuchia và người Việt Nam sống ở Campuchia thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của các bị hại. Thực chất Sơn Phà La và công ty lừa đảo qua mạng do người nước ngoài làm chủ là chung một nhóm.
Để được giải cứu, bị hại phải ứng trước cho Sơn Phà La 170 triệu đồng, sau khi nhận tiền "giải cứu" thì La đưa nạn nhân về địa bàn giáp ranh biên giới giữa Campuchia và Việt Nam, tiếp tục yêu cầu nạn nhân chuyển 230 triệu đồng thì mới cho về Việt Nam.
Do bị hại không đủ tiền nên Sơn Phà La dùng ô tô chở về tỉnh Bình Dương để đợi người thân mang tiền đến trả và đe dọa nếu không trả đủ tiền sẽ bán họ sang Thái Lan để lấy nội tạng.
Bằng các biện pháp nghiệp vụ, khoảng 12 giờ ngày 22-12, khi Sơn Phà La đang nhận tiền từ người thân của các nạn nhân tại một quán cà phê trên phường Hưng Định, TP Thuận An, tỉnh Bình Dương thì bị lực lượng CSHS ập vào bắt quả tang cùng tang vật gồm 230 triệu đồng, 1 xe Toyota Fortuner, màu trắng và một số tang vật khác có liên quan.
Triệt phá đường dây mua bán trẻ em liên tỉnh, giải cứu giám đốc bị bắt cóc, tống tiền
Trước đó 1 ngày, các trinh sát hình sự Bình Dương cũng chỉ mất 3 tiếng để giải cứu một giám đốc người nước ngoài bị bắt cóc, tống tiền.
Do cần tiền tiêu xài, đầu tháng 12-2023, Zheo Xin (SN 1985, quốc tịch Trung Quốc) bàn với nhóm đối tượng trên tìm kiếm người nước ngoài đang sinh sống và làm việc trên địa bàn tỉnh Bình Dương để bắt cóc, đòi tiền chuộc.
Khoảng 0 giờ ngày 21-12, phát hiện ông G. (quốc tịch Trung Quốc, Giám đốc công ty nội thất có trụ sở tại khu công nghiệp Tân Bình, huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) điều khiển ô tô đi một mình, các đối tượng đi xe gắn máy bám theo, chặn xe ông G. rồi dùng hung khí khống chế bắt cóc.
Xác định được vị trí nhốt ông Z.G.M là nhà xưởng ở khu phố 5, phường Hòa Phú, TP Thủ Dầu Một, chỉ mất khoảng 3 tiếng đồng hồ sau khi nhận tin báo, các trinh sát đã nhanh chóng tiếp cận, phá cửa ập vào bắt giữ nhóm bắt cóc. Đồng thời, giải cứu an toàn cho ông G. Tại hiện trường công an còn thu giữ tang vật 4,5 tỉ đồng và 3 ô tô.
Hay như vụ án triệt phá đường dây mua bán trẻ sơ sinh, hoạt động liên tỉnh với nhiều đối tượng tham gia, từng gây rúng động dư luận một thời gian dài. Theo đó, vào đầu tháng 7-2022, các trinh sát hình sự Bình Dương phát hiện tại Bệnh viện Phụ sản Nhi Bình Dương xuất hiện một phụ nữ xưng tên "Trúc", nick Zalo là "Thiên Trúc". Người này thường xuyên tiếp cận y tá, điều dưỡng để lấy thông tin và chủ động tìm những phụ nữ đến khám thai hoặc mới sinh con nhưng không muốn nuôi.
Công an xác định "Trúc" thực chất là Nguyễn Thị Ngọc Như (SN 1993, ngụ TP HCM). Như tham gia nhiều nhóm kín về cho, tặng con nuôi trên các trang mạng xã hội Zalo, Facebook.
Ngoài Bệnh viện Phụ sản Nhi Bình Dương, Như còn thường xuyên đến các cơ sở y tế có đặc thù tương tự trong tỉnh và TP HCM với chủ ý xin nuôi hoặc mua lại những bé mới sinh, chuẩn bị được sinh.
Sau khi mua trẻ, Như lên các nhóm kín rao bán với mức giá 35-60 triệu đồng/bé. Kèm theo đứa trẻ là một bộ hồ sơ giả (giấy chứng sinh, giấy xác nhận ADN, giấy khai sinh...) được Như bán với giá 30-40 triệu đồng nhằm hợp thức hóa nguồn gốc các bé cho người mua nếu khách có nhu cầu.
Giữa tháng 8-2022, các trinh sát hình sự nhận được nguồn tin sẽ có giao dịch mua bán trẻ sơ sinh ở vùng giáp ranh giữa tỉnh Bình Dương và Bình Phước. Ngay sau đó, kế hoạch phá án được triển khai. Tổ trinh sát được lệnh bám theo một chiếc ôtô màu trắng.
Sau đó, tại đường ĐT 744 trên địa bàn thị trấn Dầu Tiếng, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương, công an bắt quả tang Như chuẩn bị mang bán 1 trẻ sơ sinh. Công an đã thu giữ giấy xác nhận ADN, giấy chứng sinh được Như đặt làm giả.
Nói về những khó khăn trong quá trình triệt phá đường dây mua bán trẻ em cực lớn này, thiếu tá Võ Văn Sơn, Phó Phòng CSHS, cho biết từ khi xác lập chuyên án đến lúc triệt phá chỉ khoảng 4-5 ngày. Tuy nhiên, trước đó, đơn vị đã mất gần 2 tháng ròng rã đeo bám, thu thập tài liệu nhằm xây dựng hồ sơ hoàn chỉnh.
Khó khăn lớn nhất là về mặt quân số bởi cán bộ, chiến sĩ tham gia phá án rất mỏng so với địa bàn hoạt động của tội phạm. "Loại tội phạm này có phạm vi hoạt động quá rộng, trên 10 địa bàn như Long An, Bến Tre, Bình Phước, Gia Lai… Để đi tới đó thu thập tài liệu phải tốn rất nhiều thời gian, lại phải bảo đảm yếu tố bí mật" - thiếu tá Sơn nhớ lại.
Bình luận (0)