Thủ đô Hà Nội có số lượng nhà hát nhiều hơn nhà hát cả nước cộng lại. Phần lớn các đơn vị nghệ thuật đóng trên địa bàn này đều có rạp hát riêng nhưng không nơi nào khai thác kinh doanh nghệ thuật có hiệu quả.
Một tuần đón... 30 khách
Rạp Hồng Hà, thuộc quyền quản lý của Nhà hát Tuồng Việt Nam, nằm trên phố Đường Thành, giữa trung tâm thủ đô nhưng phần lớn thời gian là đóng cửa vì vắng khách.
Trước khi đóng cửa để tiến hành sửa chữa, nâng cấp từ ngày 1-8, rạp Hồng Hà chỉ hoạt động cầm chừng với 2 buổi biểu diễn mỗi tuần vào thứ hai, thứ năm phục vụ khách du lịch, mỗi buổi kéo dài 1 giờ. Tuy nhiên, số vé bán ra cũng rất ít ỏi, dù bộ phận tiếp thị của nhà hát đã thông báo khuyến mãi trích hoa hồng 30% cho đơn vị nào đưa khách đến xem.
Trước năm 2010, rạp Hồng Hà hoạt động khá tấp nập, hầu như tối nào cũng sáng đèn. Khi đó, đa phần các nhà hát khác chưa có rạp nên đây là địa chỉ tập luyện, biểu diễn của hầu hết những đơn vị nghệ thuật truyền thống ở thủ đô như Nhà hát Chèo Hà Nội, Nhà hát Cải lương Hà Nội, các đoàn nghệ thuật quân đội, công an... Một số chương trình truyền hình cũng thuê địa điểm này. Tuy nhiên, sau đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, nhiều rạp mới ra đời khiến lượng khách bị san sẻ, rạp Hồng Hà chỉ hoạt động cầm chừng cho có.
Cũng rơi vào tình trạng thê thảm như rạp Hồng Hà là rạp Chuông Vàng, nay là Nhà hát Cải lương Hà Nội, nằm trên phố Hàng Bạc. Những người yêu cải lương giờ chỉ còn ký ức của thời vang bóng. Lâu nay, không có vở nào được công diễn khiến khán giả phải say mê như đã từng say mê trước đây. Thay vì “Lan và Điệp” hoặc các vở lừng danh, hiện nay, mỗi tuần Nhà hát Cải lương Hà Nội chỉ diễn một buổi vào tối thứ bảy để phục vụ khách du lịch. Mỗi buổi huy động khoảng 30 diễn viên nhưng chỉ bán được khoảng 30 vé.
Nhà hát Cải lương Hà Nội giờ duy trì sự tồn tại của mình bằng nguồn ngân sách được bao cấp. 100 nghệ sĩ của nhà hát vì yêu nghề mà làm chứ không trông mong gì sống bằng nghề. “Số tiền đầu tư cho một vở diễn không hề nhỏ mà khán giả không bỏ tiền đến rạp thì lấy nguồn thu nào để anh em sống được bằng nghề?” - một nhân viên của Nhà hát Cải lương Hà Nội ưu tư.
Không ít rạp hát khác - như rạp Công Nhân của Nhà hát Kịch Hà Nội, với địa điểm đẹp như mơ, nằm trên phố đông đúc bậc nhất là Tràng Tiền - cũng không mấy khi sáng đèn. Ngoài việc cho Công ty Nhà hát Việt thuê địa điểm làm nơi biểu diễn định kỳ 3 buổi/tuần của chương trình “Tứ phủ”, rất hiếm khi rạp Công Nhân sáng đèn diễn những vở mới của nhà hát. Sảnh tầng 1 của nhà hát này được tận dụng cho thuê làm phòng tranh. Lúc 16 giờ ngày 29-8, cửa rạp vẫn còn khóa trong bằng xích. Đến khi phóng viên gõ cửa mới có người của phòng tranh ra mở.
