Sau 2 bộ phim có doanh thu ngấp nghé 100 tỉ đồng “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” và “Em là bà nội của anh”, điện ảnh Việt tạo hứng khởi cho các nhà làm phim và xây dựng niềm tin cho các nhà đầu tư điện ảnh. Thế nhưng, những gì diễn ra trên thị trường phát hành phim từ đầu năm đến nay đã mang lại nỗi e dè cho nhiều người.
Hồn tư nhân, da nhà nước
Phim Việt vẫn trong tình trạng bất an, doanh thu cứ chơi trò may rủi. Không khí điện ảnh này khiến người ta nhớ lại thời kỳ những năm 1990 của điện ảnh Việt Nam, một giai đoạn chuyển mình mạnh mẽ nhưng cũng nhanh chóng kết thúc sau đó.
Không bàn đến thời kỳ bao cấp, giai đoạn điện ảnh Việt Nam được xem là phát triển rực rỡ về nghệ thuật, cả đầu vào, đầu ra của tác phẩm điện ảnh thời kỳ ấy đều được nhà nước bao cấp hoàn toàn, công chúng thụ hưởng không chọn lựa bằng tấm vé như sau này. Từ khi nền kinh tế chuyển sang cơ chế thị trường, nhà nước chủ trương cho phép tư nhân góp vốn sản xuất phim, điện ảnh Việt Nam bắt đầu bước đi khập khiễng trên đôi chân vừa tư nhân vừa nhà nước của mình.
Đi đầu phong trào tư nhân góp vốn làm phim lúc đó là các nghệ sĩ tại TP HCM. Gọi là góp vốn nhưng trên thực tế, tư nhân điều hành toàn bộ từ khâu sản xuất đến phát hành, hãng phim của nhà nước chỉ làm nhiệm vụ cấp phép, giám sát và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung tác phẩm.
Dù sản xuất phim trong cơ chế “vỏ nhà nước, ruột tư nhân” nhưng điện ảnh Việt Nam khi đó đang thoát dần ra khỏi thời kỳ suy thoái vì không có vốn sản xuất cũng như tư duy của đội ngũ làm điện ảnh nhà nước không còn phù hợp với cơ chế thị trường. Những bộ phim được làm bởi đồng vốn tư nhân như “Phạm Công - Cúc Hoa”, “Thăng Long đệ nhất kiếm”… của gia đình nghệ sĩ Lý Huỳnh lúc ấy đã thay màu màn ảnh Việt. Doanh thu mang về cho nhà sản xuất bằng những con số ngoài sức tưởng tượng. Từ đó, nhiều nhà đầu tư tư nhân bắt đầu tham gia sản xuất phim, tạo nên phong trào nhà nhà làm phim. Điện ảnh Việt thu hút một nguồn lực rất lớn về tiền và nhân lực cả trong lẫn ngoài nước cho sự phát triển của mình ở giai đoạn mới. Có gần 100 phim được sản xuất mỗi năm, trong đó có những phim liên kết sản xuất với nước ngoài.
Tuy nhiên, cơ chế làm phim theo kiểu “hồn tư nhân, da nhà nước” kéo dài hàng thập kỷ đã kiềm chế và làm triệt tiêu ý chí vươn lên của những nhà đầu tư điện ảnh tâm huyết. Hãng phim tư nhân chưa được phép ra đời nên dù các nhà sản xuất phim tư nhân tâm huyết có nỗ lực mấy đi nữa họ vẫn không xây dựng được thương hiệu cho riêng mình. Mọi hoạt động đều phải núp bóng dưới tờ giấy phép và con dấu đỏ của các hãng phim nhà nước.
Cơ chế làm phim “ruột tư nhân, vỏ nhà nước” này cũng đã tạo ra những nhà làm phim chụp giật, không gắn kết trách nhiệm, thấy có lợi nhuận là nhảy vào, hết ăn được là rút chạy. Vì lợi nhuận, họ bất chấp mọi thủ đoạn để có được giấy phép sản xuất và phát hành, bất kể chất lượng phim yếu kém như thế nào. Có giai đoạn Việt Nam có đến mấy chục hãng phim nhà nước ra đời chỉ với mục đích bán giấy phép cho tư nhân làm phim.
Hệ thống rạp chiếu, đầu ra của phim lại thuộc sự quản lý hoàn toàn của các đơn vị phát hành và chiếu bóng của nhà nước từ trung ương đến địa phương, trở thành nỗi ám ảnh của các nhà sản xuất phim tư nhân tâm huyết với nghề thời đó. Không nhà sản xuất nào có thể chịu đựng nổi khi một phim đầu tư lớn, làm bằng phim nhựa 35 mm, tốn kém gấp 10 lần phim video lại hưởng tỉ lệ chia doanh thu ngang bằng với phim video và giá vé cũng ngang nhau. Những kẻ làm phim cơ hội tha hồ thao túng, mua chuộc các công ty phát hành chiếu bóng các tỉnh, thành để phim mình được xếp lịch chiếu tốt nhất, dù đó là phim video, chất lượng chẳng ra gì, còn gọi là phim “mì ăn liền”, xuất hiện ồ ạt. Thậm chí, có người đi mua lại phim truyền hình đã phát sóng của Trung tâm Sản xuất phim truyền hình Việt Nam đem về chiếu ở các rạp với giá vé như phim nhựa mới phát hành...
