xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Đừng lo tiếng Việt lệch chuẩn!

DƯƠNG QUANG

Ngôn ngữ là phương tiện giao tiếp, phương tiện của tư duy nên từ vựng và cách dùng từ luôn phát sinh là lẽ tự nhiên, cần được chấp nhận

Sau hội thảo khoa học “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trên các phương tiện thông tin đại chúng” được tổ chức ở Hà Nội, tuần qua, chuyện về tiếng Việt bị sử dụng bừa bãi lại được “xới” lên trong dư luận. Nhìn chung, người ta nêu hiện trạng là chủ yếu, phần kiến giải thì không thấy đề cập nhiều.

Hiểu cạn và dùng bừa

Đúng như Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu tại hội thảo nói trên: “Có một thực tế hiện nay là ngoài xã hội, trên các diễn đàn, trong các tài liệu báo cáo, kể cả các tài liệu báo cáo chính thức, trên các ấn phẩm thông tin đại chúng và trong sách giáo khoa đang ngày càng có nhiều biểu hiện thiếu chuẩn mực khi sử dụng tiếng Việt”. Đáng lo là các phương tiện truyền bá tiếng Việt bị hiểu nhầm và dùng sai ấy lại có tính phổ quát, lan tỏa và chính thống cao. Mức độ đáng tin cậy của báo - đài, văn bản khoa học, sách giáo khoa… càng khiến tiếng Việt vốn đã sai càng khó sửa. Sai nếu được dùng lâu mà chẳng ai sửa thì ắt thành đúng, kiểu “lộng giả thành chân”.

Nguồn: TIIN.VN
Nguồn: TIIN.VN

Sai phổ biến trên báo - đài là các từ tổ Hán Việt, chủ yếu do hiểu cạn và dùng bừa. Điển hình là các động từ “vi hành”, “vấn nạn”, “tục huyền”, “tái giá”, “tự vẫn”…

“Vi hành” là đi thị sát (hiện trường) một cách bí mật, một mình nhưng các bản tin thì đưa ảnh quan chức “vi hành” cùng cả đoàn tùy tùng; lại để báo chí biết ráo, bám theo quay phim, chụp ảnh rộn ràng, sau đó miêu tả chi tiết (!). “Vấn nạn” cũng vậy, các bộ tự điển uy tín đều khẳng định đây là động từ, nghĩa là “hỏi vặn”, “hỏi khó”, “hỏi móc họng” (để bắt bí) song khi qua tay phóng viên, phát thanh viên thì được chuyển đổi từ loại thành danh từ, mang nghĩa một vấn đề hay thực trạng nào đó đáng lo, khó giải quyết. Ví dụ: “Vấn nạn ma túy đang đe dọa học đường”, “Vấn nạn thất nghiệp thách thức lao động trẻ”…

Để diễn đạt “kết hôn thêm lần nữa”, từ vựng tiếng Việt có các từ tổ: tái giá, cải giá, tái hôn, tục huyền, đi bước nữa, thêm lần đò… Dù vậy, không phải từ nào cũng dùng chung được cho cả nam và nữ. Chẳng hạn, với đàn bà con gái thì “tái giá”, “cải giá” hoặc “đi bước nữa” là đúng nhưng với đàn ông con trai thì phải là “tục huyền” (lấy vợ khác sau khi vợ trước mất).

Những từ tổ Hán Việt biểu đạt nghĩa tự tử hay tự sát cũng thường xuyên bị dùng sai. Tự chết bằng cách dùng dây (hay vải) thắt cổ thì không thể nói “tự vẫn” mà phải là “tự ải”. Nhảy sông, nhảy hồ kết liễu đời mình cũng chẳng phải là “tự vẫn” mà là “tự trầm”. “Tự vẫn” được dùng với trường hợp cố ý gây ra cái chết cho mình bằng một loại dụng cụ nào đó. Nếu không nắm từ nguyên thì tốt hơn là nên viết đơn giản: nhảy sông tự tử, thắt cổ tự tử… vừa đúng vừa dễ hiểu.

