Phóng viên: Là người làm nghề nhiều năm, từ kinh nghiệm diễn xuất đến đạo diễn, chị định nghĩa thế nào về hài kịch tình huống?
- Nghệ sĩ Thanh Thủy: Hài kịch tình huống hay sitcom (viết tắt của từ tiếng Anh: situation comedy) là một thể loại của hài kịch, lúc đầu được sản xuất cho radio nhưng hiện nay được trình chiếu chủ yếu trên truyền hình. Sitcom có nhiều tập với những tình huống hài hước được lồng ghép vào nội dung câu chuyện phim và được thực hiện hầu hết trong trường quay, thu thanh đồng bộ, sử dụng cùng lúc 3 đến 4 máy quay phim ghi hình và bắt buộc phải dựng hình ngay tại trường quay để bảo đảm thời gian thực hiện một tập phim 50 phút chỉ trong thời gian 3 đến 4 ngày. Hài tình huống được biến hóa, nhào nặn qua sàn diễn sân khấu, qua nhiều chương trình truyền hình thực tế, các game show hài... dẫn đến thảm họa mang tên hài nhảm.
Nghệ sĩ Thanh Thủy trong vai Nguyễn Thị Anh (vở “Bí mật vườn Lệ Chi”). Ảnh: THANH HIỆP
Nói vậy là hài nhảm hiện nay sinh ra từ hài kịch tình huống, nơi diễn viên diễn không sử dụng kịch bản mà chỉ là tương tác ngẫu hứng với bạn diễn. Họ tung hứng những mảng miếng chẳng có nội dung, thậm chí nói tục, đem đời tư của nghệ sĩ ra để chọc cười?
- Diễn hài tình huống đòi hỏi nghệ sĩ phải có bản lĩnh sân khấu, kiến thức dày sâu để có thể ứng biến một cách nhanh nhạy, thông minh, tạo ra tiếng cười duyên dáng, trí tuệ. Sự bỡn cợt trong cách diễn hài như chúng ta thấy vừa qua trên sân khấu và màn ảnh là bắt nguồn từ việc thiếu ý thức trong sáng tạo, trong quá trình tập dượt của nghệ sĩ. Họ đến sàn tập vội vội vàng vàng, nói chuyện tào lao nhiều hơn là tập trung cho vở diễn, thậm chí có một số diễn viên chẳng thèm đọc trước nội dung kịch bản, cứ thế lên sàn tập, sàn diễn thêm mắm dặm muối, làm rối nùi lên.
Bản thân tôi chưa bao giờ diễn hài mà không có kịch bản. Có lần tôi bị anh Thành Lộc giận vì diễn một lớp kịch mà thoại sai lời, dẫn đến sai ý nghĩa. Tôi hối hận lắm, xin lỗi anh và rút kinh nghiệm một cách sâu sắc. Tôi cho rằng chính vì cường độ làm việc quá căng của các nghệ sĩ hài khiến họ không tài nào ứng biến nhanh những mảng miếng gây cười, dẫn đến diễn hài nhảm, hài tục.
Các game show, chương trình truyền hình thực tế hài lạm dụng việc giả gái, giả người đồng tính để gây cười; hài hình thể bị bóp méo. Có nhiều ý kiến cho rằng trào lưu này được tạo nên bởi một vài ngôi sao hài khiến đội ngũ trẻ bắt chước?
- Với số lượng tiểu phẩm sử dụng cho các chương trình truyền hình quá nhiều nhưng không phải tiểu phẩm nào cũng đủ duyên để bật tiếng cười nên một số diễn viên hài đã mang trò “bóng gió”, “đồng tính”, “giả gái” để chọc cười khán giả. Về vấn đề thẩm mỹ, tôi cho rằng các đồng nghiệp này chưa cảm thụ về sân khấu, cứ nghĩ diễn cái gì lố lố, quái đản sẽ làm khán giả cười. Đúng là một dạo các danh hài giả gái như: Hoài Linh, Thành Lộc, Minh Nhí, Hữu Châu... nhưng đó là những nhân vật có số phận, rất duyên. Những biến đoạn đó mang lại thông điệp giáo dục ý nghĩa.
