Anh chàng lái xe vui tính, vừa nổ máy đã bật nhạc, đúng ngay bài "Tình ca Tây Nguyên" của nhạc sĩ Hoàng Vân. Giọng ca Trọng Tấn vút lên âm hưởng cao nguyên bazan: "Trời Tây Nguyên xanh, hồ trong nước xanh. Trường Sơn xa xanh, ngút ngàn cây xanh…".
Sức sống của núi rừng
Tôi nhìn qua ô kính xe. Quả thật, trời và đất Tây Nguyên đang bạt ngàn một màu xanh khó tả.
Bây giờ là giữa tháng 7 dương lịch. Những cơn mưa đầu mùa nhưng ào ạt nước đã dập tắt mùa khô, đem lại sức sống cho núi rừng, vườn tược, sông suối cả một vùng Bắc Tây Nguyên. Từ đỉnh cao 1049 - tức ngọn đồi và là căn cứ Delta ngày nào, tôi nhìn xuống chỉ thấy những con đường nhựa mảnh mai xuyên qua vườn tược và sông Pô Kô lấp lóa những vệt nước quanh co theo đồi núi trập trùng. Ngọn đồi Delta 1049 là nơi giáp ranh của 2 huyện Sa Thầy và Đăk Tô của tỉnh Kon Tum. Đây là một trong 3 địa chỉ được ví là "Đồi máu" trong những năm tháng chiến tranh ác liệt.
Đi cùng xe với tôi là Phạm Hồng Việt - Chủ tịch UBND xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy. Việt còn trẻ nên gọi tôi bằng anh. Việt nói: "May anh lên mới chỉ đầu mùa mưa. Giữa và cuối mùa mưa khó đi lắm, bởi đường lên đỉnh Delta 1049 vẫn còn một đoạn đường đất. Chỉ cần mưa lớn thì ngay cả xe hai cầu, máy mạnh vẫn không leo nổi".
Đoạn đường bê-tông vừa đi qua, chuẩn bị lên đường đất, mũi xe như hất ngược lên đỉnh đồi, máy xe gầm lên. Tôi chợt nghĩ, con đường như thế này mà đi lại còn khó khăn thì không biết ngày xưa các chiến sĩ phải đánh đổi bao nhiêu thân mạng khi tấn công vào cứ điểm trên cao.
Chừng như hiểu được suy nghĩ của tôi, Việt kể: Quân ta tấn công vào Delta 1049 này hy sinh nhiều lắm anh. Lời kể của Việt làm tôi nhớ đến những trang sách đã đọc trước khi đến đây. Delta 1049 là một trong 3 cứ điểm quân sự nổi tiếng của Mỹ và chính quyền Sài Gòn dựng lên - được xem là bức tường phòng thủ các cánh quân Bắc Việt từ phía Bắc tiến vào.
Cùng với Delta 1049 là cao điểm 1015 - tức căn cứ Sạc Ly (Charlie) và Chư Tan Kra, đều nằm trên địa phận tỉnh Kon Tum.
Tự hào
Chiến tranh ác liệt bắt đầu xảy ra từ đầu năm 1972, cách đây hơn 50 năm.
Delta 1049 lúc bấy giờ do Tiểu đoàn dù số 2 thuộc Lữ Dù II của Quân lực Việt Nam Cộng hòa nắm giữ. Bắt đầu từ ngày 30-3 cho đến 21-4-1972, Trung đoàn Bộ binh 52, Tiểu đoàn 1 của Trung đoàn 48 và Tiểu đoàn 19 đặc công của Sư đoàn 320A quân ta đã vây giữ và chiến đấu đến cùng để chiếm lĩnh căn cứ.
Căn cứ Sạc Ly 1015 cũng tương tự. Đây là cao điểm quan trọng do Tiểu đoàn Dù 11 - Lực lượng dự bị chiến lược của Quân lực Việt Nam Cộng hòa đóng quân. Bắt đầu từ ngày 12-4-1972, Trung đoàn Bộ binh 64 của Sư đoàn 320A quân ta đã nổ súng tấn công. Cuộc chiến dữ dội kéo dài 3 ngày. Đến ngày 15-4-1972, Sạc Ly 1015 bị xóa sổ trên bản đồ quân sự của đối phương.
Tôi nhìn qua cửa xe. Đồi núi nghiêng ngả theo mỗi cung đường. Chợt nghĩ, ngày xưa, lúc chiến tranh, những người lính từ dưới chân những ngọn núi này phải cần bao nhiêu thời gian để tấn công và chiếm giữ các cao điểm. Dĩ nhiên thời gian chỉ là đại lượng vật lý, sự hy sinh và xương máu mới là cái không đo đếm được.
Nơi tôi đang đến, trong tầm bán kính vài mươi ki-lô-mét là những cái tên, những trận chiến đi vào sử sách, của chiến trường Bắc Tây Nguyên vào những tháng năm khốc liệt nhất. Phía bên trái là Đăk Tô - Tân Cảnh, nơi tôi trực chỉ đến là đồi Delta 1049 và đồi Sạc Ly 1015, còn bên phải là Chư Tan Kra - một địa danh đã quá nổi tiếng.
Delta và Sạc Ly thì nhiều người biết nhưng Chư Tan Kra thì không phải ai cũng hay. Cách đây không lâu, khi có những hình ảnh từ phim tài liệu của Điện ảnh Quân đội Nhân dân có tên Chư Tan Kra (do đạo diễn, thiếu tá Vũ Minh Phương thực hiện), nhiều người mới hiểu hơn về địa danh này.
