Ngày 26-7, bộ phim "Mắt biển" của đạo diễn Đặng Thái Huyền chính thức công chiếu tại các cụm rạp trên toàn quốc nhân kỷ niệm ngày Thương binh - Liệt sĩ 27-7. Nổi bật trong phim là hình ảnh người phụ nữ Việt Nam với sự hy sinh thầm lặng nơi hậu phương suốt chuỗi ngày mòn mỏi chờ đợi những người trai xông pha nơi chiến trường. "Mắt biển" trở nên lạc lõng giữa những phim chiến tranh "bom tấn" đang gây sốt phòng vé "Cuộc di tản Dunkirk" (Mỹ) và sắp tới là "Đảo địa ngục" (điện ảnh Hàn Quốc) sắp tràn vào Việt Nam trong tháng 8.
"Món nợ" phim chiến tranh
Ở một đất nước mà chiến tranh là một phần của lịch sử, oai hùng và bi thương nhưng chúng ta lại thiếu vắng những tác phẩm điện ảnh "bom tấn" thời hiện đại hoặc nói cách khác là các phim "Cánh đồng hoang", "Bao giờ cho đến tháng mười"... đã làm xong nhiệm vụ lịch sử, không cứ đem hâm nóng hào quang quá khứ ấy mãi.
Đạo diễn Đặng Thái Huyền trên phim trường. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Được mệnh danh là đạo diễn của dòng phim chiến tranh, Đặng Thái Huyền thành công với rất nhiều phim điện ảnh và truyền hình về đề tài này, như: "13 bến nước", "Bản tình ca màu xanh", "Vũ khúc ánh trăng", "Đất lành", "Người trở về", "Bánh đúc có xương", "Để lại mùa Xuân", "Chung sức cho ngày toàn thắng", "Mắt biển", "Hóa thổ"… nhưng chị luôn trăn trở: "Nói đó là món nợ cũng đúng vì nhắc đến Việt Nam, không thể không nhắc đến chiến tranh. Đó là đề tài thực sự hấp dẫn của điện ảnh. Tại sao nước ngoài có không ít những bộ phim về chiến tranh thu hút khán giả, còn chúng ta lại không? Làm một tác phẩm điện ảnh về chiến tranh để khán giả xếp hàng đi xem là khao khát của không chỉ giới làm nghề mà còn cả của nhà nước. Nhưng các nhà làm phim của Việt Nam đang bị ràng buộc bởi rất nhiều thứ trong quá trình sáng tạo".
Nữ đạo diễn điện ảnh quân đội này nhận định: "Phim về chiến tranh của Việt Nam thiên về anh hùng ca, ca ngợi chiến công của tập thể mà ít nói về cá nhân. Tư tưởng này khống chế rất nhiều khâu sáng tạo; trong khi nghệ thuật cần một bầu trời rộng mở để tưởng tượng thì các nhà làm phim Việt lại đang bị bó buộc từ nhiều phía. Là đạo diễn, tôi muốn làm tác phẩm điện ảnh chiến tranh hướng đến giới trẻ. Tác phẩm của tôi chủ yếu miêu tả mối quan hệ giữa con người với con người, cuộc sống của họ ra sao khi cuộc chiến đi qua. Đó là phụ nữ, là trẻ em. Tất nhiên, khía cạnh này cũng rất nhiều người đã khai thác nhưng có chân thực hay không, có trọn vẹn hay không lại là một câu chuyện khác".
Đừng gọi là phim "cúng cụ"
"Chúng tôi luôn xác định rằng làm phim về chiến tranh là một con đường khó khăn. Việc những bộ phim như "Em chưa 18", "Em là bà nội của anh"… đạt doanh thu "khủng" chứng tỏ rằng làm những bộ phim về giới trẻ, tâm lý bao giờ cũng dễ được đón nhận. Nếu có lỗi cũng dễ được bỏ qua vì những bộ phim tình cảm như vậy làm gì có đúng - sai. Nhưng với dòng phim chiến tranh, hậu chiến lại khác. Không chỉ trải qua nhiều cấp kiểm duyệt mà khi ra rạp cũng phải đối diện với rất nhiều quan điểm trái chiều. Nếu làm chưa tới, chưa đủ thì bị chỉ trích ngay, còn làm khác lại bị cho là thi vị hóa" - đạo diễn Đặng Thái Huyền bộc bạch.
