Bao giờ cũng vậy, từ con tàu KN 290 nhìn về, khi các đảo hiện ra trong tầm mắt và gần lại, ai cũng bồn chồn, háo hức chờ bước xuống xuồng để ra với những người lính sạm đen vì dãi dầu nắng gió, ngày đêm làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền; để được gặp những người dân trên đảo, trò chuyện và ôm các em bé trong tay, nghe các em bi bô trò chuyện, ngắm các em ăn kẹo, ăn kem mà xúc động dâng trào...
Trường Sa trong yêu thương
Trường Sa luôn là một biểu tượng của yêu thương, một hiện thân của tình Tổ quốc, nghĩa đồng bào, của ý chí chiến đấu kiên cường, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo. Trường Sa luôn trong tình yêu thương của cả nước. Với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP HCM, tình cảm yêu thương Trường Sa càng đặc biệt, sâu nặng nghĩa tình.
Ông Nguyễn Thành Trung, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ TP HCM, cho biết cả hệ thống chính trị của TP HCM luôn dành cho quân và dân Trường Sa - tấm lá chắn, bức trường thành bảo vệ vùng biển, vùng trời phía Đông đất nước - tình cảm thân thương, đầm ấm nhất. Từ năm 2007 đến nay TP HCM đã tổ chức 17 đoàn đi thăm và tặng quà cho quân và dân Trường Sa, với hơn 2.000 lượt đại biểu có mặt trên các chuyến hải trình.
Qua những chuyến đi càng nâng cao ý thức, tạo thành các phong trào thiết thực để ủng hộ quân và dân Trường Sa, giúp người dân TP HCM và cả nước hiểu hơn về đời sống, sinh hoạt, chiến đấu của cán bộ - chiến sĩ, để tuyên truyền cổ vũ, động viên, nâng cao trách nhiệm bảo vệ chủ quyền.
Đặc biệt, từ năm 2009, TP HCM đã thành lập Quỹ "Vì biển đảo quê hương - Vì tuyến đầu Tổ quốc". Từ khi thành lập đến nay, quỹ đã tiếp nhận ủng hộ số tiền trên 525 tỉ đồng, qua đó đã kịp thời chăm lo số tiền 450 tỉ đồng với những công trình thiết thực, giúp cán bộ - chiến sĩ và người dân trên các đảo cải thiện điều kiện sinh hoạt và có cuộc sống vật chất đầy đủ hơn, cuộc sống tinh thần phong phú hơn...
Ông Nguyễn Thành Trung cũng cho biết trong chuyến đi này, TP HCM đã ủng hộ chương trình "Xanh hóa Trường Sa" 30 tỉ đồng, trao tặng các vật dụng thiết yếu cho quân và dân trên đảo, nhà giàn như máy lọc nước, 32 bộ đèn năng lượng mặt trời, 6 vườn rau có mái che cùng bồn nước, quạt tích điện, máy tính, máy in... trị giá hơn 11 tỉ đồng. Tổng kinh phí tổ chức chuyến công tác và quà tặng chăm lo cho cán bộ, chiến sĩ, nhân dân tại các đảo, nhà giàn DKI/17 gần 42 tỉ đồng.
Những tình cảm đó luôn được giữ gìn, nhân rộng, lan tỏa. Sau những chuyến đi, nhiều thành viên trong các đoàn đã tổ chức họp mặt, có nhiều hình thức hỗ trợ quân và dân Trường Sa. Một điển hình về tình yêu Trường Sa là bà Võ Thị Dung - nguyên Phó Bí thư Thành ủy TP HCM, nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP HCM.
Lần này, bà cũng đích thân ra cảng để đưa tiễn đoàn và gửi tặng cán bộ - chiến sĩ, nhân dân Trường Sa các món quà, trong đó có những chậu cây xanh với mong muốn các đảo có thêm màu xanh, cho cuộc sống của quân và dân bớt vất vả. Trong tin nhắn của bà Dung gửi cho ông Trung, có những câu thơ cảm động: "Trường Sa ơi sóng mang tàu rời bến/ sóng yên mà lòng ta lay động/ bởi Trường Sa mãi trong tim ta".
Trân quý tình cảm yêu thương
Đặt chân lên đảo Trường Sa Lớn, sau lễ dâng hương, chào cờ tại cột mốc chủ quyền, chúng tôi chứng kiến hình ảnh đẹp: Chị Dương Thị Huyền Trâm - Ủy viên Thường trực, Trưởng Ban Phong trào Ủy ban MTTQ TP HCM - trò chuyện thân thương với các chiến sĩ trẻ.
Những tấm hình chụp chung của chị và các chiến sĩ qua điện thoại thật đẹp, các chiến sĩ nhờ chị gửi hình này về cho gia đình và cho số điện thoại để liên lạc. Đó là các chàng trai Hồ Cảnh Tuấn (Nghệ An), Nguyễn Hồng Sơn (Cần Giờ, TP HCM), Lê Xuân Nam (Nghệ An), Đinh Trọng Nghĩa (Quảng Ninh).
Đinh Trọng Nghĩa cho biết đã ra đảo được 9 tháng. Dù điều kiện thời tiết có phần khắc nghiệt nhưng các chiến sĩ vẫn vượt qua để hoàn thành nhiệm vụ. Em nói sau này khi ra quân trở về đất liền sẽ rất nhớ mọi người ở đơn vị. Nguyễn Hồng Sơn - trung sĩ, khẩu đội trưởng - mới ra đảo được 4 tháng, cho biết em học khóa đào tạo hạ sĩ quan chỉ huy, ra đảo với tinh thần an tâm cống hiến, ra quân dự định học nghề lái xe hoặc sửa chữa ô tô để có cuộc sống tốt hơn.
