Hồi tháng 4-2016, Bộ Khoa học Công nghệ Hàn Quốc từng ra cảnh báo sau khi phát hiện Triều Tiên phá sóng định vị GPS khiến nhiều tàu thuyền và các chuyến bay nội địa của Seoul tê liệt.
Đơn vị tuyệt mật
Một quan chức chính phủ cấp cao của Seoul cho biết Triều Tiên đã liên tục truyền sóng radio tới khu vực thủ đô Seoul để phá GPS từ hơn 1 tháng trước đó. Các khu vực bị ảnh hưởng gồm Incheon, Gyeonggi và Gangwon.
Khoảng 746 máy bay, 621 tàu thuyền cùng nhiều người Hàn Quốc dùng điện thoại di động bị ảnh hưởng trong lần “xuất kích” tác chiến điện tử này. Quân đội Hàn Quốc trước đó đã tuyên bố sẵn sàng đối phó với cuộc chiến GPS của Triều Tiên khi chính quyền Bình Nhưỡng phản ứng vô cùng gay gắt với cuộc tập trận chung thường niên giữa quân đội Hàn Quốc và Mỹ lúc bấy giờ. Theo giới tình báo Hàn Quốc, Triều Tiên dường như đã phát động một cuộc tổng tấn công GPS và phóng ra sóng radio ở mức độ lớn nhất từ trước tới nay.
Hãng thông tấn Yonhap (Hàn Quốc) cho biết Đơn vị 121 - còn được biết đến với cái tên Đơn vị Chỉ huy chiến tranh mạng - của Triều Tiên chính là “tác giả” các chiến dịch phá sóng GPS lợi hại này. Giới chức tình báo ước tính đơn vị tuyệt mật này quy tụ những cá nhân ưu tú nhất với khoảng 3.000 thành viên, có trụ sở tại Học viện Quân sự Kim Nhật Thành. Truyền thông Mỹ cho rằng Đơn vị 121 hoạt động theo lệnh của nhà lãnh đạo Kim Jong-un và Cục Do thám quốc gia Triều Tiên.
Từ những năm 2011, giới chức tình báo Hàn Quốc đã phát hiện Đơn vị 121 phát triển nhiều công cụ phá sóng GPS với tầm hoạt động vượt quá 100 km. Sự lợi hại của công cụ tác chiến điện tử của Triều Tiên đã tiến xa tới đâu vẫn chưa được xác định. Hồi năm 2010, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cảnh báo Triều Tiên đã tiếp nhận một thiết bị làm nhiễu do Nga sản xuất, có khả năng làm gián đoạn các hệ thống dẫn đường trên vũ khí. Bình Nhưỡng được cho là đã tiếp nhận tổng cộng khoảng 20 loại công cụ phá sóng radar và thông tin liên lạc từ Liên Xô cũ. Chúng được tích hợp với các phương tiện di chuyển ở khu vực gần Đường ranh giới quân sự (MDL) - còn gọi là khu vực ngừng bắn, là biên giới giữa Bắc Triều Tiên và Hàn Quốc. Trong khi đó, một công dân Triều Tiên đào thoát sang Hàn Quốc có tên Song Il Choi tiết lộ rằng Bình Nhưỡng từng mua một số thiết bị phá sóng của Israel hồi năm 2013. Những thiết bị này giúp họ chặn thông tin liên lạc và tạo ra những vùng lặng - không có bất cứ kết nối điện thoại hay internet.
Thực ra các chiến dịch tấn công mạng mới thực sự là “đặc sản” của Đơn vị 121. Phát biểu trong một phiên điều trần hồi tháng 4 trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ, Tướng Vincent Brooks, chỉ huy quân đội Mỹ đồn trú ở Hàn Quốc, nhấn mạnh Triều Tiên đang sở hữu một trong những đội ngũ tin tặc giỏi nhất thế giới. Ông cho rằng các loại khí tài quân sự già nua mà Triều Tiên sở hữu có thể không phải đối thủ so với vũ khí hiện đại của Mỹ. Do đó, tấn công mạng là giải pháp đỡ tốn kém mà vẫn gây thương tích cho những “gã khổng lồ Goliath” như Mỹ hay Hàn Quốc.