Nói về sự thiệt thòi của dòng phim chiến tranh, đạo diễn Đặng Thái Huyền cho rằng nhiều khi "áo gấm đi đêm" vì đâu có ai hay biết, truyền thông - báo chí cũng không để ý và hay gọi là phim "cúng cụ". "Ngay như phim "Người trở về", mặc dù được giải Cánh diều vàng nhưng khi công chiếu ở rạp trên toàn quốc vẫn rất nhiều người không hề biết, một số người vào xem chỉ vì tò mò, thấy "cũng đông đông", còn thực ra họ không hề có chủ đích xem phim từ trước" - đạo diễn Đặng Thái Huyền nói.
"Tại sao phim giải trí có thể hút khách mà phim chiến tranh lại không có những khái niệm mới để quảng bá. Chúng ta hoàn toàn có thể giới thiệu là phim "bom tấn" về đề tài chiến tranh như cách mà Mỹ đang làm với phim "Cuộc di tản Dunkirk" và sắp tới là Hàn Quốc khi quảng bá "Đảo địa ngục" - đạo diễn Đặng Thái Huyền đặt vấn đề.
Đúng là phim đề tài chiến tranh của Việt Nam lâu nay được làm bởi các hãng phim nhà nước nên chưa được chú trọng khâu quảng bá. Tuy nhiên, phim đề tài chiến tranh của Việt Nam vẫn chưa có phim đạt được chất lượng "bom tấn", do vậy khó gây chú ý với truyền thông và thu hút người xem.
Khao khát làm
Phim đề tài chiến tranh là nỗi sợ hãi của các nhà làm phim tư nhân bởi muốn làm, phải cần rất nhiều tiền và nguồn nhân lực giỏi nghề. Để quay được những cảnh chiến tranh quy mô, ác liệt, chi phí có thể ngốn đến hàng trăm tỉ đồng. Lỗ vốn là cầm chắc. Chưa kể nhà sản xuất phải trải qua bao thủ tục nhiêu khê khi đụng đến loại đề tài này. Vì vậy lâu nay, chỉ nhà nước đầu tư cho phim đề tài chiến tranh nhằm phục vụ chính trị nhưng ngân sách có hạn nên lúc có lúc không. Phim làm bằng vốn của nhà nước nên thường rơi vào tình cảnh làm cho có, "cha chung không ai khóc".
Đạo diễn Đặng Thái Huyền
Vẫn biết là "khó nhằn" nhưng Đặng Thái Huyền cho biết chị vẫn miệt mài với dòng phim chiến tranh thay vì đi con đường khác "dễ dàng hơn" và có thể mang lại thu nhập khả quan hơn. "Tôi chỉ nghĩ rằng nếu như chúng ta không làm thì ai làm, nếu chúng ta ngại thì ai sẽ trả món nợ đó? Tôi và một số ít đạo diễn biết là khó nhưng đó là trách nhiệm phải gánh vác" - đạo diễn Đặng Thái Huyền trăn trở.
Khao khát làm, đạo diễn Đặng Thái Huyền tin rằng nếu chỉ một người làm thì tác động ít nhưng từ 2 người làm trở lên, tinh thần đó lan tỏa tới thêm nhiều đạo diễn, nhà sản xuất hơn nữa. Tôi thấy có phim nhà nước đặt hàng cho tư nhân làm rất thành công, chẳng hạn phim: "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh".
Mỗi ngày quay là như "ra trận"
"Làm những bộ phim về chiến tranh với tâm trong sáng, tôi nghĩ sẽ luôn nhận được sự may mắn. Trong quá trình làm phim, có những thời điểm sức khỏe của tôi không tốt, nhiều lúc cũng muốn dừng lại nhưng có điều gì đó cứ thôi thúc mình phải làm tiếp. Trước mặt là những quả nổ, là sơ đồ nổ chờ mình bố trí. Mặc dù chúng tôi đã làm giảm tính sát thương xuống 1/10, thậm chí 1/20 so với ngày xưa nhưng tiếng nổ của bom đạn vẫn rất khủng khiếp. Đầu óc căng thẳng, tối về còn rất đau đầu và đau cả tim nữa. Thực sự là rất choáng, có như vậy mới biết chiến tranh khủng khiếp như thế nào" - đạo diễn Đặng Thái Huyền cho hay.
Đặng Thái Huyền cũng cho biết chị đang khao khát làm bộ phim về những chàng trai Hà Nội vào chiến trường Quảng Trị trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, để chiến đấu, hy sinh tính mạng vì hòa bình của Tổ quốc. "Tôi muốn thể hiện hình ảnh của họ thật nhất, gần gũi nhất, con người nhất" - Đặng Thái Huyền nói.
Bình luận (0)