Nếu không nói ra, ít ai biết người đoạt Giải Chuông vàng vọng cổ 2016 Nguyễn Hồ Như Tuyết Nhung là con gái của NSND Ngân Vương (Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Đồng Nai). Công chúng chỉ biết đó là gương mặt “ngoại đạo”, cô trình dược viên mê hát cải lương chứ không phải “con dòng cháu giống”.
Phong trần dâu bể
Trong đêm chung kết xếp hạng Giải Chuông vàng vọng cổ 2016, NSND Ngân Vương đã xúc động đến nghẹn lời trước sự trưởng thành của cô con gái mà ông đã từng dứt khoát không cho theo nghề xướng ca của mình. Cuộc đời ông đã trải qua nhiều biến cố trong nghề hát. Ông hiểu rõ nỗi đau và sự rủi ro nếu con mình nối tiếp nghề cha mà chưa có vốn liếng chữ nghĩa để phòng thân.
NSND Ngân Vương và con gái Tuyết Nhung
NSND Ngân Vương quê ở Chợ Mới, An Giang. Ông đi theo cải lương từ năm 12 tuổi trên những chiếc ghe bầu lênh đênh của miền sông nước. Ông làm đủ công việc trong gánh hát, bất chấp dòng đời xô đẩy, đối mặt cơ cực, gian nan, miễn sao được học nghề mình yêu thích.
Đến năm 19 tuổi, Ngân Vương được đặt chân lên sân khấu để ca diễn, làm kép ba, kép tư, đóng vai ông lão, quân hầu và thoát kiếp hậu đài, nhắc tuồng, làm đồ hội. Dâu bể phong trần nhiều lần xô Ngân Vương ngã quỵ, buộc ông đối mặt cuộc sống màn trời chiếu đất nhưng rồi ông không bỏ được nợ kiếp tằm, dứt khỏi nghiệp.
Lập gia đình rồi, ông vẫn bôn ba theo nghề, đi biền biệt không được gặp mặt con. “Tôi nghĩ mình đánh đổi quá lớn, học nghề để thành danh nhưng bỏ mặc vợ con ở quê nhà, không ai trông coi, dạy dỗ. Tuyết Nhung lớn lên trong sự giáo dục nghiêm khắc của mẹ nên tôi cũng đỡ lo phần nào con cái thất học, bị người đời xem là con kép hát ít học, phận đời như kiếp lục bình, chẳng biết trôi dạt về đâu” - NSND Ngân Vương tâm sự.
Theo NSND Ngân Vương, một đời ông dâu bể để tìm công danh sự nghiệp, khi thức tỉnh thì nhìn thấy bến đỗ yên bình chính là “an cư để lạc nghiệp”. Nếu ông chấp nhận lao theo việc kiếm tiền, mải miết rày đây mai đó thì có thể ngày nay, ông đã là ngôi sao của thị trường, có đời sống vật chất khá giả. “Quyết định an cư, dù ở một đoàn hát tỉnh, đã cho tôi có được mái ấm gia đình hạnh phúc và nuôi dạy con thật tốt. Đó là quyết định đúng đắn” - NSND Ngân Vương khẳng định.
Đào hát phải có tri thức
“Từ cuộc đời mình, tôi hướng con tôi trước tiên phải có nền tảng văn hóa nếu muốn học nghề ca diễn. May thay, Tuyết Nhung nghe lời cha, tạm rời xa đam mê nghệ thuật để học ngành dược. Tuyết Nhung đi làm phụ giúp cha mẹ 2 năm rồi mới đến với nghệ thuật cải lương từ những cuộc thi” - NSND Ngân Vương tự hào nói về con gái.
Theo ông, dù con nhà nòi sẽ có lợi thế trong tiếp thu nghề nhưng nếu thiếu tri thức, kém hiểu biết và không có trình độ văn hóa cao thì cũng quanh quẩn trong tư duy hạn hẹp. Tuyết Nhung đã không phụ lòng mong mỏi của cha. Con đường vào nghề hát của cô cũng gian nan không kém cha mình.
Tuyết Nhung mê làm đào hát từ lúc còn bé xíu, được cha dạy học ca theo nhịp, phân tích tâm lý diễn xuất. Kịch bản cha mang về, cô đều học thuộc. Hầu như vai các cô đào trong tuồng, Nhung đều tập ca và thuộc làu. NSƯT Quế Anh, người bạn diễn thân thiết của NSND Ngân Vương, ngạc nhiên mỗi khi nghe cô bé ca ngọt ngào các vai diễn của mình. Hai mươi năm NSND Ngân Vương bám trụ đoàn cải lương Đồng Nai, không ít lần cô bé Tuyết Nhung ngồi lì bên cánh gà, say mê học từng vai diễn mỗi khi được cha đưa đi theo đoàn. Nhưng vì nghe lời cha, cô phải gác lại đam mê nghệ thuật của mình để tập trung học văn hóa.
