Đạo diễn Liên hoan Phim (LHP) Cannes lần thứ 70, Thierry Fremaux, nói rằng: "Cannes là nơi mở ra những ý tưởng mới. Tất nhiên sự mới mẻ ấy luôn được xây dựng trên nền tảng những giá trị cũ. Sự phong phú, đa dạng chính là sự khác biệt nổi bật của Cannes". Đó cũng là tinh thần chung của các ứng viên giành Cành cọ vàng tại Cannes lần này.
Tiếng nói riêng
Trong số 18 bộ phim dự tranh giải Cành cọ vàng lần này, có 3 bộ phim của châu Á. Trong đó, có hai tác phẩm của điện ảnh Hàn Quốc gồm "Okja" (đạo diễn Bong Joon Ho), phim "Geu Hu" (tức là "The day after") (đạo diễn: Hong Sang Soo) và "Hikari" (đạo diễn: Naomi Kawase) của điện ảnh Nhật Bản. Bảy năm sau ấn tượng có được tại Cannes 2010, điện ảnh Hàn Quốc mới lại có 2 đại diện tranh tài. Trước đó vào năm 2010, hai ứng viên "Poetry" (đạo diễn: Lee Chang Dong) và "The Housemaid" (đạo diễn: Im Sang Soo) gây ấn tượng mạnh với công chúng và cả giới chuyên môn. Trong đó, "Poetry" chiến thắng giải Kịch bản xuất sắc nhất. Công chúng hy vọng điện ảnh châu Á nói chung và Hàn Quốc nói riêng lại làm nên chuyện tại LHP Cannes lần này.
Poster phim "Vị" của đạo diễn trẻ Lê Bảo tranh giải tại LHP Cannes 70
"Okja" thuộc thể loại khoa học viễn tưởng về cô gái trẻ tìm mọi cách để ngăn một tập đoàn đa quốc gia săn bắt người bạn thân nhất của mình. Bộ phim do 3 hãng phim Hollywood gồm Plan B, Lewis Pictures và Kate Street Picture Company hợp tác sản xuất. Được dịch vụ xem phim trực tuyến Netflix (Mỹ) đầu tư 50 triệu USD, bộ phim gây ấn tượng vì đội ngũ diễn viên hùng hậu đến từ Hollywood lẫn Hàn Quốc. Sau "The Host" (2006), "Tokyo!" (2008) và "Mother" (2009), "Okja" là phim thứ 4 của đạo diễn Bong Joon Ho tham dự LHP Cannes nhưng đây là lần đầu tiên phim của ông được quyền tranh giải .
Trong khi đó, đạo diễn Hong Sang Soo và phim của ông vẫn là một ẩn số. Thông tin về ông chỉ giới hạn trong xì-căng-đan tình ái với người đẹp Kim Min Hee. Tuy nhiên, với quốc tế, Hong Sang Soo được người trong giới đặt biệt danh là "gã quái kiệt" và là người quen của LHP Cannes. Vị đạo diễn này từng 3 lần ra mắt phim tại LHP Cannes, gồm "Women in the future of man" (2004), "Tale of cinema" (2005) và "In another country" (2012). Nhiều dự đoán cho rằng Hong Sang Soo sẽ gây ngạc nhiên tại Cannes lần này.
Thông tin về ứng viên đến từ Nhật Bản, "Hikari", của nữ đạo diễn Naomi Kawase cũng chứa nhiều bí ẩn. Bộ phim xoay quanh câu chuyện của nhà quay phim có con mắt laser và một cô gái không thể kết nối với thế giới. Với ý nghĩa là "Ánh sáng", ẩn ý của "Hikari" không dễ để thẩm thấu nếu người xem không dành thời gian để chiêm nghiệm. Dù vậy, báo chí phương Tây nhận định đó là cái nhìn mới về thế giới đầy sáng tạo. "Đó cũng chính là điều mà LHP Cannes luôn luôn hướng tới" - trang tin của LHP Cannes nhận định.
Thực tế, ở LHP Cannes hay bất kỳ LHP mang tính chuyên môn nào, sự sáng tạo luôn được coi trọng. Chỉ chiếm một phần nhỏ trong cuộc đua tranh tài nhưng việc 3 bộ phim châu Á được xếp ngang tầm với các tác phẩm của Hollywood và châu Âu càng khẳng định niềm tin về tiếng nói riêng của ngôn ngữ điện ảnh châu Á.
Dấu ấn điện ảnh Việt
Ngoài niềm vinh dự tranh giải, việc những bộ phim châu Á được mời dự và trình chiếu tại LHP Cannes danh giá cũng là điều đáng được ghi nhận. Trong đó, điện ảnh Hàn Quốc và Nhật Bản gần như là đại diện nổi bật. Nhưng đáng ghi nhận hơn chính là sự xuất hiện của điện ảnh Việt tại LHP Cannes lần này. Hai dự án phim Việt tranh giải ở hạng mục giải thưởng L'Atelier của Cinéfondation (nhằm hỗ trợ và cổ vũ những nhà làm phim trẻ trên khắp thế giới, giúp họ thêm cơ hội gia nhập nền công nghiệp điện ảnh) là "Culi không bao giờ khóc" (Culi Never Cries) của Phạm Ngọc Lân và "Vị" (Taste) của Lê Bảo. Năm nay, có 15 dự án phim đại diện cho 14 quốc gia tham dự hạng mục này, Việt Nam là nước duy nhất có 2 phim đại diện.
"Culi không bao giờ khóc" là phim dài đầu tay của đạo diễn trẻ Phạm Ngọc Lân (SN 1986), kể chuyện một phụ nữ Á châu sang trời Tây nhận xác chồng. Còn "Vị" cũng là phim dài đầu tay của đạo diễn trẻ Lê Bảo (SN 1990), kể chuyện một đàn ông châu Phi đang thất nghiệp ở TP HCM, đang cố kiếm tiền để được đoàn tụ gia đình. "Vị" từng đoạt giải thưởng Dự án triển vọng nhất ở hạng mục Southeast Asian Film Lab tại LHP Quốc tế Singapore.
Ngoài ra, bộ phim "Đảo của dân ngụ cư" (đạo diễn: Hồng Ánh) và "Người vợ ba" (đạo diễn: Nguyễn Phương Anh) cũng xuất hiện tại LHP Cannes (không tranh giải) nhờ thành tựu riêng. Theo đó, "Đảo của dân ngụ cư" vừa nhận được 3 giải thưởng tại LHP Quốc tế ASEAN còn "Người vợ ba" có 2 giải thưởng gồm Quỹ sản xuất (Post-Production Fund) và Từ Hồng Kông đến Cannes (Hong Kong Goes To Cannes) tại Diễn đàn Điện ảnh châu Á Hồng Kông 2017. Tại Cannes, đạo diễn Nguyễn Phương Anh sẽ có một suất chính thức để trình bày dự án của mình tại Marché Du Film (chợ phim), nơi có rất nhiều nhà đầu tư và phát hành tầm cỡ.
Bình luận (0)