Theo mô tả của The New York Times, những người đàn ông có vũ trang tấn công tàu, rút nhiên liệu cho vào sà lan hoặc tàu chở dầu khác và rút đi trong đêm. Trong một vụ xảy ra vào cuối tháng 5, những kẻ có vũ trang “mặc trang phục màu đen kiểu như ninja” và trông rất chuyên nghiệp, theo lời ông Noel Choong, giám đốc Trung tâm khu vực về cướp biển, thuộc Văn phòng Hàng hải Quốc tế ( BMI ) có trụ sở tại Malaysia.
Hai trong số những vụ cướp xảy ra gần “cái nôi”của hầu hết các hoạt động sản xuất khí đốt tự nhiên ở ngoài khơi Malaysia, trong vùng biển mà Trung Quốc đưa ra yêu sách chủ quyền ngày càng quyết liệt.
Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol), cơ quan tình báo và lực lượng quân sự trong khu vực đang điều tra 8 tấn công, gần đây nhất xảy ra vào ngày 4-7, đồng thời cố gắng tìm ra cách ngăn chặn chuyện này. 7 vụ xảy ra gần Malaysia, trong đó có 2 vụ trong vùng biển gần bãi cạn James, và 1 xảy ra không xa quần đảo Anambas của Indonesia.
“Mọi người đều lo ngại về các vụ tấn công này vì ai cũng biết rằng tình hình sẽ còn tồi tệ hơn, giống như những gì diễn ra ở Somalia” - ông Noel Choong khẳng định. Một mục tiêu của cuộc điều tra là để xác định xem liệu khí đốt có đang được bán cho bọn tội phạm hay không hoặc đang được sử dụng để tài trợ cho các hoạt động chính trị, thậm chí có thể là khủng bố. Những tên cướp biển trong khu vực biển Đông phần nhiều được trang bị súng ngắn hoặc thậm chí dao phay. Chưa có bất cứ báo cáo về người thiệt mạng trong các vụ cướp nhưng 3 thủy thủ đoàn của một tàu chở dầu bị bắt cóc đến nay vẫn bặt tăm.
Ngoài ra, nhiều tàu chở hàng hóa cũng trở thành nạn nhân. BMI cho biết hầu hết vụ tấn công xảy ra ở vùng biển mênh mông của Indonesia nhắm vào những tàu chở hàng hóa giá trị thấp. Tình trạng các vụ tấn công này xảy ra ngày càng nhiều khiến các chuyên gia lo ngại là sẽ lại có nhiều vụ hải tặc có vũ trang cướp các tàu và bắt con tin đòi tiền chuộc như vẫn thường xảy ra ở Đông Nam Á cách đây 10 năm.
Bình luận (0)