Sự bất công và thiếu minh bạch do cơ chế quản lý tạo ra đã làm nản lòng các nhà làm phim tư nhân tâm huyết và khiến khán giả điện ảnh sớm quay lưng với phim Việt. Hệ thống rạp chiếu rơi vào tình trạng vắng khách, xuống cấp nghiêm trọng, trở thành nơi phát sinh đủ các loại tệ nạn xã hội…
Nhiều người cho rằng giá như cơ chế, chính sách tư nhân hóa điện ảnh ra đời sớm hơn thì điện ảnh Việt Nam ngày nay đã có diện mạo khác.
Mất 10 năm để... làm lại từ đầu
Điện ảnh Việt chưa kịp tạo đà cho bước đi đầu tiên trong cơ chế thị trường lại phải ngã khuỵu và rơi vào tình trạng hôn mê sâu. Gần như các rạp chiếu phim tại các đô thị lớn bị chính quyền địa phương đưa vào sử dụng với nhiều mục đích khác nhau. Hệ thống chiếu phim hàng chục rạp tại TP HCM vì thế đã biến mất. Thị trường chiếu phim ở Việt Nam xem như không còn cho đến khi một số nhà sản xuất và phát hành phim thế hệ mới xuất hiện theo cơ chế chính sách mới của nhà nước, hãng phim tư nhân và công ty phát hành phim tư nhân được phép thành lập.
Galaxy là công ty tư nhân tiên phong trong việc đầu tư xây dựng hệ thống cụm rạp khang trang, an toàn, hiện đại đầu tiên, dù phải thuê mặt bằng của Trung tâm TDTT Nguyễn Du, quận 1, TP HCM cải tạo thành cụm rạp chiếu. Với những bộ phim mới do Galaxy sản xuất và nhập khẩu sớm nhất từ Mỹ, rạp chiếu phim Galaxy đã góp phần làm thay đổi diện mạo điện ảnh Việt Nam đang trong tình trạng quá bệ rạc, đánh thức thị trường điện ảnh đang trong giấc ngủ quá dài. Sau đó, có thêm hệ thống rạp chiếu Mega Star liên doanh giữa Mỹ với Công ty Văn hóa Phương Nam, nay là hệ thống cụm rạp CGV, sau khi phía Mỹ chuyển nhượng cổ phần cho công ty Hàn Quốc. Tại Hà Nội, khi ấy, nhà nước đã đầu tư xây dựng Trung tâm Chiếu phim quốc gia khá hiện đại.
Thị trường chiếu phim Việt Nam bắt đầu sống lại nhưng chưa đủ lớn để kích hoạt sản xuất phim trong nước hồi phục. Doanh thu chiếu phim vẫn chỉ tập trung ở TP HCM và một phần nhỏ tại Hà Nội. Phim “Dòng máu anh hùng” mở màn cho dòng phim của các nghệ sĩ Việt kiều đầy tâm huyết trở về từ Hollywood, được xem là mang sức sống mới cho điện ảnh Việt Nam, hiện đại và hấp dẫn nhất từ trước đến nay nhưng vẫn thu không đủ bù chi, mặc dù doanh thu của phim thuộc hàng lớn nhất thời điểm đó. Những “Áo lụa Hà Đông”, “Thiên mệnh anh hùng”… tiếp theo là những tác phẩm ghi dấu ấn cho điện ảnh Việt Nam thời kỳ mới nhưng đều trong tình trạng thua lỗ. Thị trường điện ảnh trong nước còn hạn hẹp, cơ hội doanh thu chưa cao khiến cho các nhà sản xuất phim trong nước không dám đầu tư lớn. Đến khi các nhà phát hành phim nước ngoài (Hàn Quốc, Indonesia) “nhảy” vào Việt Nam đầu tư rạp chiếu, cùng với sự lớn dần của các nhà phát hành trong nước, bên cạnh Galaxy có thêm Công ty BHD vừa đầu tư hệ thống rạp chiếu vừa sản xuất và phát hành phim, thị trường phát hành phim Việt Nam mới được mở rộng hơn, tư nhân bắt đầu bỏ vốn vào làm phim nhiều hơn. Tuy nhiên, yếu tố quyết định sống còn cho điện ảnh Việt lúc này là thị trường phát hành trong khi phim Việt hoàn toàn lệ thuộc vào các “ông lớn” đến từ ngoại quốc.
Kỳ tới: Chàng tí hon bên gã khổng lồ
Bình luận (0)