Trì trì chung cổ sơ trường dạ
Cảnh cảnh tinh hà dục thự thiên
Có thể hiểu, đại khái "Tiếng trống cầm canh chầm chậm, rời rạc báo hiệu đêm dài bắt đầu. Ánh sao lấp lánh trên sông Ngân như trời sắp sáng", nhà thơ Tản Đà đã dịch:
Tiếng canh tối tùng tùng điểm trống,
Năm canh dài chẳng giống đêm xưa.
Sông Ngân lấp lánh sao thưa,
Trời như muốn sáng, sao chưa sáng trời?
Riêng hai câu sau, nhà thơ Khương Hữu Dụng cho là tuyệt diệu, vì vậy đến phiên mình dịch, phải làm sao? Ông đã học theo cách láy của Tản Đà nhưng đổi từ "lấp lánh" ra "lấp lóa":
Chầm chậm hồi chuông, hồi trống điểm,
Đêm nay mới biết cái đêm dài.
Sông Ngân lấp lóa trời như sáng,
Muốn sáng mà sao chửa sáng trời.
Lấp lóa/lấp lánh có gì khác nhau? Khi Tản Đà dùng từ "Sông Ngân lấp lánh sao thưa" tức là sao đang "nhấp nhánh", từ điển cũng ghi nhận từ tương đương "lấp loáng", là sáng lóng lánh, là phát ra liên tục thứ ánh sáng lúc đậm khi nhạt, sáng chớp chớp tạo cảm giác dễ chịu. Còn "Sông Ngân lấp lóa trời chưa sáng" dù cũng phát liên tục nhưng ánh sáng khi ngắn lúc dài nhưng gây cảm giác lóa mắt/chói mắt. Xét ra, câu thơ của Tản Đà khiến ta cảm nhận "dịu mắt" hơn.
Dù sao từ "lấp lóa" đã hay rồi chứ gì? Không đâu, sau nhiều năm ông Khương Hữu Dụng đọc lại vẫn chưa ưng ý vì cảm thấy từ "chửa" nặng nề quá, dù cũng hiểu là "chưa", ông đổi qua từ "chẳng". Và, phải làm thế nào để bày tỏ được cái sự sốt ruột của ông Đường Minh Hoàng, dù đã nghe "Tiếng canh tối tùng tùng điểm trống"; đã thấy "Sông Ngân lấp lánh sao thưa", thế mà trời vẫn chưa chịu sáng? Với tâm trạng này, câu thơ "Muốn sáng mà sao chẳng sáng, Trời" bất lực, không thể bật lên cái ý đó.
Nói như nhà thơ Huy Cận, sau nhiều lần "Nung nấu tâm can, vò võ trán", ông Khương đã tìm được cách "hóa giải" hết sức hữu dụng: "Muốn sáng mà sao chẳng sáng, Trời!". Như vậy, tìm ra dấu "phẩy" ấy là cả quá trình sàng lọc chữ nghĩa ngót nghét 30 năm ròng. Dấu "phẩy" ấy khiến ta có cảm tưởng như đang nghe tiếng thốt ra với sự bực bội. Thế mới biết, nhà thơ Khương Hữu Dụng cẩn trọng chữ nghĩa biết dường nào.
"Lửa thiêng" là tập thơ đầu tay của Huy Cận, trong đó có bài thơ nổi tiếng "Tràng giang", được đưa vào sách giáo khoa. Câu thơ cuối trong khổ thơ đầu "Củi một cành khô lạc mấy dòng" giàu hình ảnh, rất tài hoa, nhiều người nhớ mãi. Nhưng ít ai biết rằng để có được câu thơ đó, ông đã thể nghiệm qua nhiều câu thơ khác nhau: "Một cánh bèo trôi đã lạc dòng; Một cánh bèo đơn lạnh giữa dòng; Một chút bèo đơn lạnh giữa dòng; Một cánh bèo đơn lạc giữa dòng; Một gót bèo xanh lạc mấy dòng; Củi một cành xuôi lạc mấy dòng…". Và cuối cùng, ông mới chọn được câu thơ như ta đã biết. Trong bài "Nhạc sầu" có câu thơ mà ban đầu ông viết:
Ai chết đó? Nhạc buồn chi lắm thế
Chiều đìu hiu, đời rét mướt ngoài đường
Sau, ông sửa thành "Chiều hắt hiu...", cũng chưa ưng ý lắm, ông lại sửa "Chiều mồ côi, đời rét mướt ngoài đường". Quả thật, hai chữ "mồ côi" mới đắt giá hơn nhiều vì nó vẽ lên được cảnh hắt hiu và ảm đạm của buổi chiều buồn. Trong bài "Chiều xưa", có câu:
Ngàn năm sực tỉnh lê thê
Trên thành son nhạt chiều mê mải sầu
đã là câu thơ hay, nhưng sau đó Huy Cận sửa cho hay hơn nữa "Trên thành son nhạt chiều tê tái sầu". Nhà thơ Xuân Diệu nghe xong góp ý nên sửa: "Trên thành son nhạt chiều tê cúi đầu". Rõ ràng, câu thơ này không chỉ âm vang hơn mà chứa đựng cả "chiều tê tái sầu"...
Vậy, sử dụng tiếng Việt, tùy vào ngữ cảnh cụ thể, chọn lấy từ nào đắt giá nhất không dễ dàng!
Bình luận (0)