Tưởng rằng Cục Nghệ thuật Biểu diễn (NTBD), Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) sẽ thay đổi nhận thức, có cách làm hợp lý, hợp tình hơn sau sự việc gây bức xúc công luận về cách làm máy móc, buộc ca khúc "Nối vòng tay lớn" của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn phải làm hồ sơ xin cấp phép phổ biến lại. Thế nhưng mới đây, Cục NTBD lại làm "sốc" dư luận bằng việc cấp phép phổ biến cho ca khúc nổi tiếng đã và đang phổ biến rộng rãi một cách hợp pháp từ hàng chục năm nay: "Còn thương rau đắng mọc sau hè" của nhạc sĩ Bắc Sơn.
Sản phẩm hợp pháp trở thành "lậu"
Cũng như "Nối vòng tay lớn", ca khúc "rặt chất" dân ca Nam Bộ "Còn thương rau đắng mọc sau hè" rất quen thuộc với người nghe.
Ca khúc này xuất hiện thường xuyên trên các kênh truyền hình, truyền thanh cũng như các sân khấu ca nhạc. Nó được cấp phép sản xuất và phát hành rộng rãi trong nhiều chương trình ghi âm, ghi hình của các trung tâm sản xuất băng đĩa nhạc, như: CD "Đạo làm con" của Trung tâm Băng nhạc Bến Thành phát hành năm 2000, album ca sĩ Dalena "Trúc đào" của Trung tâm Băng nhạc Rạng Đông phát hành năm 2001, album Phương Mỹ Chi "Quê em mùa nước lũ" của Công ty TNHH MTV Giải trí Quang Lê phát hành năm 2014, album Đan Trường Vol.31 của DNTN Du lịch và Sản xuất băng từ Hoàng Tuấn phát hành năm 2015...
Bài hát “Anh còn nợ em” (Anh Bằng) mới được Cục Nghệ thuật Biểu diễn cấp phép phổ biến trên lãnh thổ Việt Nam nhưng đã được trình diễn trong chương trình “Tiếng hát mãi xanh” 2012. (Ảnh do chương trình cung cấp)
Nếu việc cấp phép phổ biến cho ca khúc "Còn thương rau đắng mọc sau hè" của Cục NTBD có giá trị về mặt pháp lý và có hiệu lực từ ngày 17-5 thì các sản phẩm vừa kể đều vi phạm pháp luật, lưu hành lậu lâu nay, phải bị thu hồi, hủy bỏ.
Tương tự, nếu "Nối vòng tay lớn" được Cục NTBD cấp phép phổ biến cấp tốc vào ngày 12-4 thì các sản phẩm băng đĩa có ca khúc này được phát hành trong các chương trình: "Tình khúc Trịnh Công Sơn chọn lọc" của Bến Thành Audio - Video năm 2001, album "Đêm thành phố đầy sao" của Công ty TNHH - DV - VHNT Phú Nhuận năm 2004, CD "Huế - Sài Gòn - Hà Nội" của Hãng phim Trẻ năm 2000... đều trở thành bất hợp pháp.
Bài "Anh còn nợ em" (Anh Bằng) vừa được Cục NTBD cấp phép phổ biến ngày 17-5 nhưng đã có trong album của Đàm Vĩnh Hưng từ năm 2011 và album "Tôi" của ca sĩ Quang Dũng nhiều năm trước. Bài hát này cũng được trình diễn trong chương trình "Tiếng hát mãi xanh 2012" của Đài Truyền hình TP HCM.
Album "anh còn nợ em" của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng
Album "Tôi" có ca khúc "Anh còn nợ em" của Quang Dũng
Còn rất nhiều ca khúc sáng tác trước năm 1975 ở miền Nam từng được cấp phép biểu diễn, sản xuất băng đĩa, ghi âm, ghi hình... đang trong tình trạng bị Cục NTBD xem là bất hợp pháp. Chẳng hạn, bài "Huế - Sài Gòn - Hà Nội" (Trịnh Công Sơn) đã có trong CD "Huế - Sài Gòn - Hà Nội" của Hãng phim Trẻ năm 2000 và chương trình "Tuổi đá buồn - Vẽ bằng màu tình yêu" của Công ty TNHH TM - DV Đông Hải năm 2004, "Bài ca Hà Nội" của Hãng phim Trẻ năm 2001... Bài "Ca dao mẹ" (Trịnh Công Sơn) có trong các chương trình "Tình ca dâng mẹ" của Trung tâm Băng nhạc Rạng Đông năm 2004; trong "Album Trịnh Vĩnh Trinh", album "Mưa mùa hạ", CD "Hòa tấu guitar Tình nhớ" của Hãng phim Phương Nam vào các năm 2004, 2005...
Đến nay, các sản phẩm này vẫn lưu hành bình thường, chưa có quyết định thu hồi hay hủy bỏ nào từ các cơ quan chức năng.
