Thông tin về dự thảo quy định việc dán tem chống in lậu trên xuất bản phẩm của Bộ Thông tin và Truyền thông khiến giới làm sách có nhiều tâm trạng khác nhau, thậm chí hoang mang và bức xúc.
Quá nửa lợi nhuận chi cho tem
"Nếu phản đối biện pháp này, hóa ra là bảo vệ cho sách lậu à? Cả ngành xuất bản lẫn công chúng đọc ai mà chẳng biết nạn sách lậu, sách giả đã hoành hành quá lâu. Thực ra, việc này là để khắc phục nạn sách lậu mà thôi" - ông Chu Văn Hòa, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, bày tỏ ngạc nhiên trước phản ứng không thuận của dư luận trong giới.
Tuy nhiên, theo ông Lê Hoàng, Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, thời gian gần đây, hiện tượng in lậu, in nối bản trên toàn quốc đã giảm đi rất nhiều. Trong khi đó, việc ấn phẩm bị sao chép phát tán trên các phương tiện điện tử lại tăng mạnh mà chưa có biện pháp khắc phục.
Nhiều người trong nghề xuất bản cũng đồng quan điểm với ông Lê Hoàng, cho rằng về cơ bản nạn sách lậu đã được kiểm soát khá tốt. "Nhà Xuất bản (NXB) Kim đồng chỉ bị làm giả 4 cuốn trên tổng số hàng ngàn đầu sách ấn bản mỗi năm" - ông Phạm Quang Vinh, Giám đốc NXB Kim đồng, dẫn chứng. Bà Khúc Thị Hoa Phượng - Giám đốc, Tổng Biên tập NXB Phụ nữ - cho biết: "NXB Phụ nữ cũng chỉ có một vài đầu sách bị làm giả, làm lậu và mỗi năm bị một cuốn thôi, ít lắm".
Số liệu từ một số NXB lớn như NXB ĐHQG, Trẻ, Kim đồng, Phụ nữ… đều cho thấy tỉ lệ sách bị vi phạm, làm giả chỉ chiếm 1%-2% tổng số ấn phẩm phát hành mỗi năm, thậm chí ít hơn. Chỉ những đầu sách thực sự rất "hot", khiến bạn đọc mua mà không cần xem xét đó là ấn phẩm thật hay giả, thì họ mới ghé tạm vào vỉa hè, góc phố và cầm lên cuốn sách giả, sách lậu. Cảnh bán sách trên vỉa hè như thế gần đây cũng hầu như không còn bắt gặp nữa. Còn lại, hầu như tất cả ấn phẩm đều đã được dán tem chống giả và được bày biện bắt mắt trong những không gian đẹp, trang trọng. Độc giả cũng thường xem xét rất kỹ trước khi bỏ tiền mua sách.
Trả lời Công văn số 1884/BTTTT-CXBIPH của Bộ Thông tin và Truyền thông ngày 31-5 đề nghị cho ý kiến đối với việc xây dựng thông tư quy định việc dán tem phòng chống in lậu, in giả, sao chép trái phép xuất bản phẩm, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhìn nhận: "Khó có thể kỳ vọng biện pháp dán tem lên xuất bản phẩm sẽ tạo ra bước ngoặt hay cao hơn nữa là xử lý được các hạn chế, vướng mắc, tồn tại trong công tác đấu tranh chống in lậu và các vi phạm pháp luật trong xuất bản, càng khó có thể tạo chuyển biến đột phá trong hạn chế các tác động tiêu cực về an ninh - chính trị, tư tưởng, văn hóa hay giảm thiểu tình trạng xâm hại quyền tác giả, quyền liên quan và quyền lợi của các nhà xuất bản, người tiêu dùng như dự kiến của cơ quan soạn thảo. Bên cạnh đó, dán tem lên xuất bản phẩm dường như cũng không phải là biện pháp duy nhất khả thi để bảo vệ các lợi ích liên quan".
Bìa sách có dán mã vạch ISBN của các đơn vị xuất bản uy tín đã trở nên khá phổ biến trên thị trường sách hiện tại. Căn cứ vào đây là có thể nhận biết sách thật hay giả
Ông Lê Hoàng băn khoăn: "Ước tính hiện nay, trung bình mỗi năm, các NXB phải chi 80 tỉ đồng cho con tem. Lợi nhuận toàn ngành xuất bản năm 2016 là 148 tỉ đồng thì tiền tem đã chiếm 80 tỉ đồng. Như vậy, toàn bộ lợi nhuận của ngành xuất bản chi cho tiền tem đến quá nửa".
Theo VCCI, để thực hiện quy định dán tem, NXB sẽ bỏ ra chi phí in và dán tem lên xuất bản phẩm. Trong bối cảnh các NXB đang gặp khó khăn về tài chính như hiện nay, việc gánh thêm chi phí này sẽ càng đẩy các NXB rơi vào tình trạng khó khăn, hoạt động không hiệu quả.
Biện pháp nào tốt nhất?
"Dán tem để chống sách lậu nhưng thực tế tem cũng có thể làm giả. Vì thế, các nước phát triển không quản lý bằng tem nữa" - bà Khúc Thị Hoa Phượng cho biết.
Cách đây mấy năm, Cục Nghệ thuật Biểu diễn từng bỏ biện pháp dán tem cho băng đĩa vì không còn khả thi. Tuy nhiên, các đơn vị xuất bản lớn nhất Việt Nam hiện vẫn áp dụng biện pháp quản lý bằng tem chống giả tự in.
Song song với biện pháp dùng tem, nhiều đơn vị mới đây đã áp dụng thêm cách quản lý bằng mã vạch ISBN theo chuẩn quốc tế, vừa dễ dàng truy xuất nguồn gốc ấn phẩm vừa khẳng định chất lượng thương hiệu của đơn vị xuất bản và còn mang tính quốc tế. Ngày nay, hầu như tất cả cuốn sách muốn bán ra thị trường quốc tế, trên các trang web bán sách lớn như Amazon thì đều đã có mã vạch ISBN. Như vậy, trong lúc các đơn vị xuất bản đã tự bảo vệ mình rất tốt thì có thực sự cần thiết phải quay lại áp dụng một mẫu tem chung cho tất cả?
"Không phải là phản đối việc dán tem và cũng không phải là ủng hộ in lậu. Ở đây, chúng tôi đang muốn tính toán những biện pháp khả thi nhất cho ngành sách. Đó là nhận định chủ quan nhưng tôi đề nghị Hội Xuất bản nên họp các đơn vị thành viên, đề nghị phát biểu, phản biện đầy đủ, có ý kiến chuyên môn về mặt nghề nghiệp. Sau đó, hội sẽ chính thức có ý kiến với Bộ Thông tin và Truyền thông về việc này" - ông Lê Hoàng đề nghị.
Lo ngại "giấy phép con"
Để một ấn phẩm ra đời đã có đủ thứ phải lo - bỏ vốn nhiều, thu lời ít và rất chậm - nên người làm sách sợ thêm một "gánh nặng" nữa sẽ chồng lên vai ngành xuất bản. Theo nhiều người trong ngành, tem chống sách giả, sách lậu có thể trở thành một loại "giấy phép con" khiến thủ tục phiền hà, phức tạp. Giả sử trong lúc cuốn sách đang rất "nóng", được bạn đọc trông chờ mà phải ngồi đợi dán tem rồi mới đưa ra thị trường thì NXB không chủ động được kế hoạch xuất bản của mình.
Nỗi lo lớn hơn là dán tem sách xong vẫn không khống chế được sách lậu bản điện tử (Ebook) - vốn làm điêu đứng các đơn vị xuất bản gần đây. Trong khi ấn bản giấy chỉ có thể bán 5.000-10.000 cuốn thì ấn bản điện tử lại phát tràn lan, nhanh chóng lên tới vài chục ngàn bản, được bán công khai trên các trang web, diễn đàn lẫn các nhóm bí mật mà chưa có bất kỳ biện pháp nào quản lý. Như vậy, lợi nhuận của ngành sách đã thất thoát hết vào đó.
Bình luận (0)