Chiều đón con tan trường, ngắm ánh mắt rạng ngời niềm vui, lòng tôi lâng lâng cảm xúc dịu ngọt.
Con huyên thuyên chuyện trường lớp, bạn bè, tôi bật cười, góp vài lời bình luận cho câu chuyện thêm rôm rả.
"Lớp con mới có trò chơi mới đó mẹ" - con thỏ thẻ kể về trò chơi do các bạn lớp 5 nghĩ ra chiều hôm ấy, tạm gọi tên là "ghét - gạch".
Giờ ra chơi, các bạn chuyền tay nhau mảnh giấy ghi tên các thành viên trong lớp rồi nhắn nhau: Gạch một nét vào cái tên mình ghét nhất…
Con kể khi mảnh giấy đến tay, một người bạn dặn: "Gạch một nét sổ vào người bạn mà "bà" ghét, ghét nhiều nhất nhé!".
Cảm giác trò chơi ấy không vui nên con trả giấy bình chọn cho bạn. Con nói: "Tui không ghét ai nhiều cả!".
Tôi khen con đã ứng xử đúng trong tình huống ấy. Chẳng hay ho gì khi công khai săm soi, xét nét, tìm kiếm người bạn mà bản thân mình ghét nhất.
Bất kỳ ai trở thành người bị tập thể ghét bỏ cũng sẽ nảy sinh cảm xúc tiêu cực. Tình bạn trong sáng, hồn nhiên của tuổi học trò cũng rạn nứt. Mà sự kỳ thị của đám đông đáng sợ vô cùng, nó thường để lại những vết hằn xấu xí lên quá trình lớn khôn của con trẻ.
Con lắng nghe lời tôi chia sẻ và tỏ vẻ đồng tình, thốt ra câu cảm thán: "May quá!".
Con thủ thỉ rằng có liếc qua bảng bình chọn, thấy tên các bạn đều bị đánh dấu, riêng tên con bị đánh 2 nét sổ, tức là có 2 bạn nào đó thấy ghét con lắm.
Tôi chăm chú nghe và hỏi dò con có buồn vì điều đó không. Con nói có nghĩ ngợi chút xíu rồi quên vì bận chơi cùng các bạn khác, rất vui vẻ.
Tôi cảm nhận mình là người mẹ may mắn vì con gái tuổi lên 10 đã bắt đầu mường tượng đúng - sai, tốt - xấu trong quan hệ bạn bè. Con nhiệt tâm vun đắp tình bạn bằng sự trong sáng, hồn nhiên của mình. Con muốn bảo vệ tình bạn đẹp của mình bằng cách từ chối trò chơi "ghét - gạch" ấy.
Dõi theo từng bước trưởng thành của con, tôi thấy vui vì chúng tôi đã duy trì thói quen tốt: Nghe con nói, nói con nghe.
Những người bạn cùng chơi, cùng học với con có khuôn mặt, vóc dáng, tính tình, sở thích thế nào, tôi đều để tâm tìm hiểu để có chuyện gợi ra, trao đổi cùng con. Nhờ vậy, mỗi ngày đi học về của con luôn rộn ràng những câu chuyện vụn vặt, nhỏ nhặt nối dài qua ngày, qua tháng.
Hôm trước, con kể về một bạn nam trèo cây bắt chim non trên tổ bị bác bảo vệ phạt. Hôm trước nữa là chuyện 2 bạn nữ hiền ngoan viết giấy trao đổi kín với nhau bị cô giáo bắt được, ngờ đâu mấy bạn dùng tiếng lóng phản cảm nên cô la… Chuyện con nít tưởng vụn vặt lại ẩn chứa bao điều nguy hại, khiến người lớn phải giật mình.
Người bạn ngồi cùng bàn với trẻ là ai, trẻ thích chơi trò gì trên lớp, hôm nay học có vui không... Những chuyện tưởng chừng như con nít, nhỏ nhặt lại là dịp để bố mẹ - con cái hiểu nhau. Qua đó, bố mẹ kịp thời động viên, chia sẻ và cả những uốn nắn, dạy dỗ, đưa ra lời khuyên để con có cách nghĩ và ứng xử đúng đắn.
Bình luận (0)