Với chương trình này, các lớp học dưới có nội dung tích hợp cao, còn các lớp học trên có xu hướng phân hóa rõ dần. Nội dung dạy học và chuẩn đầu ra đối với mỗi nội dung thể hiện yêu cầu về phẩm chất, năng lực mà học sinh cần đạt. Trên tinh thần đó, Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo các địa phương cùng quyết tâm thực hiện.
TP HCM dù có nhiều thuận lợi nhưng cũng gặp không ít khó khăn khi triển khai Chương trình 2018 bởi đặc thù là đô thị đông dân, số học sinh tăng cơ học hằng năm rất lớn, việc triển khai chương trình 2 buổi/ngày còn hạn chế... Ngành GD-ĐT thành phố đã triển khai nhiều chương trình, dự án hỗ trợ thầy cô thay đổi phương pháp giảng dạy. Chẳng hạn, tập huấn mạng lưới giáo viên cốt cán nói riêng và đội ngũ giáo viên nói chung để triển khai nhiều phương pháp dạy học tích cực, tăng cường vận dụng công nghệ... TP HCM cũng từng bước xây dựng, mở rộng nghiên cứu khoa học trong học sinh, đưa STEM thành một phương thức giảng dạy gắn với Chương trình 2018.
Triển khai Nghị quyết 29/2013, ngành GD-ĐT TP HCM đã vận dụng nhiều quan điểm mới vào giảng dạy hằng ngày, như: lớp học mở; tiết học ngoài lớp học, ngoài nhà trường; sinh hoạt chuyên môn, nghiên cứu bài học. Bên cạnh đó, quan niệm sách giáo khoa không còn là "pháp lệnh", đặc biệt đối với khối tiểu học.
Áp lực trong việc bảo đảm không "cháy giáo án", dự giờ đánh giá... dần mất đi; thay vào đó là sự chủ động, linh hoạt và đa dạng hình thức giảng dạy. Hình ảnh về thầy và trò cùng tổ chức học tập dưới sân trường hay ngoài khuôn viên nhà trường; hình ảnh học sinh học tập, làm việc nhóm, phỏng vấn, trao đổi để thực hiện nhiệm vụ... đã trở thành quen thuộc.
10 năm qua, giáo viên đã được tham gia nhiều đợt tập huấn trực tiếp, trực tuyến kết hợp trực tiếp, qua đó có sự tự tin, chủ động trong lựa chọn phương pháp giảng dạy tích cực, phù hợp với điều kiện của nhà trường. Không ít giáo viên đã tích cực lan tỏa năng lượng, kinh nghiệm đổi mới phương pháp giảng dạy, kiểm tra, đánh giá... Nhờ đó, thầy cô nhận thấy có sự chuẩn bị phù hợp trong việc triển khai Chương trình 2018, không quá khó khăn khi tiếp cận sự đổi mới căn bản.
Việc đổi mới phương pháp giáo dục, kiểm tra, đánh giá đến từ chính sự chủ động, mong muốn của các thầy cô ở tất cả bậc học trên địa bàn TP HCM, đúng với triết lý "người thầy là linh hồn của cải cách, đổi mới". Nhờ vậy, ngành GD-ĐT đã thực hiện tốt chủ trương đổi mới.
Sự đổi mới của thầy cô xuất phát từ nhận thức và hành động nhằm mang lại những gì tốt đẹp nhất cho học sinh, đáp ứng mong mỏi của người dân TP HCM; chuẩn bị cho các em hành trang về kiến thức, năng lực, phẩm chất, kỹ năng đủ để phát triển bản thân, hội nhập với khu vực và quốc tế. Sự đổi mới này cũng nhằm thực hiện mong muốn học sinh đến trường được học tập, sinh hoạt trong môi trường hạnh phúc, tích cực, năng động và mỗi ngày đến trường là một ngày vui.
Bình luận (0)