Dẫu gì thì văn bản cũng có sự chuẩn mực nhất định vì được sửa, duyệt qua nhiều khâu trước khi ấn hành; còn phát ngôn của các phát thanh viên đài phát thanh, đài truyền hình - nhất là những chương trình phát sóng trực tiếp - thì vừa thừa vừa sai vô số kể. Dễ bắt gặp nhất khi những người cầm micro “phun châu nhả ngọc” là: Kính thưa tất cả các khán thính giả (thừa “các”); theo ban tổ chức chương trình cho biết (thừa “theo” hoặc “cho biết”), quý vị khán giả thân mến (“quý vị” là từ dùng xưng hô với người lớn tuổi, đáng kính, sao lại “thân mến” được?)… Không thể liệt kê ra hết!

Từ vay mượn gốc Âu cũng bị hiểu sai, dùng sai nhiều, kể cả trong các ấn phẩm chuyên ngành. Điển hình từ - ngữ sai thường gặp là “tiểu đường tuýp I”, “mô tuýp”, trong khi “tuýp” là ghi âm tiếng Việt của “tube” (tiếng Pháp: [nghĩa là] ống: ống tuýp, tuýp sắt, tuýp kem...), tức đã nhầm “tuýp” với “type” (loại, dạng; ví như “tiểu đường type I, type II) và với “motif” (trường phái, thiên hướng, “gu”…).

Những kiểu nhầm và sai như trên, sửa được không? Được. Vấn đề chính không nằm ở kiến thức mà nằm ở sự nghiêm cẩn của người viết và người biên tập. Những khâu này mà kỹ lưỡng, trách nhiệm cao thì không để xảy ra tình trạng như thế.

Sự lấn sân của ngôn ngữ mạng xã hội

“Tự sướng” có lẽ là từ được dùng… văng mạng nhất. Nghĩa tiếng Việt, “tự sướng” là gì, ai cũng hiểu. Nhưng ghép vào hành động tự chụp ảnh chính mình (hoặc chúng mình), tiếng Anh là “selfie”, mà nói là “chụp ảnh tự sướng” thì chẳng hiểu là… sướng chỗ nào?! Trên mạng xã hội đăng ảnh “selfie” rất nhiều, thường kèm theo những status (trạng thái) ghi chú: tự sướng với…, tự sướng tại…

Khó hiểu không kém là “cụ tỉ”. “Chủ thớt xin nói cụ tỉ một chút về vụ…”, nếu chẳng quen với ngôn ngữ mạng xã hội thì đố mà hiểu nổi. “Thread” trong tiếng Anh nghĩa là chủ đề, đọc chệch thành "thớt"; “chủ thớt” là người tạo chủ đề, đề tài để tranh luận; còn “cụ tỉ” chẳng qua là từ ghép của “cụ thể” và “tỉ mỉ”. Là vậy đó, mà cư dân mạng khoái chí, xài như điên!

Rồi mới đây là từ “cạn lời” thành “hạn hán lời”, “sa mạc lời”, “Sahara lời” được dùng ồ ạt trên mạng xã hội, lan sang các trang điện tử (nằm trong tiêu đề tin, bài hẳn hoi!). “Nhớ lời thề thốt năm xưa/Tình đây duyên đó phân chưa cạn lời”, vậy là “cạn lời” đã đi vào kho tàng ngôn ngữ Việt từ rất lâu. Song bắt nguồn từ một vở kịch của nhóm nghệ sĩ ở TP HCM trong đó dùng “hạn hán lời”, “sa mạc lời” thay cho “cạn lời”, chẳng lâu sau cách dùng này trở thành phổ biến, chủ yếu trong giới trẻ.

Nếu chiếu theo các tiêu chí thông thường thì có thể gọi đấy là lệch chuẩn. Tuy nhiên, phải đặt câu hỏi: Người dùng và người tiếp nhận có hiểu được không? Được, dĩ nhiên. Vậy thì hãy chấp nhận nó, đừng bài xích cực đoan. Bởi lẽ, ngôn ngữ là một hiện tượng xã hội đặc biệt, đồng hành và phát triển cùng các mặt vận động, tiến hóa của con người. Tiếng Việt là sinh ngữ, hà cớ gì không chịu thâu nhận những từ ngữ, cách hiểu và cách dùng mới? Cứ để chúng tự nhiên đi vào đời sống, như một quy luật, giá trị nào không tồn tại được thì chúng sẽ tự mất đi, phai đi...

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo