xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Ước mơ của quần đảo Hải Tặc

Bài và ảnh: Lương Duy Cường

Đời sống của người dân ở quần đảo Hải Tặc đã khởi sắc rất nhiều, đặc biệt từ khi dự án đường dây trên không vượt biển hoàn thành và đưa vào sử dụng

Hẹn mãi, rốt cuộc chúng tôi cũng thu xếp được thời gian rời phố xá để về với quần đảo Hải Tặc - nơi biển Tây Tổ quốc. Đón chúng tôi ở TP Hà Tiên là Linh mục Nguyễn Đức Thịnh - người đang trực tiếp quản nhiệm Giáo xứ Hà Tiên và là một độc giả lâu năm của Báo Người Lao Động.

Cảnh sắc độc đáo

Đến Hà Tiên lần đầu, cảm giác trong tôi là thành phố tuy nhỏ nhưng rất đẹp. Cầu Tô Châu vắt ngang sông Giang Thạnh ở ngay đoạn thắt eo hẹp nhất của sông, trước khi bất ngờ tỏa rộng mênh mang rồi hòa vào biển cả.

Đứng trên đỉnh cầu lộng gió, ngắm mây tràn qua phố, lòng bỗng thổn thức khi cái đẹp của thiên tạo cứ hiện ra trong tầm mắt, với những bãi biển rất đẹp của vịnh Ba Hòn, Thuận Yến hay Mũi Nai, núi Đá Dựng.

Ước mơ của quần đảo Hải Tặc- Ảnh 1.

Đoạn bờ biển ngang qua trung tâm xã Tiên Hải đã được xây kè chắn sóng kiên cố

Hèn gì gần 300 năm trước, dưới thời cai trị của Mạc Thiên Tứ, dẫu phố xá chưa sầm uất như bây giờ nhưng cũng đủ cho tâm hồn thi sĩ của Mạc Thiên Tứ "tức cảnh sinh tình", để hậu thế có được tập thơ chữ Hán "Hà Tiên thập vịnh" với 320 bài thơ thất ngôn bát cú vịnh cảnh Hà Tiên - là kết quả của một cuộc xướng họa vô tiền khoáng hậu trên văn đàn, với khởi điểm là 10 bài xướng của chủ soái Tao đàn Chiêu Anh Các - chính là Mạc Thiên Tứ.

Chuyến tàu khách cao tốc nối trung tâm TP Hà Tiên với xã đảo Tiên Hải (nơi có quần đảo Hải Tặc) khởi hành khi những tia nắng đầu tiên nhuộm vàng từng con sóng. Hóa ra, nếu không có Linh mục Nguyễn Đức Thịnh chu đáo đặt sẵn vé thì chúng tôi cũng không dễ đi được bằng chuyến tàu đầu ngày. Vì mỗi ngày có 2 chuyến ra vào nhưng đó là phương tiện chủ lực nhất nối đất liền với đảo, mà du khách ra Tiên Hải bây giờ thì ngày càng đông.

Chừng 40 phút lướt như bay trên sóng, Tiên Hải đã hiện ra trước mắt chúng tôi với đảo Hòn Tre (còn gọi là Hòn Đốc) - trung tâm của xã Tiên Hải. Đó là một ngọn núi xanh, đột khởi giữa biển khơi với những cụm dân cư và các trụ sở hành chính viền quanh mép đảo.

Ước mơ của quần đảo Hải Tặc- Ảnh 2.

Trung tâm hành chính xã Tiên Hải tại Hòn Tre

Tàu cập cảng ngay trung tâm xã. Cảm giác đầu tiên là không khí nhộp nhịp nhưng không xô bồ. Nhiều nhóm du khách hào hứng thong thả đạp xe trên con đường bê-tông độc đạo khép một vòng quanh chu vi đảo. Hàng quán mở sát lề phải đường với nhiều quầy tạp hóa và sạp bán rau quả, hải sản. Phía lề trái đường là biển trải ra xanh ngắt, nhiều đoạn đang được tháo dỡ quán xá - dấu hiệu của một cuộc tân trang quy mô cho không gian sống hiện đại của đảo.

Nhà thờ giáo họ Phanxicô Xaviê, được xây dựng vào năm 2017, là cơ sở tôn giáo quy mô nhất ở xã đảo này. Sân nhà thờ được tôn cao đến lưng chừng núi nên tầm mắt từ đây bao quát cả một vùng biển rộng lớn. Cái phần tôn cao ấy, Linh mục Nguyễn Đức Thịnh cho biết là để làm bể chứa nước mưa, khoảng 300 m2.

