Hồ Tông Hiến thấy rằng triều đình dùng cả 10 vạn quân, đánh hơn 10 năm mà không dẹp nổi Oa khấu, nếu cứ giữ thế đối công giằng co thì bất lợi nên đưa ra sách lược vừa đánh vừa đàm, lấy giặc chế giặc, vừa chiêu dụ vừa tiêu diệt. Hàng loạt mưu hay chước lạ để thực hiện “tâm công” như liên hoàn, ly gián, phản gián được thực thi.
Vương Trực quy phục
Tông Hiến từng xét rằng lực lượng hải khấu mạnh nhất trên vùng biển Đông Nam lúc này là của Vương Trực, đại ca của Từ Hải. Nếu chiêu dụ được Vương Trực để y không tiếp tay cho Từ Hải thì có thể dễ dàng bình ổn sóng nước Giang Nam.
Sau khi tìm hiểu kỹ gia cảnh và con người Vương Trực, Hồ Tông Hiến cùng các mưu sĩ lập ra kế hoạch tỉ mỉ để chiêu dụ. Đầu tiên là nhắm vào gia nhân họ Vương. Tông Hiến lấy danh nghĩa là tình đồng hương, ra lệnh phóng thích mẹ và vợ Vương Trực đang bị giam trong phủ Kim Hoa, sắp xếp cho họ chỗ ăn ở tử tế, đầy đủ. Tiếp đó, tháng 10-1555, Hồ Tông Hiến bí mật sai hai thuyết khách mưu lược là Tưởng Châu và Trần Khả Nguyện lấy danh nghĩa triều Minh đến các đảo của Nhật Bản để khuyến dụ không nên quấy phá vùng biển nhưng mục đích chính là thăm dò tình hình Vương Trực.
Hai thuyết khách đã gặp được con nuôi Vương Trực là Vương Ngao (tên thật Mao Hải Phong), từ đó mà được đưa đến tiếp kiến Vương Trực. Tưởng Châu và Trần Khả Nguyện phân tích điều nghĩa, điều lợi, vừa trình bày quyết tâm chống Oa khấu của triều đình và khoe thực lực quân binh vừa ca tụng tài ba đức độ của Hồ Tông Hiến, ra sức thuyết phục Vương Trực về với triều đình, cùng giữ yên bờ cõi. Vương Trực vốn người nghĩa hiệp, lâu nay cứ tưởng mẹ và vợ đã bị giết, giờ nghe nói người thân của mình được Hồ tổng đốc gia ân được bình an thì rất cảm kích, khẳng khái nhận lời lập công chuộc tội. Tuy vậy, Vương Trực vẫn giữ Tưởng Châu lại, để Trần Khả Nguyện cùng thuộc hạ của mình là Diệp Tông Mãn trở về đất liền để thăm dò. Gần 2 năm sau, Vương Trực mới lấy danh nghĩa đưa Tưởng Châu về nước, dùng thuyền lớn cùng hàng ngàn tinh binh, vũ khí đầy đủ về đóng trại ở Sầm Cảng. Hồ Tông Hiến vội cho phòng bị, phái mưu sĩ thân tín là Hạ Chính đến đàm phán với Vương Trực. Cuối cùng, Hồ Tông Hiến hội kiến với Vương Trực, đãi vào hàng thượng khách, hứa xin triều đình xá tội và phong quan chức Vương, lại bỏ lệnh cấm biển, cho phép thông thương. Vương Trực rất vui nên không phòng bị.
Hồ Tông Hiến lại mời con nuôi Vương Trực là Vương Ngao đến ở cùng phòng với mình trong đại bản doanh để tỏ lòng thân thiết. Một hôm, Tông Hiến nói phải đi dự tiệc, giữa đêm mới say mềm trở về, ói mửa cả ra giường rồi ngủ thiếp đi. Vương Ngao chắc mẩm Tông Hiến là say thật nên đến án thư lén đọc tài liệu cơ mật, thấy có tấu thư thỉnh cầu hoàng đế xá tội cho Vương Trực và rất nhiều thư đề nghị quyết chiến của các tướng. Ngao sao chép lại một ít. Hôm sau Ngao xin về, Tông Hiến tặng nhiều vật quý, đãi rất ân cần chu đáo. Ngao về đảo kể hết với Vương Trực, khen Tông Hiến không tiếc lời, hai cha con đều tưởng Hồ Tông Hiến thành tâm thành ý, đâu biết mọi chuyện là do Hiến dàn dựng ra. Trực và Ngao cho quân đi đánh phá các nhóm Oa khấu ở Chu Sơn, Liệt Biều để lập công với triều đình, Tông Hiến xin triều đình ban cho họ Vương nhiều vàng bạc. Vương Trực từ đó thường cung cấp tin tình báo của bọn Từ Hải, Trần Đông cho bên quân triều đình biết mà đối phó.