Chuyện là vào tháng 3-1968, một trận đánh kịch liệt đã xảy ra tại đây, giữa các chiến sĩ thuộc Trung đoàn 209 - Sư đoàn 312 (còn gọi là Trung đoàn lính Thăng Long bởi tất cả đều là người Hà Nội) với sư đoàn Anh Cả Đỏ của quân đội Mỹ bấy giờ đang chiếm giữ Chư Tan Kra (cao điểm 995 trên bản đồ quân sự). Do địa hình phức tạp, hỏa lực của quân đội Mỹ quá mạnh và chưa quen thuộc với chiến trường Tây Nguyên, tất cả chiến sĩ đã anh dũng hy sinh, gửi xác thân nằm lại với núi rừng Tây Nguyên. Con số không chính xác là hơn 200 liệt sĩ của chỉ riêng Trung đoàn 209!
Trong một buổi trò chuyện tâm tình giữa tôi, 2 lãnh đạo huyện Sa Thầy là ông Nguyễn Minh Tuấn - Bí thư Huyện ủy và ông Dương Quang Phục - Chủ tịch UBND huyện - tỏ ra rất tự hào khi nhắc đến Delta, Sạc Ly và Chư Tan Kra. Ông Phục nói: "Nhiều năm qua, dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, huyện Sa Thầy đã triển khai nhiều hoạt động nhằm khơi gợi truyền thống và thực hiện công tác đền ơn đáp nghĩa. Căn cứ Delta 1049 và Sạc Ly 1015 đều có Nhà Tưởng niệm, bia Tưởng niệm, đường đã trải bê-tông gần hết. Riêng Chư Tan Kra đã xây dựng Khu Tưởng niệm khang trang, có nhà bia ghi khắc chiến công".
Mỗi tấc đất máu hồng tô thắm mãi
Vâng. Tôi đã từng đến và đọc từng dòng trên tấm bia đá. Nội dung văn bia nhắc nhớ đến những người con ưu tú của đất kinh kỳ Thăng Long (Hà Nội) đã hy sinh anh dũng, được viết theo lối minh bia gồm 6 đoạn.
Xin trích dẫn vài dòng: "Đây Kon Tum mảnh đất anh hùng! Dưới bom đạn mịt mùng lửa khói! Đây lớp lớp những người con Hà Nội, thề hiến mình cho nghĩa cả non sông. Vạn con em ào ạt xung phong, sáu mươi đợt bừng bừng khí thế/ Đẹp đẽ thay! Tuổi trẻ Thăng Long! Những chàng trai hào hoa phong nhã. Đôi mắt sáng và nụ cười rạng rỡ. Xông vào trận với bom rơi đạn nổ! Vào sinh ra tử chẳng sờn lòng...".
Minh bia chỉ một mặt, mặt còn lại đang để trống. Ông Dương Quang Phục bảo tháng 7 năm nay, mùa tri ân thương binh - liệt sĩ, địa phương gọi điện cho tôi, báo tin vui: "Chúng tôi đã soạn nội dung văn bia, cấp trên và Ban Liên lạc Cựu chiến binh Trung đoàn 209 đã đồng ý và đang tiến hành khắc chữ. Tháng 7 này, huyện sẽ phối hợp các ban, ngành chức năng tổ chức lễ tưởng niệm hoành tráng tại Chư Tan Kra".
Ông Phục còn gửi kèm nội dung minh bia đã được duyệt. Tôi đọc và thấy ngôn từ rất hợp, viết theo lối biền ngẫu với mặt còn lại, thể hiện lòng thành kính, tri ân của người dân và chính quyền địa phương huyện Sa Thầy, Kon Tum nói riêng và cả Tây Nguyên.
Xin trích dẫn đoạn ngắn: "… Hào khí Chư Tan Kra vọng đến mai sau. Một trận chiến đi vào sử sách. Những hy sinh hòa vào đất, nước. Cho hôm nay, thế hệ cháu con. Sông Pô Kô hát mãi khúc quân hành. Đất Sa Thầy tự hào lịch sử. Tên các anh như đất trời bất tử/ Cây hòa bình nở hoa kết trái. Mỗi tấc đất máu hồng tô thắm mãi. Cho non sông một dải trường tồn. Người Sa Thầy ghi khắc công ơn. Dù mai sau sông cạn đá mòn. Vẫn một lòng một dạ sắt son/ Đài Tưởng niệm trên đồi cao mây trắng! Lời tri ân gởi đến các anh! Trời Tây Nguyên xanh, rừng núi vẫn xanh. Ru các anh giấc ngủ an lành. Chư Tan Kra vang vọng mãi. Hồn thiêng sông núi, bản hùng ca!".
Nhớ những hôm lần đầu tiên tôi đến với Delta 1049, Sạc Ly 1015 và Chư Tan Kra. Trên đỉnh các ngọn đồi là di tích lịch sử này vẫn như còn nghe âm thanh từ quá khứ bi tráng vọng về. Có lẽ đó là âm thanh của bom đạn, của máu xương ngã xuống. Xung quanh mỗi di tích, có những vườn thông non do các đoàn thể như Thanh niên, Phụ nữ, Cựu chiến binh... trồng.
Bom đạn cày xới nên đất đai trên những ngọn đồi này ít dưỡng chất, vậy mà những chồi thông non vẫn đứng thẳng, nhọc nhằn vươn lên giữa trời xanh mây trắng.
Nhớ những dòng chữ khắc trên minh bia ở Chư Tan Kra. Lại nhớ giọng ca Trọng Tấn với ca khúc "Tình ca Tây Nguyên" của nhạc sĩ Hoàng Vân. Sẽ là như thế, không thể khác. Trời Tây Nguyên sẽ ngày càng xanh hơn khi chiến tranh lùi xa và cây hòa bình đã nở hoa kết trái trên mảnh đất này.
Bình luận (0)