Từ sân nhà thờ, Linh mục Nguyễn Đức Thịnh chỉ cho tôi thấy Hòn Giang - đảo lớn thứ hai sau Hòn Tre, nơi đang có khoảng 30 hộ dân sinh sống. Một loạt đảo nữa hoặc chỉ có vài hộ dân hoặc không có người ở, với những cái tên ngồ ngộ như Hòn Đước, Hòn Ụ, Bánh Tét, Bánh Ít, Hòn Ruồi, Bánh Lái, Kiến Vàng, Bánh Quy, Bánh Tổ...

Cả quần đảo này có tới 18 đảo riêng biệt nhưng vì có 2 đảo chìm nên nhiều người nhầm chỉ có 16 đảo. Lúc trời quang đãng, nắng đẹp, đứng từ sân nhà thờ thấy cuối tầm mắt là những cụm nhà ven biển của nước bạn Campuchia, như kẻ một vệt trắng mờ.

Du lịch cộng đồng phát triển

Bữa cơm tối đầu tiên mà Linh mục Nguyễn Đức Thịnh đãi chúng tôi trên quần đảo Hải Tặc được dọn luôn trong phòng bếp của nhà thờ, sau giờ lễ chiều, có cả mấy vị chức sắc trong giáo xứ và một nữ cán bộ cốt cán của xã tham dự.

Trò chuyện với nữ cán bộ này, chúng tôi mới biết cả xã chỉ có trên dưới 500 hộ dân với hơn 2.000 người tập trung sinh sống, chủ yếu là khai thác đánh bắt, nuôi trồng thủy sản. Để phát triển kinh tế cho xã này, tỉnh Kiên Giang cũng như TP Hà Tiên từng triển khai nhiều chương trình. Chẳng hạn như Đề án phát triển du lịch cộng đồng xã Tiên Hải giai đoạn 2014 - 2020.

Ước mơ của quần đảo Hải Tặc- Ảnh 3.

Du khách chụp ảnh lưu niệm tại quần đảo Hải Tặc

Rồi quần đảo Hải Tặc cũng được UBND tỉnh Kiên Giang ban hành quyết định công nhận là khu du lịch địa phương, nhằm tạo thêm điều kiện thuận lợi cho Tiên Hải nói riêng và TP Hà Tiên nói chung phát triển du lịch hiệu quả.

Tiên Hải có một ban quản lý du lịch cộng đồng tập trung tuyên truyền nội dung đề án phát triển du lịch đến từng hộ dân nhằm tạo sự đồng thuận cao. Qua đó, chọn những hộ dân đủ điều kiện cơ sở vật chất tham gia đề án phục vụ khách du lịch như: ẩm thực địa phương, lưu trú, hướng dẫn tham quan các đảo, câu cá giải trí, thăm trải nghiệm nuôi cá lồng bè trên biển…

Những hộ dân tham gia đề án du lịch được xã tạo điều kiện cho vay vốn đầu tư cơ sở vật chất làm du lịch cộng đồng như xây dựng, nâng cấp nhà nghỉ, ẩm thực, du thuyền, trang thiết bị...; tập huấn phục vụ du lịch, du lịch cộng đồng có trách nhiệm, dịch vụ kinh doanh ăn uống, lưu trú nhà dân và đầu tư mở một số tuyến du lịch.

Nay thì Tiên Hải tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất, gắn phát triển du lịch cộng đồng với xây dựng nông thôn mới, nên mới có việc giải tỏa di dời một số công trình mà trên đường đi chúng tôi đã thấy.

Đời sống mọi mặt ở Tiên Hải giờ đã khởi sắc rất nhiều. Đặc biệt là kể từ năm 2019, khi dự án đầu tư xây dựng đường dây trên không vượt biển do Tổng Công ty Điện lực miền Nam thực hiện hoàn thành, với tổng mức đầu tư hơn 182 tỉ đồng. Có điện, các hoạt động kinh tế, xã hội, dịch vụ du lịch phát triển nhanh chóng.

Ước mơ của quần đảo Hải Tặc- Ảnh 4.

