Phần đông quần chúng nhìn vào các đảng viên đó với thái độ nể trọng, kỳ vọng, nên ra sức bảo vệ, che chở và giúp đỡ. Không có người dân thì tổ chức Đảng dù mạnh, dù đông, dù bí mật, dù cẩn trọng… cũng khó tồn tại và phát huy vai trò trong điều kiện luôn bị kẻ thù săn đuổi. Khi đó, bản thân đảng viên có thể không "vỗ ngực xưng tên" mình là người của Đảng, nhưng nhận thức và hành động đều vì lợi ích của dân tộc, của đất nước, thì xứng đáng nhận được sự kính trọng, tin yêu của nhân dân.
Trong thời kỳ Đảng cầm quyền, nhiều đảng viên thể hiện rõ sự tận tụy vì lợi ích của nhân dân, luôn thực hành lời dạy của Bác Hồ, làm bất cứ việc gì cũng đừng nghĩ đến mình trước, khi hưởng thụ thì mình nên sau, phải lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ.
Nhiều người luôn nghĩ cách thức nào có thể chăm lo nhiều nhất cho nhân dân, phục vụ được nhiều người dân nhất, đem lại lợi ích tốt nhất cho xã hội. Những "vượt rào", "bung ra", "thử nghiệm"… thời kỳ trước đổi mới đều là những sáng tạo đột phá của các đảng viên hết lòng hết sức vì dân.
Hay hiện nay, những đảng viên được tuyên dương điển hình học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh phần nhiều cũng là người quan tâm phục vụ nhân dân. Đó là những người được dân tin tưởng, yêu mến và vì thế, mỗi người có thể tự hào về "danh hiệu" đảng viên cộng sản của mình.
Tuy nhiên, thời nào cũng có những đảng viên suy thoái, hư hỏng, biến chất, ở nhiều hình thức, nhiều trạng thái. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã nêu: "Một bộ phận cán bộ, đảng viên phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, ngại khó, ngại khổ, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa'".
Bên cạnh đó, một số đảng viên còn có biểu hiện quan liêu, có cuộc sống xa hoa, cách biệt với số đông quần chúng, tự tạo thành một tầng lớp khác biệt với số đông, kể cả tự cho mình có đặc quyền đặc lợi. Một số trường hợp bị xử lý bằng pháp luật, bằng kỷ luật của Đảng cũng như bị dư luận lên án.
Từ đó, quần chúng nhân dân nhìn vào tổ chức đảng, bộ máy nhà nước có khi không còn nguyên vẹn sự quý trọng, tin yêu như trước. Phải chăng chính điều đó làm một số đảng viên có phần không tự tin và tự hào rằng mình là người của Đảng?
Xét ở góc độ điều kiện để trở thành đảng viên, hiện nay vào Đảng là một sự phấn đấu, cùng với những yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn (như lịch sử chính trị, trình độ, năng lực, phẩm chất, động cơ…).
Dù hầu hết tổ chức Đảng đều đặt ra chỉ tiêu kết nạp đảng viên mới hằng năm nhưng không phải vì thế mà tự "làm dễ" hoặc xuê xoa việc xét kết nạp. Nhiều đảng viên mới được yêu cầu rất kỹ về tinh thần phấn đấu, việc viết lý lịch, viết đơn xin vào Đảng, nghiên cứu các lời tuyên thệ…
Nhờ vậy, tuyệt đại đa số các đảng viên mới được kết nạp đã thể hiện rõ phẩm chất của người đảng viên cộng sản và thực sự xứng đáng tư cách của người đảng viên cộng sản. Và những đảng viên đó hoàn toàn có quyền tự hào về tư cách đảng viên cũng như quá trình phấn đấu của mình.
Tuy vậy, một đảng viên ngày hôm qua còn trong sáng, còn được tôn trọng, còn đáng tự hào nếu không giữ gìn tư cách, phẩm chất thì ngày hôm nay có thể đã trở nên "chuyển hóa", bị coi thường, thậm chí bị phê phán.
Trạng thái đó có thể không chỉ thể hiện ở từng đảng viên mà còn ở các tổ chức Đảng, ở nhiều đảng viên khác. Một hiện tượng không phổ biến có thể bị đánh đồng ở nhiều trường hợp khác, từ đó làm tình cảm, thái độ của quần chúng nhân dân đối với từng đảng viên nói riêng và với Đảng nói chung không còn nguyên vẹn.
Hay hiện tượng vụ lợi cá nhân, động cơ thiếu trong sáng trong quá trình phấn đấu và thể hiện vai trò đảng viên cũng có thể làm hình ảnh người đảng viên ít nhiều bị ảnh hưởng. Và, từ đây sự tha thiết của từng đảng viên đối với Đảng cũng có thể bị giảm sút, rồi lòng tự hào về "danh hiệu" đảng viên của mình cũng không còn!
Do đó, từng người, nếu quyết tâm rèn luyện, giữ gìn lý tưởng, phẩm chất, tư cách của người đảng viên, nếu luôn khẳng định tinh thần "vì nhân dân phục vụ" của mình thì hoàn toàn có thể tự hào vai trò đảng viên của mình. Sự tự hào đó không chỉ mang tính cá nhân mà còn mang tính tổ chức, tính giai cấp!
Bình luận (0)