"Đảo địa ngục" kể lại câu chuyện có thật vào thời thế chiến 2, hàng trăm người dân Triều Tiên bị người Nhật đưa lên một hòn đảo có tên Hashima để nam khai thác than còn nữ thì giải khuây cho binh sĩ. Phim có hư cấu, nhất là đoạn cuối, để cho một số người chạy thoát khỏi hòn đảo nhằm tạo kịch tính và mạch truyện phù hợp với yếu tố thương mại.
Chính những yếu tố hư cấu này là một trong những nguyên nhân khiến phim gây tranh cãi dù đạo diễn khẳng định tôn trọng lịch sử, không sáng tạo quá đà hay gây tổn thương cho những nạn nhân trong sự kiện.
Đoàn phim dốc kinh phí tái dựng đảo Hashima
Phim quy tụ lượng diễn viên quần chúng đông đảo
Công việc nguy hiểm tại hầm mỏ
Phần lớn kinh phí của phim được dùng để tái hiện lại 2/3 quy mô thực tế của hòn đảo Hashima. Đó là những khu nhà lụp xụp, tạm bợ để công nhân là người Triều Tiên cư trú, làm việc. Nó đối lập với khu vực người dân Nhật Bản sinh sống. Sự đầu tư lớn này góp phần làm cho câu chuyện trông chân thật và cuốn hút hơn. Phim mở đầu với màu sắc u tối và sự u tối này bao phủ toàn bộ phim. Một vài đốm sáng lóe lên hay một chút ít sự hài hước chỉ như nốt chấm phá không đủ để xua đi cái u tối phim mang đến.
Đạo diễn Ryu Seung Wan đã tái hiện cuộc sống bi thảm của những người Triều Tiên bất ngờ được đưa đến Hashima. Trong đó, một số người là nhạc công, ban đầu muốn đưa dàn nhạc đến Nhật để tìm cuộc sống mới cho con gái trong thời điểm loạn lạc. Một tay xã hội đen, một cô gái có số phận bi kịch, những người dân lao động, những sinh viên,... đều bị buộc phải tuân thủ luật lệ của Hashima và làm việc.
Nhiều người Triều Tiên bất ngờ bị đưa đến đảo
Họ buộc phải làm việc cật lực
Đàn ông thiếu thức ăn, bị đánh đập, có thể chết bất cứ lúc nào trong hầm mỏ, phụ nữ thì bị biến thành nô lệ tình dục, bị dày xéo, đọa đày. Một số người Triều Tiên tự biến mình thành tay sai của Nhật và quay ngược lại tra tấn đồng bào vì mưu cầu sự sống. Tất cả hiện lên chân thật, những cảnh tai nạn, thiệt mạng cũng được tái hiện đầy khốc liệt, bạo lực.
Về phía diễn xuất, nhân vật chính yếu và gần như xuyên suốt phim không phải là Song Joong Ki mà là nhạc trưởng Lee Gang Ok do diễn viên kỳ cựu Hwang Jung Min thủ diễn cùng cô con gái Soo Hee do Kim Soo Ahn diễn. Cả hai thể hiện xuất sắc vai của mình, mang đến nhiều cung bậc cảm xúc cho khán giả. Họ khiến khán giả cười, khóc, xúc động, cảm thương. Cả hai là nhân vật đinh, níu chân khán giả trong hơn 130 phút phim đầy u tối.
Hai nhân vật chính của phim
Với diễn xuất tuyệt vời
So Ji Sub, Song Joong Ki đều là nhân vật phụ, được xây dựng hình tượng đối lập để tạo thêm tình tiết cho phim và dẫn đến đoạn cuối hư cấu theo kịch bản. Vì thế, cả hai khá nhạt nhòa. Hình tượng anh hùng hóa quá đà cho nhân vật của Song Joong Ki dẫn đến nhiều phi lý đã bị khán giả Hàn chỉ trích trước đó. Nhưng đó là về mặt kịch bản, riêng về diễn xuất, Song Joong Ki và So Ji Sub vẫn hoàn thành vai của mình. Phim sẽ tốt hơn nếu đạo diễn không quá ôm đồm, lồng ghép nhiều thông điệp, nỗ lực cho mỗi nhân vật cơ hội tỏa sáng dẫn đến dàn trải, thiếu cái kết ấn tượng.
Nếu "Cuộc di tản Dunkirk" mang đến cuộc chiến nội tâm, không nhiều bạo lực khốc liệt thì ở "Đảo địa ngục" yếu tố khốc liệt được đẩy mạnh, mô tả chân thật. Nó cho thấy sự tàn bạo của chiến tranh. Ở đấy, con người trở nên nhỏ bé trước số phận, cái chết hiển hiện khắp nơi và chỉ có tình yêu, niềm khao khát sống mãnh liệt mới giúp họ đứng lên, nỗ lực thoát khỏi địa ngục trần gian.
Bình luận (0)