Biết cha không muốn mình theo nghề khi chưa học xong văn hóa, Tuyết Nhung nỗ lực cho việc học tập. Cô đã đạt nhiều thành tích trong học tập, tốt nghiệp trình dược viên Trường Cao đẳng Dạy nghề số 9 - Vĩnh Long. Sau khi Tuyết Nhung trở thành trình dược viên, có công ăn việc làm, NSND Ngân Vương mới chấp nhận cho con gái theo nghiệp ca diễn của ông. Ông tâm sự: “Hai chữ nối nghiệp thiêng liêng lắm. Tôi không thúc ép con mình, chỉ mong cháu học văn hóa đến nơi đến chốn rồi mới tính đến chuyện theo nghề ca diễn. May mắn là cháu vẫn nuôi ngọn lửa đam mê. Truyền nghề cho con chính là truyền tinh thần tôn sư trọng đạo, còn khả năng ca diễn phải tự bản thân ý thức trau dồi”.
Nối nghiệp thiêng liêng
Chỉ mới một năm nay, thấy con mê cải lương, NSND Ngân Vương bắt đầu tính đến chuyện cho Tuyết Nhung kế thừa nghiệp diễn của mình. Ông tích cực ôn luyện cho con, giáo huấn những điều mình hiểu biết, trải nghiệm để cô làm hành trang. Sáng luyện thanh, chiều học vũ đạo, buổi tối hai cha con tìm kiếm nhiều tư liệu, băng đĩa của các thế hệ nghệ sĩ để cùng xem rồi đặt ra những câu hỏi trắc nghiệm.
Tuyết Nhung nhanh chóng tiếp thu, được cha cho phép thử “bơi” qua từng con rạch nhỏ của nghề bằng các cuộc thi văn nghệ ở địa phương. Rồi cô được cha dạy ca, diễn chính thức trên sàn tập. Đến khi có thể “bơi qua sông”, cô mang về giải nhất chương trình “Ai rành 6 câu” do VTV9 thực hiện. Ba tháng sau đó, cô nhận giải “Chuông vàng vọng cổ” 2016 do Đài Truyền hình TP HCM tổ chức.
“Tôi có được kiến thức và niềm đam mê là nhờ cha truyền thụ. Dù đam mê cách mấy, phải đến khi cha mẹ cho phép, tôi mới dám tham gia nghệ thuật. Tôi hồi hộp lắm, sợ mình diễn không tròn, làm cha buồn bởi câu nói “cha làm thầy, con đốt sách”. Bằng nỗ lực, tôi đã mang niềm hãnh diện về cho cha mình. Tôi vào nghề bằng một giải thưởng uy tín. Phần thưởng này tôi tặng cha, bù lại những tháng ngày ông quá cơ cực với nghề để nuôi tôi khôn lớn” - Tuyết Nhung tâm sự.
Hôm nay, Tuyết Nhung đã là đồng nghiệp của NSND Ngân Vương. Cô sẽ có dịp đứng chung sân khấu với cha mình. Điều đáng quý nhất từ gia đình có hai thế hệ theo nghề này là dù gian nan đến mấy, họ vẫn không rời bỏ nghệ thuật cải lương. Sự dạy dỗ của NSND Ngân Vương, sự phấn đấu kiên trì của Tuyết Nhung là một điển hình trong truyền thụ nghề theo cách “cha truyền con nối”.
Phúc nhà
NSND Ngân Vương xúc động: “Đây là lúc tôi muốn con mình dấn thân vào nghề hát vì cháu đã có được sự trải nghiệm. Giải thưởng chỉ là bước khởi đầu đầy phấn khởi để cháu tự tin mà tiến tới. Cháu muốn trụ tại TP HCM, nơi có nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật, có nhiều bậc tiền bối để học hỏi thêm cho nghề hát. Tôi tôn trọng quyết định của con. Ngày nay ít đoàn hát, việc học nghề coi vậy chứ gian nan hơn thời của tôi. Tôi còn hai người con. Tuyết Nhung là tấm gương nối nghiệp để 2 em phấn đấu. Nếu Tổ nghiệp thương, tiếp tục cho các con tôi nối nghiệp thì đó là phúc nhà”.
Bình luận (0)