Một đoạn đường ở khu trung tâm xa Tiên Hải

Dọc đường bê-tông vòng quanh đảo Hòn Tre là những bảng thông tin kêu gọi người dân chung tay xây dựng đời sống văn hóa, chăm lo việc học, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân… Mấy hôm lưu trú ở đảo, chúng tôi không cảm nhận được gì về nỗi ám ảnh trước đó qua những chuyện kể về các nhóm cướp từng hoành hành trên vùng biển này, trong các thế kỷ XVII, XVIII.

Nhiều tài liệu cũng ghi rằng Hà Tiên từng bị nhiều trận cướp phá của những đảng phái ngoài vịnh Xiêm La; rồi năm 1747, cướp biển chặn thuyền chở tặng vật của chúa Nguyễn... Vịnh Xiêm La ấy chính là vịnh Thái Lan ngày nay - nơi có quần đảo Hải Tặc. Những gì của quần đảo Hải Tặc trước mắt tôi là vùng trọng điểm về du lịch của vùng biển Hà Tiên. Vì không chỉ ở Hòn Tre mà ở các đảo khác cũng đang giữ được nhiều nét hoang sơ, trong lành… Nhiều bãi cát trắng chạy dọc dưới chân những cánh rừng xanh nguyên sinh. Hải sản thì ngon và rẻ đến bất ngờ.

Đau đáu chuyện học hành của trẻ

Những gì tâm trạng nhất, mà trong các cuộc trà dư tửu hậu tôi được nghe dân cư nơi này bày tỏ, là ở chuyện nước và học.

Cả xã Tiên Hải nằm trọn giữa biển nước mênh mông nhưng là nước mặn, chứ nước ngọt thì đúng nghĩa "khát". Không đâu có thể khoan được nguồn nước ngọt, ngoại trừ đảo Hòn Giang. Chính quyền cũng đã đầu tư một hồ chứa rất lớn trên núi ở Hòn Tre, để trữ nước mưa nhưng dè sẻn lắm cũng chỉ đủ dùng cho ăn uống, không thể phục vụ được cho nhu cầu sản xuất và chế biến của một vùng trọng điểm nghề biển.

Ước mơ của quần đảo Hải Tặc- Ảnh 5.

Bến tàu khách cao tốc ở đảo Hòn Tre

Chuyện ở Tiên Hải dân có lúc phải chi vài triệu đồng/hộ/tháng/để mua nước ngọt không phải là tếu táo cho vui. Bởi vậy, mơ ước của chính quyền cũng như người dân nơi đây là nhà nước đầu tư thêm một dự án kéo nước sạch từ đất liền ra, như đã đầu tư đường dây tải điện, thì Tiên Hải thực sự sẽ có cơ hội để thành "thiên đường" du lịch biển. Dự án thì nghe nói có nhưng chuyện kinh phí bao giờ có mới quan trọng.

Rồi chuyện học. Con em Tiên Hải giờ này muốn học lên cấp THPT thì phải vượt biển vào đất liền. Mà chuyện tiểu học vẫn khó, vì chỉ có một cơ sở ở Hòn Tre, con em các đảo khác muốn học thì phải vượt biển đến đó trọ học.

Ước mơ của quần đảo Hải Tặc- Ảnh 6.

Một góc nhìn từ Hòn Tre ra biển

Hôm chúng tôi thăm đảo Hòn Giang, thấy có một điểm trường nằm ngay mép biển. Nói điểm trường nhưng chỉ có một lớp học, chừng 15 học trò, từ mẫu giáo đến lớp 4 học chung. Giáo viên đứng lớp là thầy Trường, cứ quay vào tấm bảng gắn trên tường phía bên này dạy cho nhóm lớp 4 xong, lại quay sang phía khác dạy cho nhóm lớp 3, rồi lớp 2…

Nhưng chỉ vài tháng sau khi chúng tôi chia tay Tiên Hải thì lớp học ở Hòn Giang cũng không còn, vì thầy Trường đã chia tay đảo, quay về lại đất liền, số học sinh này may mắn được một nhóm nữ tu tình nguyện nhận để dạy chữ. 

Nhờ môi trường đang được gìn giữ khá tốt, nên vùng biển ở quần đảo Hải Tặc rất lý tưởng cho những ai thích tắm biển và khám phá. Thú vị nhất là trực tiếp lặn biển để mò nhum (cầu gai) với vô số gai nhọn tua tủa nhưng bù lại là đem nướng muối ớt, mỡ hành thì rất ngon.


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo