Để cứu nguy cho sàn diễn cải lương trước thực trạng thiếu kịch bản hay, một số nghệ sĩ trẻ đã nỗ lực thực hiện việc tái dựng các vở xưa bằng phiên bản mới.
Tạo đất diễn cho nghệ sĩ trẻ
Trước sự du nhập và phát triển ồ ạt của các loại hình nghệ thuật giải trí thời thượng, cải lương cùng nhiều loại hình nghệ thuật dân gian, dân tộc mất dần chỗ đứng trong lựa chọn của số đông khán giả. Thực tế cho thấy sàn diễn cải lương đang khủng hoảng trầm trọng. Thế hệ diễn viên trẻ không có cơ hội cọ xát sân khấu, nghề của họ đứng trước thử thách bị bào mòn bởi những phương thức làm nghề chắp vá, diễn trích đoạn, lớp diễn ngắn của những vở tuồng nổi tiếng thay vì được hóa thân trọn vẹn nhân vật trong một vở diễn.
Nghệ sĩ Diễm Thanh (Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang), nghệ sĩ Chí Linh - Vân Hà, nghệ sĩ Kiều Phượng Loan... đã quy tụ nhiều nghệ sĩ, thực hiện thành những nhóm xã hội hóa nhằm tạo đất diễn cho chính họ trên sân khấu.
Sau thành công của vở “Hoa đồng cỏ nội” diễn tại Nhà Văn hóa Thanh niên, nhóm nghệ sĩ Diễm Thanh tiếp tục đưa vở “Hàn Mạc Tử” của cố soạn giả NSND Viễn Châu ra rạp Công Nhân. Nhóm nghệ sĩ Chí Linh, Vân Hà đi vào khai thác các vở diễn tuồng cổ, được khán giả yêu thích lâu nay trên sân khấu Lê Hoàng (Trung tâm Văn hóa Bình Thạnh, TP HCM) như: “Chung Vô Diệm”, “Ngọc Kỳ Lân”, “Xử bá đao Từ Hải Thọ” hoặc nhóm nghệ sĩ Kiều Phượng Loan trên Sân khấu Nhà Văn hóa Thanh niên đã diễn lại những tác phẩm đi vào lòng người mộ điệu: “Truyền thuyết tình yêu”, “Giọt máu oan cừu”, “17 năm trường hận”... Điều đáng nói là tất cả được dàn dựng với hình thức mới. “Đã có nhiều cuộc tọa đàm, hội thảo, nhiều đề tài khoa học bàn về đổi mới cải lương để tìm cơ hội cho loại hình nghệ thuật truyền thống này tồn tại, phát triển. Nhưng theo tôi, một trong những vấn đề cốt lõi cần được quan tâm là phải tạo đất diễn cho diễn viên trẻ. Họ bị hụt hẫng vì không có sự chuẩn mực nào để theo đuổi niềm đam mê. Những trích đoạn đưa vào game show khiến giới trẻ nghĩ cải lương quá đơn điệu, làm giảm giá trị của bộ môn này. Vì thế, cần dàn dựng thật nhiều tác phẩm xưa bằng phiên bản mới, đưa được hơi thở cuộc sống đương đại vào nghệ thuật truyền thống” - nghệ sĩ Kiều Phượng Loan trăn trở.
Đợt sát hạch sáng tạo
Các tác phẩm được tái dựng gần đây có sự tìm tòi, sáng tạo mới về phương pháp nghệ thuật, hình thức thể hiện. Trên hết là tinh thần tạo phiên bản mới nhưng vẫn giữ được tính độc đáo của kịch bản gốc.
“Tái dựng vở cũ bằng phiên bản mới là một áp lực vì khán giả đã quá quen thuộc với bản dựng cũ, làm mới quá sẽ bị chê không đúng. Tôi cho rằng đây là đợt “sát hạch” cho những sáng tạo, tìm tòi, đổi mới của giới làm nghề. Phản ứng từ khán giả rất tích cực sẽ góp phần bổ sung, định hình hướng đi mới cho sân khấu chúng tôi” - nghệ sĩ Chí Linh bộc bạch.
Vở diễn được tái dựng bằng phiên bản mới là những vở ăn khách, làm nên tên tuổi nhiều ngôi sao, nay bằng hình thức thể hiện mới mẻ: cảnh trí, âm thanh, ánh sáng và cả phục trang đã làm tỏa sáng thêm hơn những giọng ca trẻ đang được chú ý hiện nay như: Diễm Thanh, Như Quỳnh, Thúy My, Hoàng Đăng Khoa, Kim Tiến, Võ Thanh Tiền, Nguyễn Văn Mẹo, Đoàn Minh, Cao Mỹ Châu...
Thiếu đội ngũ diễn viên kế cận là thực trạng chung của hầu hết các đoàn cải lương hiện nay. Vậy nên khi tái dựng những vở kinh điển, đa số các nhóm xã hội hóa đều phải sử dụng những gương mặt mới để vào vai chính. “Một số gương mặt trẻ được bổ sung dù non kinh nghiệm nhưng các em có sức thanh xuân, được đạo diễn đặt vào không gian sáng tạo mới sẽ góp phần tạo cho sân khấu cải lương một diện mạo mới” - nghệ sĩ Vân Hà khẳng định.
Nhưng công bằng mà nói, diễn xuất của các nghệ sĩ trẻ vẫn còn một khoảng cách khá xa so với đàn anh, đàn chị, nhất là ở khâu ca diễn. Dù có chất giọng tốt nhưng kỹ thuật nhả chữ, luyến láy vọng cổ nhiều chỗ còn khá “phô”, phải có thêm nhiều suất diễn mới mài giũa được những viên ngọc còn thô sơ này.
Cách tân, tìm hướng đi mới là vấn đề sống còn của sân khấu cải lương hôm nay. Tuy các nhóm xã hội hóa đã tích cực cứu lấy sàn diễn bằng việc góp vốn để làm nên những phiên bản mới cho chính mình. Thế nhưng, cách tân đơn lẻ sẽ đưa cải lương về đâu? Cách tân như thế nào để cải lương không bị mất bản sắc vẫn là vấn đề nan giải.
Cần hơi thở của thời đại
Tiếp cận với cái mới, ngay trong đội ngũ những người làm nghề cũng đã xảy ra tranh luận trái chiều. Nhiều người cho rằng nên giữ lại phong cách cũ khi phục hồi hoặc tạo phiên bản mới hoặc thực hiện các đề tài cổ trang, lịch sử... vốn đã trở nên quen thuộc của cải lương xưa nay thì phải dựng đúng như nguyên mẫu. Từ những thể nghiệm, tìm tòi qua các vở cải lương được tái dựng đã công diễn, NSƯT - đạo diễn Trần Minh Ngọc cho rằng dù tích cực đổi mới nhưng sân khấu cải lương vẫn còn hiện tượng nghệ thuật không theo kịp bước tiến của đời sống hôm nay. “Đồng ý là dựng lại vở xưa để diễn viên trẻ có đất diễn nhưng so với hiện thực hôm nay, những gì xảy ra trên sân khấu của một số vở diễn xưa đã trở nên ngây ngô, khó tin, không còn phù hợp. Sân khấu cải lương cần những nhân vật tiêu biểu của thời đại” - NSƯT Trần Minh Ngọc nhấn mạnh.
Bình luận (0)