Ấy vậy mà cứ sơ sẩy vài bữa thì có kẻ lạ mặt đến tấn công! Mỗi lần tôi đi công tác đôi ba ngày về thì cây lại bị sâu ăn còi cọc.
Không biết các giống sâu ẩn ở đâu và thành bướm lúc nào nhưng chúng thậm chí có lúc "tràn" vào nhà để ăn luôn các cây cam, quýt, bưởi, chanh mà tôi trồng trong chậu để làm kiểng. Các chậu cây nhỏ để trên bàn làm việc, hằng ngày vẫn xanh tươi làm bạn với tôi, bỗng một ngày có cây trở nên xơ xác. Tôi thương cây như chính thân thể mình …
Mấy năm trước, trong sân nhà, chủ cũ có trồng một cây xoài xanh tốt. Tôi vốn yêu cây nên khi mua lại nhà này vẫn giữ cây xoài đó. Dù chưa có trái, nhưng cây tỏa bóng mát xuống cái sân nhỏ, lâu lâu lại có chim về làm tổ, tôi thấy rất vui.
Nhưng được khoảng hơn một năm, cây bỗng dưng héo lá. Ban đầu, tôi ngỡ cây bị úng, nhưng sau dò tìm thì mới thấy trên thân cây có những lớp mạt gỗ giống như mùn cưa và chảy mủ màu đỏ sậm. Thì ra dưới lớp vỏ là "nhà" của một loại sâu đục thân, mà có người gọi là sùng. Tôi lần theo vết thương trên thân cây, bắt được cả chục con sâu đục thân to bằng ngón tay… Sau lần đó, cây xoài tươi tốt trở lại được một thời gian ngắn rồi chết hẳn. Có lẽ còn vài con sâu ẩn khuất bên trong, đục hỏng đến phần thân trong khiến cây không thể sống nổi.
Xoài là loại cây thường bị sâu đục thân phá hoại. Do đó, người trồng có kinh nghiệm sẽ để ý thấy cây bị chảy mủ trên thân, có dấu mùn cưa hoặc có những hạt phân rơi ra thì biết cây đã bị sâu xâm nhập. Khi đó phải phun thuốc kết hợp quét thuốc vào chỗ vết thương trên cây để diệt sâu.
Tôi nhớ hồi ba tôi còn sống, lúc khỏe, ông hay cầm cái búa nhỏ đi trong vườn điều để tìm cây bị sâu đục thân mà diệt chúng. Điều là loài thân gỗ, kháng sâu bệnh khá tốt nhưng lắm khi cũng bị sâu bọ phá hoại, như đục thân làm chảy mủ khiến cây mất sức, giảm năng suất, nặng hơn thì đục hỏng lớp biểu bì có thể làm cây chết. Nhưng thường nhất là một số cành cây bị chết do sâu đục. Người trồng phải định kỳ phun thuốc để diệt sâu hoặc làm giảm sự sinh sôi của nó. Ba tôi khi đã già yếu thì thường túc tắc giết sâu bằng cách thủ công như vậy.
Nhà nông hẳn không lạ gì với các loài sâu vốn có mặt ở khắp nơi: con sâu đo thân dài, mỗi lần bò thì uốn mình nhưng người ta dùng tay để đo một vật gì đó; sâu sừng xanh thì có cái sừng nhọn hoắt trông rất đáng sợ; sâu róm (còn gọi là sâu lông) có lớp lông tua tủa có thể gây thương tích cho người bị đốt… Ngoài ra, còn bọ rùa, bọ xít, rệp sáp, dòi đục lá, sâu đục trái, sâu cuốn lá… Cây nào sâu nấy. Sức tàn phá của chúng thật đáng sợ.
Người làm nông nào cũng phải biết diệt sâu bọ, bảo vệ cây trồng. Như ba tôi xưa hay dùng một dụng cụ giống như cái lồng bằng nhựa, bên trong có nhúm bông gòn tẩm một loại chất độc có mùi hương đặc biệt để dụ ruồi vàng đến bám vào… Vì đây là loại ruồi đẻ ra sâu đục trái mà "nạn nhân" của nó rất nhiều, từ mãng cầu, chuối, bơ, mận... cho đến bưởi, mít…
Để ngừa sâu cho cây chúc của nhà, tôi phải sang... nhà hàng xóm để diệt sâu trên cây chanh. Có hôm tôi giết cả chục con sâu sừng xanh. Cứ vài ngày tôi phải... canh từ cây chanh này để chắc chắn rằng không còn bầy sâu nào đang phát triển ở đó.
Cứ vậy, trồng cây thì phải tích cực trừ sâu bọ. Sâu bọ có mặt ở khắp mọi nơi. Sâu mọt cũng vậy. Chúng chực chờ tàn phá, hủy hoại công sức, tâm huyết của chúng ta. Nếu chỉ biết trồng cây mà không biết cách diệt sâu thì có lẽ việc trồng cây ấy không có nhiều kết quả!
Bình luận (0)