Hiện nay, Luật Bảo hiểm xã hội và các văn bản hướng dẫn liên quan không cấm người lao động đã rút bảo hiểm xã hội (BHXH) 1 lần rồi thì không được tiếp tục đóng BHXH để hưởng lương hưu.
Tuy nhiên, căn cứ khoản 2 Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội số 58/2014/QH13, mức hưởng BHXH một lần được tính theo số năm đã đóng BHXH. Điều đó có nghĩa là, một khi đã thanh toán BHXH 1 lần, nếu muốn được hưởng lương hưu thì thời gian đóng BHXH buộc phải tính lại từ đầu.
Theo đó, nếu đã rút BHXH 1 lần thì sau khi đóng lại BHXH từ đầu, người lao động toàn vẫn có thể được hưởng lương hưu khi đáp ứng đủ các điều kiện về độ tuổi và thời gian tham gia bảo hiểm xã hội theo quy định.
Mới đây, tại Luật BHXH sửa đổi đã được chính thức thông qua vào ngày 29-6-2024, người lao động đủ tuổi nghỉ hưu mà có thời gian đóng BHXH từ đủ 15 năm trở lên và đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định thì được hưởng lương hưu hàng tháng thay vì phải đóng đủ 20 năm theo quy định cũ.
Điều này làm tăng cơ hội cho những người đã trót rút BHXH 1 lần trước đó vẫn có thể kịp thời gian đóng 15 năm BHXH, tạo điều kiện cho những người tham gia muộn (45 - 47 tuổi mới bắt đầu tham gia) hoặc tham gia không liên tục vẫn có thể tích lũy đủ 15 năm đóng BHXH để hưởng lương hưu hằng tháng.
Hiện nay, với điều kiện đủ 20 năm đóng BHXH để hưởng lương hưu được đánh giá là quá dài, điều này đã làm giảm động lực tham gia, gắn bó lâu dài để hưởng lương hưu của người lao động.
Kéo theo đó, rất nhiều người lao động đã không đủ kiên nhẫn mà rút BHXH 1 lần, làm ảnh hưởng tới cuộc sống sau này, đặc biệt là đối với những lao động bị mất sức lao động, không có nguồn thu khi về già dù đã có thời gian dài đóng BHXH trước đó.
Bình luận (0)