Sáng 13-9, phóng viên Báo Người Lao Động đã nhận được lá thư trần tình mang nội dung xin lỗi NSƯT Kim Cương của ca sĩ Hương Lan – người thực hiện DVD cải lương Lá sầu riêng do Trung tâm Thúy Nga (Thúy Nga Paris) phát hành. Trưa cùng ngày, tại rạp Hưng Đạo, trong lúc đang tập vở Lá sầu riêng cho các nghệ sĩ Sân khấu Vàng Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, NSƯT Kim Cương cho biết chị cũng đã nhận được lá thư của ca sĩ Hương Lan.
Nhận lỗi
Trong thư, ca sĩ Hương Lan đã trình bày rất cụ thể nguyên nhân khiến cô thực hiện DVD cải lương Lá sầu riêng, cũng như trước cô đã có rất nhiều nghệ sĩ, tổ chức biểu diễn (bầu show) tại Mỹ đã thực hiện vở Lá sầu riêng. Gần đây nhất là bà Thúy Uyển – một nhà tổ chức chương trình cũng đã mời Hương Lan, Phượng Liên, Kim Tử Long, Hương Huyền... biểu diễn vở Lá sầu riêng tại quận Cam. Vì mong muốn được góp phần bảo lưu những giá trị nghệ thuật của dân tộc tại hải ngoại nên Hương Lan đã đề nghị quay hình vở diễn Lá sầu riêng để nhờ Trung tâm Thúy Nga phát hành.
Bằng thái độ nhận lỗi chân thành, ca sĩ Hương Lan đã viết: “Thật sự con không biết Hoàng Dũng là Kim Cương và khi hát tuồng Lá sầu riêng, con lại hát với bổn tuồng của chú Hà Triều mà con đã mua năm 1994 tại rạp Hưng Đạo. Chính vì vậy con không biết là con phải xin phép cô để được diễn hay quay vở cải lương Lá sầu riêng. Kính thưa cô, ở hải ngoại, mỗi khi nghệ sĩ, ca sĩ trong và ngoài nước cần đến, Trung tâm Thúy Nga sẵn sàng đại diện phát hành để sản phẩm của họ đến tay khán giả khắp nơi trên thế giới. DVD cải lương Lá sầu riêng cũng thế, Hương Lan đã nhờ đến Trung tâm Thúy Nga phát hành. Thực hiện cải lương hay hát cải lương ở hải ngoại vì Hương Lan yêu sân khấu cải lương và muốn góp phần nhỏ bé của mình để cải lương được nuôi dưỡng và tồn tại ở hải ngoại, chứ con không hề “kinh doanh cải lương” tại hải ngoại...”.
Ca sĩ Hương Lan đã nhắc lại những kỷ niệm khi được hát vai bé Sang trong vở kịch Lá sầu riêng những năm chị còn bé và vai Nga (vợ sắp cưới của nhân vật Sang) trong vở cải lương Lá sầu riêng của soạn giả Hà Triều (NV - chuyển thể từ kịch bản kịch nói Lá sầu riêng của Hoàng Dũng), khi cô cộng tác với Đoàn Cải lương Thanh Minh - Thanh Nga (lúc đó cố NSƯT Thanh Nga đóng vai Diệu). Cuối thư, ca sĩ Hương Lan khẳng định: “Không ai diễn kịch Lá sầu riêng vai Diệu hay và xuất sắc bằng cô Kim Cương, cũng như không ai diễn cải lương Lá sầu riêng vai Diệu hay bằng cô Thanh Nga trên sân khấu Thanh Minh - Thanh Nga năm 1975. Nghệ sĩ Hương Lan trần tình: “Xin cô nhận hết lời tâm sự của con và tùy cô quyết định. Và nếu đưa đến kiện tụng thì con là người chịu trách nhiệm hoàn toàn về DVD cải lương Lá sầu riêng của soạn giả Hà Triều”.
Lầm tưởng?
Theo chúng tôi nhận thấy, cho đến thời điểm này ca sĩ Hương Lan vẫn lầm tưởng kịch bản Lá sầu riêng của soạn giả Hà Triều không dính líu gì đến tác giả Hoàng Dũng. Và theo lời giải thích của NSƯT Kim Cương thì thời điểm sau năm 1963 – 1965, bà đã đồng ý lời đề nghị của bà bầu Thơ (chủ đoàn hát Thanh Minh - Thanh Nga) cho phép tác giả Hà Triều chuyển thể cải lương để nghệ sĩ Thanh Nga, Thành Được diễn.
Trả lời phóng viên Báo Người Lao Động sau buổi tập vở Lá sầu riêng tại rạp Hưng Đạo, NSƯT Kim Cương cho biết: “Tôi đã giao toàn quyền khởi kiện về vụ bản quyền này cho Vietcopyright. Sáng 14-9 (lúc 9 giờ), tôi và Vietcopyright sẽ tổ chức buổi họp báo nhằm thông báo chính thức tiến trình của vụ việc”.
Qua diễn biến của vụ vi phạm tác quyền vở Lá sầu riêng, có thể thấy ngay vấn đề bất cập đối với giới sáng tác nghệ thuật. Đó là sự thiếu chuyên nghiệp trong việc xin phép và được sự đồng ý của tác giả nên dẫn đến việc phải dẫn nhau ra tòa. Trong thư, ca sĩ Hương Lan cho biết đã được soạn giả Hà Triều đồng ý cho phép sử dụng kịch bản cải lương Lá sầu riêng năm 1994 tại rạp Hưng Đạo, thế nhưng không hề có chữ ký xác nhận của tác giả. Lại còn có chi tiết NSƯT Kim Cương đã đồng ý khi nghe ca sĩ Hương Lan “nói nhỏ” trong hậu trường đêm Tưởng nhớ NSND Bảy Nam (tại Nhà hát TP) rằng xin phép diễn vở Lá sầu riêng (?). Trên thực tế không có văn bản nào chứng thực hai điều này.
Hiện nay, theo quy định mới nhất của Cục Nghệ thuật Biểu diễn, Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch, tất cả các chương trình biểu diễn nghệ thuật và sản xuất, phát hành băng dĩa đều phải được sự đồng ý của các tác giả với bút tích ký nhận tiền tác quyền và cho phép cá nhân, đơn vị sản xuất được sử dụng để thực hiện băng dĩa phát hành. Vụ việc này cho thấy làng giải trí trong nước phải hướng tới tính chuyên nghiệp trong việc xác lập tác quyền và nghĩa vụ của người sử dụng, người sáng tác, dàn dựng, biểu diễn trước khi tác phẩm từ bản thảo được đưa đến công chúng thông qua một loại hình nghệ thuật nào.
Tác giả Hoàng Dũng là ai? Khi được Trung tâm Kỷ lục Việt Nam (Vietbook) xác lập kỷ lục và trao bằng chứng nhận kỷ lục “Nữ nghệ sĩ sáng tác nhiều kịch bản kịch nói nhất” cho NSƯT Kim Cương, chị đã giải thích vì sao chị ký bút danh Hoàng Dũng: “Đó là tên của con trai nuôi của tôi. Trên thực tế tôi không muốn để tên Kim Cương, vì mình vừa viết vừa dựng vừa diễn vừa quản lý Đoàn Kịch nói Kim Cương, không khéo thiên hạ cho rằng mình tham lam. Tôi có cách sáng tác kịch bản khác người: Đọc cho người khác đánh máy và người đã âm thầm đánh máy từng trang bản thảo cho hơn 70 kịch bản của tôi là Kim Quang- em gái tôi. Sau đó tôi chỉnh sửa, rồi lên sàn tập, cũng do em tôi làm công tác thư ký, một lần nữa đo lại các tình huống, định vị lại các tính cách, sắp đặt các nút thắt mở, tư duy rõ hơn chủ đề, tư tưởng của tác phẩm để hoàn thiện kịch bản. |
Bình luận (0)