Chưa có nước nào diễn viên hài nhiều như Việt Nam? Phải chăng từ hài nhảm, hài tục dễ nổi tiếng nên chuẩn mực làm nghề của diễn viên trẻ hiện nay là chọn sở trường này?
Quá nhiều cuộc thi trên sóng truyền hình nên tính chuyên nghiệp để theo nghề diễn không cao. Phải khẳng định ngay là trong các cuộc thi tìm kiếm tài năng trên các đài, chỉ với thời lượng ngắn, thí sinh đang học và thể hiện thủ pháp gây cười; còn đường dài để tỏa sáng với vị trí một nghệ sĩ hài là không phải dễ. Diễn cho khán giả cười khó hơn khóc. Quá nhiều quán quân hiện nay rời khỏi màn ảnh nhỏ, rất hiếm khi được tỏa sáng trên sân khấu kịch. Khi họ chưa có nền tảng nghề nghiệp vững, họ lại làm việc với kiểu kịch bản chỉ có 2 trang giấy, còn lại tung hứng bậy bạ, miễn sao khán giả cười là được, đây là mầm mống khiến cho hài nhảm, hài tục tồn tại và diễn viên trẻ vào nghề từ hành trang đó đã không đáp ứng được nhu cầu thẩm mỹ của người xem. Tiền đồ sân khấu sàn diễn từ đó lung lay.
Nói tóm lại, hiện nay vai trò của nhà sản xuất từ màn ảnh đến sàn diễn rất quan trọng. Nếu có ý thức làm hài nghiêm túc, không dựa vào nhảm, tục để gây cười thì chúng ta sẽ còn cứu kịp tính thẩm mỹ của sân khấu và màn ảnh.
Theo chị, bằng cách nào để loại bỏ hài nhảm, hài tục ra khỏi sàn diễn và sóng truyền hình?
- Ngành văn hóa các địa phương có hội đồng nghệ thuật phúc khảo các vở diễn trước khi công diễn. Tôi nghĩ việc phúc khảo các tiểu phẩm hài trước khi lên sóng truyền hình là cần thiết. Ngoài ra, chính ý thức làm nghề của nghệ sĩ hài mới là điều quan trọng. Không phải tất cả nghệ sĩ hài đều diễn nhảm, dung tục để gây cười. Có nhiều anh chị em nghệ sĩ hài vẫn làm nghề rất nghiêm túc, giữ sự trong sáng của tiếng cười.
Nhiều điểm sáng sân khấu chờ đón khán giả
Nghệ sĩ Thanh Thủy nói: Xem hài trên sóng truyền hình, khán giả không phải mất tiền mua vé mà vẫn gặp được nghệ sĩ hài mình yêu thích. Tôi cho rằng từ đó khán giả ít đến rạp vì họ nghĩ nghệ sĩ hài trên sân khấu chắc cũng diễn như vậy.
Nhưng vẫn còn đó những điểm sáng của sân khấu kịch hôm nay như: IDECAF, Hoàng Thái Thanh, Phú Nhuận, Trịnh Kim Chi, Minh Nhí…, nơi đó vẫn đang chào đón khán giả bằng những tác phẩm được đầu tư nghiêm túc và tâm huyết của nghệ sĩ. Bản thân tôi, sau nhiều năm lăn lộn với hài kịch trên truyền hình, giờ là lúc dừng lại, làm những vở diễn đậm chất văn học, mang tính giáo dục để định hướng thẩm mỹ cho công chúng. Bằng chứng nhiều suất diễn vở “Tiếng vạc sành” do tôi dàn dựng, vừa diễn tại sân khấu Minh Nhí, thu hút đông khán giả. Tôi cảm thấy vui khi đứa con tinh thần của mình được khán giả đón nhận như thế.
Bình luận (0)