Biết không đúng vẫn cứ làm
Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Vương Duy Biên từng khẳng định trên báo: "Đây không phải là những tác phẩm mới mà là những tác phẩm từng được cấp phép lưu hành nên sau khi chỉnh sửa về mặt kỹ thuật, Cục NTBD phải cho lưu hành bình thường, không thể bắt gia đình hay thân nhân các nhạc sĩ xin phép rồi mới cho lưu hành trở lại. Đã hết cái thời không quản được thì cấm rồi". Thế nhưng, Cục NTBD vẫn cứ làm theo cách của họ.
Cơ sở pháp lý mà Cục NTBD căn cứ là Nghị định số 79/2012/NĐ-CP của Chính phủ (có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1- 2013). Song, nghị định này không hề phủ nhận giấy phép của các địa phương, các đài cấp trước đó cho các chương trình biểu diễn, chương trình băng đĩa, chương trình phát sóng có ca khúc ra đời ở miền Nam trước năm 1975.
Vấn đề mấu chốt là Cục NTBD không chịu thừa nhận những gì tồn tại trước khi Nghị định 79 ra đời; tự phủ nhận tính hợp pháp của các nghị định của Chính phủ, thông tư hướng dẫn của Bộ Văn hóa - Thông tin (VH-TT, nay là Bộ VH-TT-DL) đã ban hành trước đó.
Chỉ cần Cục NTBD thông qua các sở chức năng địa phương, các đài truyền hình... rà soát lại danh sách những ca khúc trước năm 1975 đã được cấp phép biểu diễn, sản xuất bản ghi âm, ghi hình rồi hợp thức hóa bằng một văn bản công nhận chung là xong. Thế nhưng, có lẽ vì lợi ích cục bộ nên Cục NTBD cố làm theo ý mình, dù biết rõ làm thế nào là tốt nhất cho xã hội.
Luật sư NGUYỄN VĂN HẬU, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Thương mại Luật gia Việt Nam:
Luật bất hồi tố
Suốt mấy chục năm qua, rất nhiều bài hát sáng tác trước năm 1975 như "Nối vòng tay lớn", "Còn thương rau đắng mọc sau hè" đã được các ca sĩ, nghệ sĩ thể hiện nhiều lần; được ghi âm, ghi hình trong các buổi biểu diễn; được sử dụng trong các chương trình truyền hình, cuộc thi… một cách hợp pháp và được công chúng đón nhận rộng rãi.
Trong suốt thời gian đó, không có tổ chức, cá nhân nào bị xử lý vì sử dụng hay phổ biến các tác phẩm này. Vậy việc cấp phép của Cục NTBD hiện hành có ý nghĩa như thế nào? Nếu việc cấp phép hiện hành là đúng thì việc các cơ quan, ban, ngành đã cho phép phổ biến các bài hát trên; các tổ chức, cá nhân đã sử dụng, phổ biến, lưu hành và cả công chúng đã đón nhận đều vi phạm quy định pháp luật vì đây là bài hát chưa được cấp phép phổ biến, theo lý lẽ của Cục NTBD? Liệu "sai phạm" ấy có bị xử lý hay không?
Tôi cho rằng không thể áp dụng các quy định hiện hành để "hồi tố", xử lý đối với các trường hợp bài hát đã được phổ biến hợp pháp nhưng chưa được Cục NTBD cấp phép từ trước đến nay như vậy. Do đó, thiết nghĩ cần phải sửa đổi lại quy định về cấp phép phổ biến tác phẩm cho phù hợp. Bởi lẽ, nếu pháp luật xa rời thực tiễn thì sẽ kìm hãm sự phát triển của xã hội và việc quản lý nhà nước sẽ càng trở nên khó khăn hơn.
Những quy định không thể phủ nhận
Ngày 8-1-1996, Bộ VH-TT ban hành Thông tư 05/TT-PC hướng dẫn thực hiện quy chế "Lưu hành kinh doanh phim, băng đĩa hình, băng đĩa nhạc; bán, cho thuê xuất bản phẩm; hoạt động văn hóa và dịch vụ văn hóa nơi công cộng; quảng cáo, viết, đặt biển hiệu" (kèm theo Nghị định 87/CP ngày 12-12-1995 của Chính phủ).
Thông tư này quy định "được phép phổ biến các bản nhạc, bài ca sáng tác trước Cách mạng Tháng Tám và trước năm 1975 ở miền Nam đã được đài phát thanh, truyền hình phát sóng; các nhà xuất bản, các cơ sở sản xuất băng đĩa nhạc hợp pháp phát hành; đã được đăng trên các báo, tạp chí; sử dụng trong các phim đã được phép phổ biến; sử dụng trong các chương trình nghệ thuật được phép công diễn; được sở VH-TT và Bộ VH-TT cho phép phổ biến".
Các điều khoản quy định về cấp nhãn kiểm soát cũng nêu rõ: "Băng đĩa đã dán nhãn kiểm soát thì được lưu hành trong và ngoài nước, trừ trường hợp sau khi đã dán nhãn mà bị cơ quan có thẩm quyền cấm lưu hành" (Nghị định 55/1999); "bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu đã dán nhãn kiểm soát có hiệu lực lưu hành trên toàn quốc và khai báo hải quan khi thực hiện xuất khẩu" (Nghị định 79/2012).
Liệu Cục NTBD có biết các quy định này không?
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 18-5
Bình luận (0)