Khán giả không còn thói quen mua vé
Trước thực trạng thiếu sức sống của các nhà hát, NSND Hoàng Dũng, Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội, cho rằng không chỉ sân khấu kịch mà nhiều loại hình sân khấu khác cũng rơi vào tình trạng khó khăn. Theo ông, khán giả ngày càng mất thói quen mua vé đến rạp.
“Nếu chúng tôi diễn chiêu đãi, thậm chí là ở các buổi tổng duyệt, khán giả đến rất đông. Người xem không chê vở diễn, không chê diễn viên, thậm chí còn khen nhưng chỉ đi xem theo diện vé mời, không ai bỏ tiền ra xem nghệ thuật. Hình như khán giả miền Bắc chỉ thích mời thôi thì phải” - NSND Hoàng Dũng băn khoăn. Ông cho rằng để kéo khán giả đến rạp thì phải có vở diễn hay, mà điều này thì rất hiếm.
“Kỹ thuật sân khấu ngày càng phát triển, trong khi kinh phí đầu tư của nhà nước ngày càng eo hẹp. Mang tiếng là nhà hát kịch thủ đô nhưng mua một màn hình LED cũng rất khó. Nếu đi thuê màn hình cho buổi diễn thì tiền thuê ngang bằng tiền bán vé, thế diễn viên sống bằng gì, mọi người sống bằng gì? Sân khấu ngày càng “tinh giản” mọi thứ và như thế là vở diễn nghèo nàn đi, độ bắt mắt thiếu đi. Chưa kể, các chương trình biểu diễn được bao cấp thì tính tư tưởng phải được đặt lên hàng đầu, tính nghệ thuật không phải là số 1, như vậy thì sự hấp dẫn về nghệ thuật giảm xuống là lẽ đương nhiên. Phải được đầu tư thì mới thu hút được khán giả nhưng “cái khó bó cái khôn”. Để duy trì sự tồn tại, nhà hát phải đi diễn theo hợp đồng ở các đơn vị. Ở đó, sân khấu không thể bảo đảm được” - NSND Hoàng Dũng bộc bạch.
Giám đốc phải... chạy sô
Một lãnh đạo Nhà hát Tuồng Việt Nam cho biết nhà hát đã tìm đủ mọi cách tiếp cận và bắt tay với các công ty du lịch để kéo du khách đến rạp nhưng đều không nhận được sự quan tâm. Theo ông, không phải nhà hát không biết làm kinh tế ở một vị trí đắc địa nhưng khai thác các loại hình kinh doanh khác thì vi phạm nguyên tắc, còn theo đuổi mục đích phục vụ nghệ thuật truyền thống thì lại không được khán giả đón nhận.
NSƯT Thanh Ngoan, Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam, cho hay để sống được bằng nghề, các nghệ sĩ của nhà hát này phải xoay xở đủ kiểu. “Chúng tôi chạy nhiều sân, lớn nhỏ, béo mềm gì đều nhận hết. Chúng tôi làm chương trình cho công ty du lịch. Nếu các khu công nghiệp yêu cầu chương trình lớn, chúng tôi cũng làm. Chiếu chèo nhỏ cũng nhận. Tóm lại là liệu cơm gắp mắm cho phù hợp nhưng chất lượng nghệ thuật vẫn đưa lên hàng đầu” - bà Thanh Ngoan nêu thực trạng.
Trước khi Nhà hát Chèo đóng cửa sửa chữa từ tháng 3-2016, mỗi tuần, rạp này mở cửa 2 buổi vào thứ tư và thứ sáu phục vụ khách du lịch. Cuối tháng thì sân khấu lớn mở cửa đón khách yêu chèo bằng những vở truyền thống.
“Chúng tôi vẫn có những khách ruột, dù không nhiều. Miễn sống được bằng nghề là làm, vì chúng tôi chẳng biết làm nghề gì khác. Kể cả giám đốc cũng đi chạy sô mà.... Nơi nào mời, tôi vẫn đi diễn” - NSƯT Thanh Ngoan khẳng định.
Bình luận (0)