Tại đảo Đá Tây B, hội trường nơi làm lễ của đoàn bỗng lắng lại khi ca sĩ Thu Hiền của đội văn nghệ Nhà Văn hóa Thanh Niên TP HCM hát ca khúc "Xa khơi" của Nguyễn Tài Tuệ. "Nhớ thương cách vời ơi biển chiều nay" của một thời đất nước chia đôi đã không còn, nhưng biển khơi nghìn trùng hôm nay đón những người thân ra thăm đảo với rất nhiều yêu thương. Rồi những ca khúc hào hùng tiếp nối, mọi người vỗ tay theo nhịp và cất tiếng hát theo... Ở các đảo, các chiến sĩ trẻ và ca sĩ trẻ sau phút chào hỏi đã như thân thuộc, cùng nhau hát những bài ca, nắm tay nhảy múa, đi vòng quanh rộn ràng những nụ cười, ánh mắt.
Trong chuyến đi này, đoàn đã tặng Trường Sa công trình vườn rau mái che, đây là một phần trong chương trình "Vì Trường Sa xanh". Đợt này đoàn bàn giao phương tiện, cây giống, đợt sau nghiệm thu sẽ bàn giao tiếp. Sản phẩm này, theo lãnh đạo TP HCM, là đóng góp của đồng bào, chiến sĩ ủng hộ Trường Sa, thể hiện tình cảm yêu thương của TP HCM với Trường Sa, luôn trọn vẹn, ấm áp nghĩa tình.
Đại tá Phạm Văn Thọ - Chính ủy Lữ đoàn 146, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa) - khẳng định: "Đoàn công tác của TP HCM đã để lại nhiều tình cảm, ấn tượng sâu sắc. Trường Sa ngày càng thay da đổi thịt, diện mạo và thế trận vững vàng, cơ sở vật chất khang trang... Ở các đảo, điểm đảo đều có dấu ấn của sự chung tay góp sức ủng hộ Trường Sa, để quân và dân Trường Sa càng thêm trân quý tình cảm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP HCM".
Sứ mệnh, trách nhiệm thiêng liêng
Tại nhà giàn DK1, thật ý nghĩa khi 2 vị đại tá đã tặng sim điện thoại và hỏi chuyện 2 binh nhì Nguyễn Thành Công, Đỗ Minh Thuận. Đó là đại tá Trang Viết Thanh, Phó trưởng Công an TP Thủ Đức và đại tá Nguyễn Văn Thanh, Phó Hiệu trưởng Trường Quân sự - Bộ Tư lệnh TP HCM. Hai ông đã ân cần thăm hỏi, dặn dò chiến sĩ trẻ rèn luyện, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ.
Đến với Trường Sa, ai cũng thấm thía "Đảo là nhà, biển cả là quê hương", không chỉ là một khẩu hiệu mà còn là mệnh lệnh của trái tim. Theo Phó Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Phước Lộc: "Đặt chân lên đảo là về nhà, là sự ấm cúng, sẻ chia nhiều hơn. Càng thấy trong sâu thẳm mỗi người tình cảm với biển đảo, với Trường Sa. Qua chuyến đi càng khẳng định sâu sắc ý chí bảo vệ chủ quyền Tổ quốc, thấy rõ hơn tình cảm quân dân gắn bó, đoàn kết một lòng. Hỗ trợ hết lòng với Trường Sa là trách nhiệm trong tất cả chúng ta, của Đảng bộ TP HCM cùng hệ thống chính trị và nhân dân thành phố".
Chuẩn Đô đốc Phạm Như Xuân - Phó Tư lệnh Quân chủng Hải quân, Trưởng đoàn công tác - đánh giá đây là chuyến đi đong đầy cảm xúc và tình cảm của quân và dân TP HCM với biển đảo và những người chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam. Vượt ngàn hải lý, đoàn đại biểu TP HCM đã động viên từng cán bộ - chiến sĩ, từng hộ dân, các lực lượng đang làm nhiệm vụ trên các đảo, nhà giàn; trao tặng những phần quà thiết thực, kịp thời động viên và làm vơi đi khó khăn về vật chất, tinh thần của quân và dân huyện đảo Trường Sa và nhà giàn DK1.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 13-5
Kỳ tới: Ngày mới ở Trường Sa
Tiếng chuông chùa giữa Trường Sa
Đoàn công tác đã vào viếng chùa ở đảo Sinh Tồn và đảo Trường Sa Lớn. Thượng tọa Thích Minh Bảo - trụ trì chùa Phước Duyên, Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam quận 4 (TP HCM) - nói trong ông dâng lên cảm xúc thiêng liêng và niềm tự hào về đất nước. Những ngôi chùa trên đảo cũng là hiện thân của chủ quyền đất nước. "Nơi nào có chùa là có dân, là đất nước. Tôi mong đất nước mạnh giàu, hòa bình cho nhân loại, an lành, hạnh phúc cho dân" - Thượng tọa Thích Minh Bảo nói.
Tại chùa Trường Sa Lớn, Phó Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Phước Lộc và Chuẩn Đô đốc Phạm Như Xuân đã thỉnh chuông. Giữa chiều hôm, tiếng chuông chùa ngân vang, vọng vào lòng người những nỗi niềm sâu lắng.
Bình luận (0)