Chiến binh bàn phím
Hồi năm 2014, thế giới vẫn tỏ ra ngờ vực khi hãng Sony Pictures tuyên bố điều tra nghi án bị Triều Tiên tấn công mạng trong khi chuẩn bị trình làng bộ phim hài “The Interview” mang nội dung ám sát nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Phần lớn dư luận cho rằng một đất nước nghèo nàn, lạc hậu như Triều Tiên lấy đâu ra năng lực công nghệ hiện đại có thể xuyên thủng mạng lưới máy tính một hãng lớn như Sony Pictures.
Việc quy trách nhiệm các cuộc tấn công mạng cho bất cứ quốc gia nào cũng không hề dễ dàng bởi các tin tặc thường ẩn sau những máy chủ khó xác định và ngụy trang các dấu vết cực kỳ tinh vi. Tuy nhiên, giới chức tình báo Mỹ khẳng định với báo Washington Post rằng họ chắc chắn 99% Triều Tiên đứng sau vụ tấn công. Đến nay, đây vẫn được ghi nhận là vụ tấn công mạng đình đám nhất của Đơn vị 121. Một tiết lộ của kênh CNBC (Mỹ) khiến nhiều người không khỏi sửng sốt rằng đất nước mà phần lớn người dân đều chưa biết tới chiếc máy tính này đã bắt đầu huấn luyện các chiến binh mạng từ những năm 1980. Giám đốc Cơ quan An ninh quốc phòng của Hàn Quốc Cho Hyun Chun hồi năm ngoái gọi Triều Tiên là một cường quốc mạng toàn cầu, đang tập trung tăng cường năng lực chiến tranh mạng ở mức độ đáng báo động. Ông này cho biết hiện Bình Nhưỡng sở hữu khoảng 1.700 tin tặc lão luyện trong khi một người Triều Tiên đào thoát sang Hàn Quốc tiết lộ với BBC rằng Bình Nhưỡng có một đội quân tin tặc khoảng 6.000 thành viên và dành 20% ngân sách quốc phòng cho chiến tranh mạng. Một số nguồn tin nói rằng không ít tin tặc của Triều Tiên được đào tạo từ Trung Quốc.
Hồi tháng 9-2015, Hàn Quốc thông báo các cơ quan chính phủ nước này hứng chịu hơn 114.000 vụ tấn công mạng từ năm 2011. Theo hãng tin Reuters, nước này đang xây dựng một đội “chiến binh bàn phím” chỉ chuyên đối phó với tấn công mạng từ Triều Tiên. Đại học Hàn Quốc tại Seoul với sự đầu tư của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc từ năm 2011 đã bắt tay vào đào tạo đội quân đặc biệt này. Các thành viên tham gia đều được giữ danh tính bí mật tuyệt đối, họ không phải trả học phí; đổi lại, họ phải cam kết phục vụ trong quân đội 7 năm. Ngoài ra, mỗi người còn được cấp học bổng 500.000 won (tương đương 427 USD/tháng).
Phát triển bom xung điện từ
Cho tới nay, Bình Nhưỡng đã ít nhất 3 lần bị tố gây nhiễu loạn GPS của Hàn Quốc. Nhiều thiết bị quân sự của Hàn Quốc vẫn còn đang tích hợp với GPS thương mại chứ không phải GPS đặc biệt cho quân sự nên dễ bị tổn thương trước chiến dịch chiến tranh điện tử của Bình Nhưỡng. Hàn Quốc đã nhiều lần đề nghị Mỹ trợ giúp sử dụng GPS quân sự chuyên dụng cho một số tên lửa tầm xa nhưng Washington vẫn chưa chấp thuận. Theo báo Korea Herald của Hàn Quốc, nhiều khả năng Triều Triên đang phát triển cả bom xung điện từ (EMP) có khả năng gây nhiễu các thiết bị điện thông qua sự bức xạ điện từ đột biến.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 23-6
Bình luận (0)