Phía Vương Trực tạm yên, Hồ Tông Hiến tập trung giải quyết nhân vật số hai là Từ Hải.
Từ Hải trúng mưu
Bổn cũ soạn lại, Hồ Tông Hiến phái một viên thái học sinh tên là La Long Văn, người quen cũ và là đồng hương với Từ Hải tìm cách ở lại trong nội bộ để nắm nội tình. La Long Văn thực hiện kế ly gián giữa Từ Hải với Trần Đông, Ma Diệp bằng cách cố ý ăn chia không đồng đều, nói xấu, đâm thọc khiến cho nội bộ nghi ngờ nhau.
Tiếp đó, Hồ Tông Hiến sai mưu sĩ tâm phúc của mình là Hạ Chính đem một bức thư khuyên hàng do Vương Ngao viết. Từ Hải thấy con nuôi của đại ca Vương Trực viết thư khuyên hàng thì giật mình: “Không lẽ Lão thuyền chủ cũng quy hàng ư?”. Từ Hải hồ nghi cho trinh thám dò la thì hay Vương Trực từng nhiều lần đi lại với triều đình nên có ý ngã lòng.
Đúng lúc ấy, Tông Hiến liên tục cho sứ giả đem vàng bạc, lụa là cùng thị nữ đến bản doanh Từ Hải, cố ý phao tin cho nhóm Trần Đông, Ma Diệp biết. Lại mời lần lượt các đầu mục vào trong bờ để chứng kiến quân lực triều đình hùng mạnh, ban thưởng rất hậu khiến cho lòng người dao động.
Theo “Minh sử, Hồ Tông Hiến liệt truyện” thì lúc bây giờ Từ Hải đang bị thương, bèn nói với sứ giả rằng: “Ta muốn lui binh, ngặt vì quân chia 3 lộ, không phải riêng ta quyết được”. Ba lộ là 3 cánh quân của Từ Hải, Trần Đông và Ma Diệp. Lúc này, Hạ Chính ra đòn quyết định: “Phía bên Trần Đông thì đã có hẹn ước rồi, chỉ còn phía tướng quân mà thôi”. Từ Hải nghe choáng váng, càng thêm nghi ngờ. Lúc này do gián điệp của Hồ Tông Hiến lén phao tin nên phía quân Trần Đông ai cũng nghe rằng Từ Hải quy hàng.
Dùng Thúy Kiều hạ Từ Hải
Sau khi nắm được thông tin Từ Hải rất thương yêu và nghe lời phu nhân Vương Thúy Kiều, Hồ Tông Hiến lập tức cho đem thư chiêu hàng cùng rất nhiều châu báu, đồ nữ trang quý giá đến dâng Từ Hải để tỏ thành ý. Tất nhiên, Thúy Kiều là người nhận những thứ ấy. Lại cho một bà hầu già ngày đêm khuyên Thúy Kiều rằng: “Từ tướng quân nếu buổi sáng quy thuận thì buổi chiều đã là đại quan, phu nhân được triều đình ban thưởng hậu, áo gấm về làng, há chẳng hơn lênh đênh suốt đời trên biển làm hải khấu sao?”. Thúy Kiều dù sao cũng là nữ nhân, mong muốn có gia đình yên ổn nên thường thủ thỉ phân tích lợi hại với Từ Hải nhưng Từ phân vân chưa quyết.
Một thuyết khác nói rằng Thúy Kiều chính là người viết trả lời thư chiêu hàng của Hồ Tông Hiến, lời lẽ uyển chuyển, ngôn từ nhã nhặn khiến Hồ và các mưu sĩ hết sức kinh ngạc, quyết tâm đánh vào điểm yếu của Kiều để hạ gục Từ Hải.
Kỳ tới: Hùm thiêng sa cơ
Bình luận (0)